Tại cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nghe Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam Lê Thị Thuỷ báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội lần thứ XX của Đảng bộ tỉnh Hà Nam nhiệm kỳ 2020-2025 gắn với thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng; kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội 4 tháng đầu năm 2023.
Theo đó, nửa nhiệm kỳ qua, trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh đạt nhiều kết quả.
Công tác xây dựng Đảng được thực hiện đồng bộ, hiệu quả trên các mặt công tác. Đã ban hành các nghị quyết chuyên đề, chương trình, đề án trọng tâm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX.
Lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức tuyên truyền, quán triệt sâu rộng các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương, của tỉnh, tạo sự thống nhất, đồng thuận trong tổ chức thực hiện. Từng bước ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống; những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; đề cao trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên từng bước được nâng lên…
Kinh tế duy trì ổn định và đạt tốc độ tăng trưởng cao, tăng bình quân giai đoạn 2021-2022 đạt 10,06%/năm, là mức tăng cao trong khu vực và của cả nước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, đến nay, tỷ trọng lĩnh vực công nghiệp, xây dựng chiếm 68,7%; thương mại, dịch vụ chiếm 24%; nông, lâm nghiệp, thủy sản giảm còn khoảng 7%.
Thu cân đối ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng bình quân 13,95%/năm, năm 2022 đạt gần 14 nghìn tỷ đồng, bảo đảm tự chủ ngân sách từ năm 2022. Hoạt động xúc tiến đầu tư đạt nhiều kết quả. Lũy kế đến nay, trên địa bàn tỉnh có 1.133 dự án đầu tư còn hiệu lực (363 dự án FDI và 770 dự án trong nước) với vốn đăng ký gần 5.200 triệu USD và gần 170 nghìn tỷ đồng.
Hạ tầng kinh tế – xã hội được đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; diện mạo đô thị, nông thôn có nhiều khởi sắc. Các lĩnh vực văn hoá – xã hội có nhiều tiến bộ; an sinh xã hội được đảm bảo đời sống người dân được nâng lên. Quốc phòng, an ninh được giữ vững và tăng cường. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Bí thư Tỉnh ủy Lê Thị Thuỷ cũng cho biết, một số chỉ tiêu kinh tế – xã hội của tỉnh khó đạt như: Chỉ tiêu số bác sỹ/1 vạn dân, số giường bệnh/1 vạn dân; tỷ lệ các cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung.
Công tác quy hoạch và việc thực hiện Nghị quyết 30 ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 14 của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 30 với rất nhiều nhiệm vụ đối với Hà Nam còn chậm, nhất là việc đầu tư xây dựng Khu công nghệ cao, các Khu công nghiệp.
Giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt kế hoạch đề ra. Một số khoản thu gặp khó khăn như: nguồn thu tiền sử dụng đất, thu thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế tài nguyên, lệ phí trước bạ… Việc xử lý ô nhiễm môi trường nước, sông Nhuệ – Đáy và khu vực Tây Đáy khó đạt mục tiêu đề ra.
Trên cơ sở đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Nam đề nghị Quốc hội xem xét bổ sung Nghị quyết số 39/2021/QH15 về Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021-2025; trong đó có nội dung giao bổ sung 663 ha chỉ tiêu sử dụng đất Khu công nghệ cao cho tỉnh Hà Nam.
Đề nghị Chính phủ ủy quyền cho Tỉnh thực hiện lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch chung, quy hoạch phân khu Khu Công nghệ cao Hà Nam, Tiếp tục quan tâm bố trí vốn ngân sách Trung ương để thực hiện Nghị quyết số 30 về xây dựng Khu du lịch Tam Chúc, Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Voọc Mông trắng thành Di sản.
Tỉnh Hà Nam cũng đề nghị trung ương quan tâm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Dự án đầu tư xây dựng Hạ tầng kỹ thuật Khu du lịch Tam Chúc để kết nối giao thông đồng bộ giữa tỉnh Hà Nam với tỉnh Hòa Bình, thành phố Hà Nội, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của các tỉnh trong vùng…
Phát biểu tại cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ vui mừng và ấn tượng trước sự đổi thay ngoạn mục trong đổi mới, hội nhập, phát triển của tỉnh Hà Nam, đặc biệt sau 26 năm kể từ khi tái lập tỉnh, Hà Nam đã trở thành một tỉnh phát triển năng động, kinh tế tăng trưởng nhanh, đạt được nhiều thành tựu quan trọng; lãnh đạo tỉnh sáng tạo, có định hướng tư duy, tầm nhìn, đẩy mạnh phát triển ngành, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính.
Cơ bản nhất trí với phương hướng, các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm mà Đảng bộ tỉnh Hà Nam đã xác định trong các tháng cuối năm 2023 và nửa nhiệm kỳ còn lại, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gợi mở tỉnh Hà Nam tiếp tục làm tốt công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, tiếp tục phát huy truyền thống lịch sử, cách mạng, đoàn kết, dân chủ, kỷ cương, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, nỗ lực cao hơn nữa để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ được giao. Tỉnh cần rà soát các chỉ tiêu kinh tế – xã hội để bổ sung và định hướng tiếp cho thời gian còn lại của nhiệm kỳ.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Hà Nam rà soát lại đường hướng phát triển, nhất là công tác quy hoạch; phối hợp cùng với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ sớm phê duyệt quy hoạch tỉnh, tạo động lực cho người dân và doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư vào địa phương; phát huy tiềm năng, thế mạnh là tỉnh cửa ngõ phía Nam Thủ đô, trung tâm kết nối của khu vực đồng bằng sông Hồng, nhanh chóng hoàn thành xây dựng đường vành đai 5 kết nối với vùng Thủ đô…
Trần Anh – Phùng Thọ