Chiều 10/5, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh chủ trì hội nghị đối thoại, tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy hoạt động công nghệ cao tại khu công nghệ cao Hòa Lạc.
Một trong những nội dung được các doanh nghiệp quan tâm tại hội nghị đối thoại là vấn đề giải phóng mặt bằng, đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển, nhất là nhà ở cho chuyên gia, công nhân làm việc tại đây.
Đại diện Tập đoàn FPT cho biết, đơn vị này đang triển khai một số dự án lớn trong khu công nghệ cao Hoà Lạc, lượng nhân sự rất lớn, phần lớn đều ở nội thành.
“Mỗi ngày chúng tôi thuê 150 xe buýt cỡ lớn để chở nhân viên đi về. Năm 2023 chi phí thuê xe gần 50 tỷ đồng. Năm 2024 có thể mất gần 5 tỷ/tháng”, lãnh đạo Tập đoàn FPT nói và đề nghị TP Hà Nội tạo cơ chế để xây dựng nhà ở, hạ tầng xã hội để phục vụ cho người lao động tại khu công nghệ cao.
Liên quan nội dung này, đại diện Ban Quản lý khu công nghệ cao Hoà Lạc cho biết, đang phối hợp cùng chính quyền huyện Quốc Oai, Thạch Thất đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, đồng thời kiến nghị với cấp có thẩm quyền tháo gỡ khó khăn về nhà ở cho chuyên gia, công nhân.
Về vấn đề nhà ở, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong thông tin, thành phố cũng đang chỉ đạo trong quá trình lập quy hoạch phân khu đô thị Hoà Lạc sẽ bố trí quỹ đất để xây dựng nhà ở.
“Cơ chế này cũng sẽ được đưa vào Luật Thủ đô (sửa đổi), dự kiến sắp được thông qua. Từ đó, thành phố sẽ ưu tiên nguồn lực để đầu tư”, ông Võ Nguyên Phong nhấn mạnh.
Chia sẻ với các doanh nghiệp, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho rằng, cần nhìn nhận, tiếp cận khu công nghệ cao Hoà Lạc như “một quận công nghệ xanh” của thành phố – chứ không phải là một khu đất để xây nhà xưởng, nhà máy.
“Đây là một quận – được coi như đơn vị hành chính thứ 31. Vì thế, bộ máy quản lý phải xứng tầm, trọn vẹn, có đầy đủ chức năng quản lý chứ không phải là một đơn vị sự nghiệp”, ông Trần Sỹ Thanh nói.
Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội, chỉ khi tiếp cận ở góc độ như vậy, những vấn đề về giải phóng mặt bằng, đầu tư cơ sở vật chất… mới được xử lý. Tương đương cấp quận thì phải có người dân ở, khu vực này được định hướng quy hoạch là thành phố phía Tây với dân số hàng triệu người.
“Khu Công nghệ cao Hoà Lạc phải là lõi, là quận trung tâm của thành phố này”, ông Thanh nói và cho biết sẽ có cơ chế đầu tư nhà ở, hạ tầng giáo dục, y tế tương xứng để phát triển nơi đây.
Quy hoạch Thủ đô Hà Nội đang được thành phố hoàn thiện đã định hướng khu Hòa Lạc thuộc thành phố mới ở phía Tây. Thành phố này có diện tích khoảng 251km2, dân số đến năm 2045 khoảng 1,2 triệu người.
Hà Nội định hướng đất xây dựng đô thị ở phía Tây khoảng 135km2, dân số 1,08 triệu người; khu vực ngoại thị khoảng 116km2 với dân số 120 nghìn người.
Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội cho biết, thành phố phía Tây được hình thành trên cơ sở các đô thị vệ tinh Hòa Lạc và Xuân Mai. Trung tâm của khu vực này kết nối Hoà Lạc và Xuân Mai qua quốc lộ 21.
Định hướng thành phố phía Tây có 16 phường và 8 xã. Đây là trung tâm khoa học công nghệ và giáo dục đào tạo của Thủ đô trong tương lai.
Cụ thể, khu vực Hòa Lạc sẽ là trung tâm đầu não về khoa học kỹ thuật công nghệ, trung tâm đào tạo, giáo dục chất lượng cao. Khu Xuân Mai sẽ là trung tâm giáo dục, nghiên cứu và các dịch vụ hỗ trợ giáo dục như trung tâm khởi nghiệp.
Hai thành phố mới của Hà Nội có diện tích đất đô thị 520km2
Đợt sáp nhập xã, phường nhiều nhất cả nước ở Hà Nội
Hà Nội ưu tiên nguồn lực làm tuyến đường sắt kết nối 2 thành phố mới
Nguồn: https://vietnamnet.vn/chu-tich-hn-dinh-huong-khu-cong-nghe-cao-hoa-lac-thanh-quan-cong-nghe-xanh-2279608.html