Thị sát tình hình, thăm và động viên nhân dân xã Nga My – một trong những nơi là “rốn lũ” của huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên với mực nước lũ dâng cao trong những ngày qua, Chủ tịch Quốc hội biểu dương, động viên lực lượng đang thu dọn bùn đất, rửa dọn nhà cửa, làm vệ sinh môi trường đường phố; mong muốn các lực lượng huy động tổng lực về nhân lực, phương tiện, hỗ trợ người dân để cuộc sống của người dân sớm trở lại bình thường. Chủ tịch Quốc hội mong muốn bà con đoàn kết, “tương thân, tương ái”, cùng nhau chia sẻ khó khăn, chung tay khắc phục hậu quả mưa lũ.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã trao 200 suất quà động viên các hộ dân chịu ảnh hưởng trực tiếp từ cơn bão số 3 và mưa lũ gây ra của huyện Phú Bình.
Trước đó, phát biểu thăm hỏi và động viên Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thái Nguyên, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, bão số 3 là cơn bão rất mạnh trong vòng hàng chục năm trở lại đây. Mặc dù lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành đã chỉ đạo quyết liệt, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, nhưng với sức gió rất mạnh, cơn bão đã gây ra sức tàn phá rất lớn và ngay sau bão là mưa lũ, gây ảnh hưởng nặng nề tới tính mạng, tài sản của người dân các tỉnh phía Bắc.
Trước tình hình đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã có thư thăm hỏi và lời kêu gọi đồng bào, chiến sĩ, cả hệ thống chính trị cùng sự chung tay của toàn xã hội khẩn trương hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả bão lũ.
Cũng trong ngày 12/9, nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã kịp thời đến các địa phương để kiểm tra; động viên chính quyền và nhân dân các địa phương tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ, sớm ổn định cuộc sống.
Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao tinh thần chủ động, sự vào cuộc kịp thời của lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên và cả hệ thống chính trị với những diễn biến bất thường của cơn bão số 3. Tỉnh đã quán triệt, triển khai nghiêm túc các chỉ đạo của Trung ương, tích cực chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả do bão gây ra.
Chia sẻ với những thiệt hại về người và tài sản do cơn bão, mưa lũ gây ra cho tỉnh Thái Nguyên, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Đảng bộ, chính quyền tỉnh tiếp tục quán triệt, thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các chỉ đạo của Trung ương. Trong đó, tỉnh tiếp tục tập trung cao độ, huy động cả hệ thống chính trị để khắc phục nhanh hậu quả thiên tai, hạn chế đến mức tối đa thiệt hại về người và tài sản; kịp thời tổ chức cứu trợ người dân khu vực ngập sâu, tổ chức tốt các điểm di dân, cứu trợ, bảo đảm không có người bị đói, không có chỗ ngủ, không có nơi tránh trú an toàn, nhất là người già, trẻ em, các đối tượng yếu thế, không nơi nương tựa.
Chủ tịch Quốc hội yêu cầu tỉnh Thái Nguyên tiếp tục huy động lực lượng hỗ trợ người dân sửa chữa nhà ở, dọn dẹp vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh sau khi nước rút, bảo đảm người dân sớm ổn định cuộc sống; nhanh chóng khắc phục thiệt hại bảo đảm cấp điện, kết nối thông tin liên lạc; khắc phục các đoạn đường sạt lở, sụt lún; kiểm tra lại hệ thống cầu đường trên địa bàn, bảo đảm tuyệt đối an toàn cho người dân; có cảnh báo vùng nguy hiểm, có nguy cơ sạt lở, lũ lụt…
Lãnh đạo tỉnh chỉ đạo ngành giáo dục sớm khắc phục các điểm trường ngập lụt, bảo đảm 100% các cháu ở các cấp học đều được đến trường, sớm ổn định việc dạy và học; quan tâm đến các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, động viên, hỗ trợ để các em sớm trở lại trường học.
Chủ tịch Quốc hội yêu cầu các cấp, ngành, chính quyền của tỉnh tổ chức ứng trực 24/24 giờ, nắm bắt tình hình để có biện pháp ứng phó kịp thời, không chủ quan, lơ là. Bên cạnh các nhiệm vụ được phân công, các cấp, các ngành, các lực lượng phải chủ động bám sát để thực hiện, không chờ đợi sự chỉ đạo, hỗ trợ; quán triệt sâu sắc quan điểm đặt tính mạng, an toàn về người lên cao nhất, tiếp tục duy trì công tác dự báo, truyền thông, cập nhật tình hình nhanh đến nhân dân; tuyên truyền, vận động người dân tuyệt đối lắng nghe chỉ đạo, thông báo của chính quyền địa phương; phát huy tinh thần “tương thân tương ái”, “lá lành đùm lá rách”, tham gia ủng hộ, khắc phục hậu quả mưa lũ. Đồng thời, bảo đảm giữ vững an ninh, trật tự trên địa bàn; phản bác lại các luận điệu xuyên tạc, chống phá Nhà nước.
Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã trao 30 tỷ đồng của Ban Cứu trợ Trung ương cho tỉnh Thái Nguyên để hỗ trợ khắc phục hậu quả cơn bão số 3 và mưa lũ xảy ra trên địa bàn.
Báo cáo với Chủ tịch Quốc hội và Đoàn công tác, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng cho biết, do ảnh hưởng của bão số 3 (Yagi), từ ngày 6 – 12/9, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có mưa to đến rất to kèm dông, lốc, lũ, ngập lụt làm thiệt hại lớn về tài sản của Nhà nước và nhân dân.
Theo số liệu rà soát, tổng hợp báo cáo nhanh của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện, thành phố, sơ bộ thiệt hại tính đến 13h ngày 12/9, trên địa bàn Thái Nguyên đã có 4 người chết, thiệt hại về tài sản ước hơn 600 tỷ đồng. Tỉnh đã phải di dời khẩn cấp trên 50 nghìn hộ dân; 61 điểm trường bị ảnh hưởng…
Các sở, ban, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan tiếp tục theo dõi diễn biến mưa lũ, ngập lụt, huy động lực lượng, phương tiện hỗ trợ di dời các hộ dân bị ngập lụt, các khu vực bị chia cắt, cô lập đến nơi an toàn; triển khai phương án hộ đê chống lũ theo phương án được duyệt; triển khai khắc phục các sự cố sạt lở các tuyến giao thông, khôi phục hệ thông điện, vận hành, điều tiết các hồ chứa bảo đảm an toàn…
Nguồn: https://baotainguyenmoitruong.vn/chu-tich-quoc-hoi-tran-thanh-man-chi-dao-cong-tac-khac-phuc-thiet-hai-do-bao-so-3-tai-thai-nguyen-379897.html