Trong phiên thảo luận chủ đề “Doanh nghiệp trước ngã ba đường: Phải hiểu “giải pháp thông minh” thế nào cho đúng?” tại VSMCamp và CSMOSummit 2023, các doanh nhân đặt câu hỏi xoay quanh vấn đề xử lý khủng hoảng khi bị “truyền thông bẩn” tấn công thế nào khi doanh nghiệp chỉ có nguồn lực hạn chế.
Từ kinh nghiệm xử lý khủng hoảng truyền thông, ông Hoàng Việt Hà, Giám đốc Đại học Swinburne Việt Nam đưa ra giải pháp: “Trước tiên, phải phân tích nguyên nhân gây ra truyền thông bẩn là gì? Đừng vội đối phó. Việc đầu tiên để xử lý cũng như ngăn chặn truyền thông bẩn “tái phát” là hoạt động cải tổ nội bộ. Chính các bạn phải hiểu sâu sắc nhất về bản thân, từ giá trị cốt lõi đến sứ mệnh của công ty”.
Ngoài ra, ông Hoàng Việt Hà còn nhấn mạnh phải rà soát lại cơ chế về lương thưởng, kế hoạch hoạt động, đào tạo để giữ sự ổn định đồng bộ từ chính nhân sự của mình. Nếu nội bộ công ty tốt thì tự động lan tỏa ra bên ngoài và dần hình thành nên tuyến truyền thông truyền miệng – Word of mouth, tạo nên một khối bền vững, không có chổ trống cho truyền thông bẩn “chen chân”.
Ông Việt Hà còn đưa ví dụ về việc bộ phim Đất rừng phương Nam rơi vào khủng hoảng truyền thông do sự góp phần của “truyền thông bẩn”.
Ông cho rằng, thời điểm bộ phim bị “tấn công” trên mạng xã hội, nhiều người có sức ảnh hưởng trong cộng đồng đã lên tiếng với những lời chia sẻ, bình luận công tâm. Và chi phí dành cho việc chia sẻ tích cực này là 0 đồng. Ngay sau những chia sẻ đến từ những người uy tín, có sức ảnh hưởng rõ ràng như vậy, truyền thông lại “quay đầu” theo hướng tích cực hơn.
“Không phải công ty tốt sẽ không bị truyền thông bẩn tấn công. Thế nhưng, trong thời điểm tưởng chừng như rối loạn bởi các thông tin sai lệch, chúng ta sẽ thấy rất nhiều người có uy tín, có tầm ảnh hưởng xuất hiện để chia sẻ những thông tin tốt đẹp về chúng ta. Đó là tác dụng của việc tạo dựng giá trị cốt lõi”, ông Hoàng Việt Hà nói.
Ông Lê Quốc Vinh – Phó Chủ tịch CSMO Vietnam, Chủ tịch Le Bros tiếp tục lấy ví dụ cụ thể từ phim Đất rừng phương Nam để đưa ra giải pháp xử lý khủng hoảng truyền thông.
Ông Vinh nhận định, trong số những người thúc đẩy thông tin tiêu cực lan rộng ra các mạng xã hội thì “rất ít người có trải nghiệm thực sự”. Nhưng họ cảm nhận những thông tin sai lệch, thông tin tiêu cực đó đem lại cảm giác thuyết phục và họ cho rằng nó đúng.
“Và điều thú vị nhất có lẽ nằm ở nhóm người chiếm đa số này. Đó là những người không hề có thông tin. Họ chỉ nói theo khi vấn đề đó chạm vào định kiến của mình. Và cũng không có thông tin để cho họ kiểm chứng”, ông Lê Quốc Vinh nói.
Chủ tịch Le Bros gọi đây là khoảng trống trong thông tin, đồng thời chỉ ra lỗi lớn thuộc về người làm truyền thông, khi để những khoảng trống mơ hồ bị lợi dụng đã vô tình tạo cơ hội cho truyền thông bẩn phát triển.
Nếu ngay từ đầu, người làm truyền thông minh bạch, thấu cảm được với những đối tượng mà mình muốn hướng đến, cung cấp cho họ những thông tin cần thiết, “lấp đầy” những khoảng trống thông tin, sẽ không có chỗ cho truyền thông bẩn, không có chỗ cho khủng hoảng.
“Vậy nên làm truyền thông không phải “cứ biết gì nói nấy” hay cứ có gì tốt thì phô diễn. Như vậy sẽ không tiếp cận được đối tượng khách hàng cần hướng đến, nhưng lại tạo ra khoảng trống thông tin. Người làm truyền thông phải thấu cảm được đối tượng mình muốn hướng đến có những cảm nhận, những hiểu biết khác nhau về công ty, sản phẩm của mình.
Để giải quyết được vấn đề “lỗ hổng truyền thông”, người làm truyền thông nên nên cung cấp cho họ những thông tin phù hợp, đầy đủ chứ không cần phô trương lan man.
Nhưng để làm được điều đó buộc chúng ta phải thật. Nếu chúng ta làm sai, đi ngược lại giá trị ban đầu, thì khoảng trống thông tin sẽ xuất hiện ngay lập tức”, Chủ tịch Le Bros nhấn mạnh.
Trịnh Trang