(TN&MT) – Với việc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV có khối lượng nội dung về công tác lập pháp rất lớn, Chủ tịch Quốc hội đề nghị đổi mới tư duy trong công tác xây dựng pháp luật nhằm tiếp tục quán triệt, tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc chủ trương của Đảng và ý kiến chỉ đạo của Đồng chí Tổng Bí thư, nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng, đẩy nhanh tiến độ xây dựng, ban hành luật, nghị quyết của Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn vừa có Công văn số 15/CTQH ngày 29 tháng 10 năm 2024 về việc đổi mới tư duy trong công tác xây dựng pháp luật. Theo đó, Công văn nêu rõ, Nghị quyết số 27-NQ/TW của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII xác định một trong các mục tiêu và giải pháp quan trọng tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới là xây dựng hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, nhân đạo, đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, công khai, minh bạch, ổn định, khả thi, dễ tiếp cận, mở không gian cho đối mới sáng tạo, phát triển bền vững. Đồng thời, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định nguyên tắc trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật phải bảo đảm khả thi, tiết kiệm, hiệu quả, kịp thời, dễ tiếp cận, dễ thực hiện; bảo đảm yêu cầu cải cách hành chính.
Ngày 21/10/2024, tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đã có bài phát biểu quan trọng, trong đó yêu cầu tiếp tục đổi mới mạnh mẽ công tác lập pháp; chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển; tư duy quản lý không cứng nhắc, dứt khoát từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”.
Các quy định của luật phải mang tính ổn định, có giá trị lâu dài; luật chỉ quy định những vần đề khung, những vấn đề có tính nguyên tắc, không cần quá dài. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách triệt để thủ tục hành chính. Tập trung kiểm soát quyền lực trong xây dựng pháp luật; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu; kiên quyết chống tiêu cực, lợi ích nhóm. Chủ động, tích cực, khẩn trương xây dựng hành lang pháp lý cho những vấn đề mới, xu hướng mới, tạo khung khổ pháp lý để thực hiện thành công cuộc cách mạng về chuyển đổi số, tạo đột phá cho phát triển đất nước những năm tiếp theo.
Đổi mới tư duy trong công tác xây dựng pháp luật
Với việc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV có khối lượng nội dung về công tác lập pháp rất lớn. Dự kiến Quốc hội sẽ xem xét 32 dự án luật, dự thảo nghị quyết, trong đó phấn đấu thông qua 15 luật đến 18 luật, 04 nghị quyết quy phạm pháp luật và cho ý kiến đối với các dự án luật còn lại. Để tiếp tục quán triệt, tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc chủ trương của Đảng và ý kiến chỉ đạo của Đồng chí Tổng Bí thư nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng, đẩy nhanh tiến độ xây dựng, ban hành luật, nghị quyết của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu:
Các cơ quan, đơn vị được giao trách nhiệm soạn thảo, trình, thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, dự thảo nghị quyết, các vị đại biểu Quốc hội và đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác xây dựng pháp luật tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt sâu sắc tinh thần đổi mới tư duy trong công tác xây dựng pháp luật theo Nghị quyết số 27-NQ/TW và ý kiến chỉ đạo của Đồng chí Tổng Bí thư; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng, thẩm tra, tiếp thu hoàn thiện các dự án luật, dự thảo nghị quyết trình Quốc hội xem xét, thông qua bảo đảm các yêu cầu sau đây:
Xây dựng, ban hành luật, nghị quyết ngắn gọn, quy định những nội dung đúng thẩm quyền của Quốc hội, bám sát thực tiễn, không cầu toàn, không nóng vội; tuyệt đối không luật hóa quy định của nghị định, thông tư; loại ra khỏi dự thảo luật những vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ, các Bộ và các cơ quan khác. Quy định của luật phải rõ ràng, thực chất, không quy định chung chung, không sao chép lại những nội dung đã được quy định trong các luật khác, góp phần đơn giản, gọn nhẹ nội dung của luật, bảo đảm dễ hiểu, dễ thực hiện.
Những vấn đề mới, đang trong quá trình vận động, thực tiễn biến động thường, xuyên, chưa ổn định thì chỉ quy định khung, mang tính nguyên tắc và giao Chính phủ, các Bộ, chính quyền địa phương quy định để bảo đảm linh hoạt trong điều hành, phù hợp với thực tiễn.
Tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong bộ máy nhà nước, nâng cao năng lực thực thi. Những việc Bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt hơn thì mạnh dạn phân cấp, phân quyền cho Bộ, ngành, địa phương thực hiện để Chính phủ, các cơ quan trung ương tập trung làm chính sách và xử lý những vấn đề vĩ mô.
Triệt để cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư sản xuất, kinh doanh, giảm chi phí tuân thủ, tạo thuận lợi cao nhất cho người dân và doanh nghiệp. Cơ bản không quy định trong luật những nội dung về thủ tục hành chính, trình tự, hồ sơ mà giao Chính phủ, các Bộ quy định theo thầm quyền để linh hoạt, kịp thời sửa đổi, bổ sung khi cần thiết, tạo thuận lợi cho việc phân cấp phù hợp với thực tiễn và đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính.
Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm của cơ quan chủ trì trong từng khâu của quy trình, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm mọi hành vi tham nhũng, tiêu cực, “cài cắm” lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ trong dự thảo luật, nghị quyết của Quốc hội theo đúng Quy định số 178-QĐ/TW ngày 27/6/2024 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật.
Đại biểu Quốc hội phát huy dân chủ, trí tuệ nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội
Công văn đề nghị các vị đại biểu Quốc hội phát huy dân chủ, trí tuệ, vai trò trung tâm trong đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội, với tinh thần chuyên nghiệp, khoa học, kỹ lưỡng nhưng không cầu toàn; bám sát yêu cầu của thực tiễn, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể, tập trung nghiên cứu, tham gia đóng góp ý kiến các dự thảo luật, nghị quyết nhằm tháo gỡ hiệu quả các vướng mắc, bất cập, nhất là các “điểm nghẽn” cản trở sự phát triển, bảo đảm các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua đạt chất lượng cao, tạo hành lang pháp lý thuận lợi, đồng bộ thúc đẩy thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2021 – 2025 và những năm tiếp theo, đưa nước ta tiếp tục phát triển nhạnh, bền vững trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Thống nhất phương án xử lý các vấn đề lớn, quan trọng
Các đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội tăng cường đôn đốc, thực hiện tốt công tác xây dựng pháp luật trong lĩnh vực được phân công phụ trách; tập trung chỉ đạo công tác thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý các dự thảo luật, nghị quyết, trước hết là các dự án trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8 bảo đảm tinh thần đổi mới tư duy, nâng cao chất lượng công tác lập pháp theo đúng tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW và chỉ đạo của Đồng chí Tổng Bí thư; trường hợp cần thiết, trực tiếp chủ trì làm việc với đại diện lãnh đạo Chính phủ, cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo và các cơ quan có liên quan để thống nhất phương án xử lý các vấn đề lớn, quan trọng còn có ý kiến khác nhau, báo cáo Chủ tịch Quốc hội, xin ý kiến Đảng đoàn Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, đề xuất báo cáo xin ý kiến cấp có thẩm quyền các vấn đề về chủ trương, đường lối, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Đảng đối với công tác xây dựng pháp luật.
Thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp trong công tác xây dựng pháp luật
Công văn đề nghị Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội quán triệt, triển khai thực hiện ngay các giải pháp đổi mới trong quá trình thấm tra, tiếp thu, chỉnh lý các dự án được giao chủ trì tại Kỳ họp thứ 8; trong đó chú trọng: Phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo, các cơ quan có liên quan tổ chức nghiên cứu, tiếp thu, giải trình đầy đủ, thấu đáo ý kiến của các vị đại biểu Quôc hội, hoàn thiện các dự thảo luật, nghị quyết trình Quốc hội thông qua bảo đảm chất lượng, tính khả thi, tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật; Thực hiện tốt công tác thẩm tra các dự án trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu, thể hiện rõ quan điểm, chính kiến không chỉ đối với các vấn đề thuộc nội dung dự án mà cả các nội dung liên quan đến phương pháp tiếp cận, tư duy mới trong xây dựng pháp luật phù hợp với tinh thần chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Cơ quan soạn thảo, trình dự án luật, nghị quyết thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp về đổi mới tư duy trong công tác xây dựng pháp luật, cụ thể: Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo văn bản trình Quốc hội xem xét, thông qua; kịp thời xin ý kiến Chính phủ những vấn đề còn có ý kiến khác với cơ quan thẩm tra để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thống nhất xử lý trước khi trình Quốc hội; Quán triệt, bám sát yêu cầu đổi mới để thực hiện tốt ngay từ khâu soạn thảo, thẩm định, trình các dự án thuộc chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 và các năm tiếp theo; Kịp thời tham mưu chuẩn bị, trình Chính phủ ban hành đầy đủ, kịp thời văn bản quy định chi tiết đáp ứng yêu cầu đổi mới để sớm đưa luật, nghị quyết đã được Quốc hội thông qua vào cuộc sống.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đồng chí, các vị đại biểu Quốc hội, các cơ quan có liên quan, theo chức năng, nhiệm vụ được giao, kịp thời chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả./
Nguồn: https://baotainguyenmoitruong.vn/chu-tich-quoc-hoi-de-nghi-doi-moi-tu-duy-trong-cong-tac-xay-dung-phap-luat-382776.html