Đó là chia sẻ của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tại chương trình Tôn vinh thầy thuốc Việt Nam và trao giải cuộc thi viết “Sự hy sinh thầm lặng” lần thứ 6 tổ chức tại Nhà hát Hồ Gươm, Hà Nội tối 26-2. Chương trình nhân kỷ niệm 69 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27-2-1955 – 27-2-2024).
Phát biểu tại chương trình, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng gửi lời chúc mừng, tri ân tới những thế hệ thầy thuốc đã và đang làm nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe người dân.
Chủ tịch nước nhấn mạnh, 69 năm qua, thấm nhuần lời dạy sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các thế hệ cán bộ, bác sĩ, nhân viên y tế đã luôn nỗ lực, phấn đấu không ngừng, vượt qua nhiều gian khó, hết lòng, hết sức cho sứ mệnh cao quý “chữa bệnh, cứu người”.
Trong đội ngũ các y, bác sĩ đã có nhiều tên tuổi trở thành biểu tượng sáng ngời về y đức, sự dấn thân, dám nghĩ, dám làm, hết lòng vì người bệnh. Nhiều thành tựu y khoa chuyên ngành đã trở thành niềm tự hào của y khoa Việt Nam được ghi nhận trên bản đồ y khoa thế giới. Từ đó mở ra triển vọng tốt đẹp trên con đường chinh phục các thách thức, giới hạn trong điều trị những bệnh hiểm nghèo, hiếm gặp.
Tuy nhiên, Chủ tịch nước cũng nhận định hiện ngành y còn gặp những rào cản, điểm nghẽn như chính sách cho cán bộ y tế chưa phù hợp, đời sống cán bộ y tế còn khó khăn; các quy định, pháp luật còn chưa theo kịp với thực tiễn, trình độ quản lý y tế, tài chính y tế, tự chủ tài chính còn nhiều vướng mắc, môi trường hành nghề có nơi có lúc thiếu an toàn, quá tải ở các bệnh viện tuyến trên… là những trở ngại cho công tác chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe nhân dân và lao động của người thầy thuốc, cần phải giải quyết cả trong ngắn hạn và dài hạn.
Theo Chủ tịch nước, trước mắt, cần hoàn thiện chính sách để nhân viên y tế an tâm làm việc, môi trường thuận lợi để y, bác sĩ, nhân viên y tế hành nghề; bảo vệ, hỗ trợ, khuyến khích tinh thần đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm; ứng dụng chuyển đổi số, chuyển giao kỹ thuật, tăng cường y tế cơ sở, dự phòng, kết hợp y học cổ truyền và y học hiện đại… để ngày càng nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Chủ tịch nước cũng cho rằng hành trình trị bệnh cứu người, chăm sóc sức khỏe nhân dân là một hành trình không có điểm dừng, những gian khổ, vất vả của nghề y chưa bao giờ hết và đòi hỏi mỗi y bác sĩ, nhân viên ngành y phải luôn nỗ lực hơn nữa.
Mỗi thầy thuốc cần luôn giữ lửa với nghề, có tinh thần tìm tòi, nghiên cứu, tiếp nhận cái mới, làm chủ khoa học kỹ thuật cao, chuyên sâu, hiện đại, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ trẻ kế cận của ngành y tế.
Bằng y đức, trí tuệ, tài năng và khát vọng lớn, đội ngũ y tế Việt Nam có thể đặt ra những tầm nhìn mới, mục tiêu cao, phấn đấu đưa ngành y tế Việt Nam nằm trong nhóm đầu các nước trong khu vực và vươn tầm thế giới.
Bà Đào Hồng Lan – bộ trưởng Bộ Y tế – cũng bày tỏ tri ân tới đội ngũ thầy thuốc toàn ngành. “Tự đáy lòng mình, cho phép tôi được bày tỏ sự cảm phục và tự hào về các thầy thuốc, người lao động toàn ngành. Xin cảm ơn các đồng chí đã luôn kiên cường, vượt khó, sáng tạo, dám nghĩ dám làm để đạt được những kết quả đáng tự hào”, lãnh đạo Bộ Y tế xúc động chia sẻ.
Tại chương trình, ngoài tôn vinh đội ngũ y bác sĩ nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27-2, ban tổ chức cũng trao giải cho 15 tác phẩm lọt vào chung kết cuộc thi viết “Sự hy sinh thầm lặng” lần 6.
Giải đặc biệt thuộc về tác phẩm “Bàn tay tài hoa của bác sĩ dám làm việc khó, hồi sinh những mảnh đời bất hạnh” của nhà báo Ngô Anh Văn (báo Sức Khoẻ & Đời Sống). Tác phẩm viết về bác sĩ Võ Thái Trung – phó trưởng khoa chấn thương – chỉnh hình Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương, người bác sĩ có bàn tay tài hoa đã “hồi sinh” những gương mặt bị biến dạng.
Giải nhất cuộc thi thuộc về tác giả Phương Thoa (Hãng Phim tài liệu và khoa học trung ương) với phóng sự “Hành trình nghiên cứu vắc xin”. Nhân vật được tôn vinh trong phóng sự là GS.TS Huỳnh Thị Phương Liên.