Sáng 9/12/2024, Viện Hàng không Vũ trụ Viettel (thuộc Tập đoàn Viettel) đã được trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Đồng chí Lương Cường – Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã đến dự và trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho Viện Hàng không Vũ trụ Viettel vì các thành tích đặc biệt xuất sắc trong nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm vũ khí chiến lược công nghệ cao cho Quân đội và đất nước.
Hình thành từ năm 2014, Viện Hàng không Vũ trụ Viettel có nhiệm vụ nghiên cứu, chế tạo, sản xuất vũ khí chiến lược công nghệ cao do Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng giao. Trong vòng 10 năm, Viện đã hoàn thành xuất sắc nhiều nhiệm vụ đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc.
Viện đã nghiên cứu, chế tạo, sản xuất cũng như cải tiến, hiện đại hóa thành công vũ khí trang bị chiến lược công nghệ cao. Khả năng làm chủ đã giúp Việt Nam có thể chủ động hoàn toàn trong việc thiết kế, chế tạo sản phẩm, linh hoạt điều chỉnh các tính năng, bảo đảm yêu tố bí mật, phù hợp với điều kiện tác chiến của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Các vũ khí trang bị chiến lược này đã được nghiệm thu, đưa vào trang bị trong Quân đội, giúp tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước hàng ngàn tỷ đồng, góp phần thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp quốc phòng, nâng cao sức mạnh và khả năng sẵn sàng chiến đấu của Quân đội.
Trong lĩnh vực hàng không vũ trụ Viện đã thu hút gần 1000 cán bộ, chuyên gia, kỹ sư trong lĩnh vực hàng không vũ trụ. Trong đó có gần 70% là cán bộ khoa học, kỹ sư trưởng, kỹ sư chính được đào tạo ở các trường đại học danh tiếng trong nước, quốc tế. Nhiều nhà khoa học người Việt Nam từ các nước tiên tiến sau thời gian làm việc tại các Tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới đã trở về, tham gia vào đội ngũ của Viện Hàng không Vũ trụ Viettel để cùng cống hiến trí tuệ, xây dựng, phát triển đất nước, Quân đội.
Viện đã làm chủ công nghệ nền, công nghệ lõi nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, thử nghiệm, sản xuất vũ khí chiến lược công nghệ cao; xây dựng hệ thống quy trình công nghệ đạt tiêu chuẩn quốc tế; triển khai thực hiện hiệu quả 26 đề tài khoa học công nghệ với gần một nghìn tài liệu; 69 bài báo khoa học được đăng trên các tạp chí quốc tế uy tín; 159 sáng chế trong đó có nhiều sáng chế được quốc tế công nhận; 120 sáng chế đang trong quá trình thẩm định.
Về cơ sở hạ tầng được Viện Hàng không Vũ trụ Viettel đầu tư xây dựng đồng bộ, phục vụ nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, đo lường và thử nghiệm trong các lĩnh vực cơ khí, điện tử, vô tuyến. Viện còn xây dựng thành công hệ thống mô phỏng chuyên dụng về khí động, kết cấu, các hệ thống giá thử có khả năng mô phỏng, thử nghiệm đánh giá đầy đủ các thành phần và tổng thể vũ khí chiến lược công nghệ cao sát với điều kiện thực tế.
Phát biểu tại buổi Lễ, Chủ tịch nước Lương Cường đánh giá: “Việc nghiên cứu, chế tạo, sản xuất thành công vũ khí chiến lược công nghệ cao không chỉ là một cột mốc đáng tự hào trong lịch sử của Viện Hàng không Vũ trụ Viettel mà còn là một dấu ấn có ý nghĩa lớn đối với Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội và với nền công nghiệp quốc phòng Việt Nam, là niềm tự hào, là mong ước cháy bỏng của quân đội và cả dân tộc Việt Nam chúng ta. Kết quả này đã góp phần viết nên một trang sử mới cho ngành công nghiệp quốc phòng Việt Nam, khẳng định bản lĩnh trí tuệ, tinh thần tự lực, tự cường của Quân đội và dân tộc ta”.
Trong bối cảnh tình hình quốc phòng và an ninh toàn cầu có nhiều diễn biến phức tạp, nhiệm vụ xây dựng nền công nghiệp quốc phòng hiện đại và tự chủ lại càng cấp thiết, Chủ tịch nước giao cho Tập đoàn Viettel và Viện Hàng không Vũ trụ Viettel 5 nhiệm vụ quan trọng.
Một là, tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ được Bộ Chính trị giao. Viettel phải giữ vai trò hạt nhân của Tổ hợp quốc phòng công nghệ cao, góp phần thực hiện mục tiêu lớn của Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng đến năm 2030 và những năm tiếp theo”.
Hai là, làm chủ và phát triển công nghệ hiện đại. Đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển các vũ khí chiến lược công nghệ cao, trang thiết bị quốc phòng công nghệ cao, đặc biệt là trong các lĩnh vực như: vũ khí chiến lược, trí tuệ nhân tạo, điều khiển tự động, radar tiên tiến, thiết bị bay không người lái và vệ tinh quân sự, trong đó chú trọng vào phát triển các sản phẩm lưỡng dụng có giá trị ứng dụng cao trong cả quân sự và dân sự, nhằm tối ưu hóa nguồn lực và đáp ứng mục tiêu kép về quốc phòng và kinh tế.
Ba là, hoàn thiện cơ sở hạ tầng công nghiệp quốc phòng. Tiếp tục đầu tư vào các tổ hợp nghiên cứu, thử nghiệm và sản xuất đạt tiêu chuẩn quốc tế, đảm bảo tính đồng bộ và khép kín.
Bốn là, tích cực, chủ động đóng góp xây dựng cơ chế, chính sách của Nhà nước bảo đảm sự đồng bộ từ nhiệm vụ nghiên cứu, sản xuất đến ứng dụng. Đề xuất các cơ chế nhằm thúc đẩy nghiên cứu và phát triển (R&D), chuyển giao công nghệ, và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với các sáng chế quốc phòng. Đẩy mạnh quảng bá các sản phẩm công nghệ quốc phòng tại các triển lãm, hội thảo quốc tế, tiến tới xuất khẩu, khẳng định uy tín và năng lực của Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng công nghệ cao.
Năm là, phải tiếp tục coi trọng, tập trung xây dựng phát triển tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh, gắn với xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao vừa giỏi chuyên môn vừa vững vàng về tư tưởng chính trị. Tăng cường hợp tác với các cơ sở đào tạo, viện nghiên cứu trong và ngoài nước để đào tạo, thu hút nhân tài, đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành công nghiệp quốc phòng công nghệ cao.
Nguồn: https://baotainguyenmoitruong.vn/chu-tich-nuoc-trao-danh-hieu-anh-hung-luc-luong-vu-trang-cho-viettel-384280.html