DNVN – Các thủ tục hành chính nặng nề và nan giải, tốn nhiều thời gian và gây khó khăn cho doanh nghiệp. Bắt tay vào làm thực tế mới thấy thủ tục như “mê hồn trận”…
Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật 2024 ngày 9/10 tại Hà Nội đã thu hút sự quan tâm rất lớn từ cộng đồng doanh nghiệp (DN) và các nhà hoạch định chính sách. Các ý kiến tại diễn đàn đều tập trung vào những rào cản pháp lý đang cản trở sự phát triển của cộng đồng DN, đặc biệt là trong các dự án đầu tư có sử dụng đất.
Ông Phan Đức Hiếu – Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nhấn mạnh thể chế và môi trường pháp lý thuận lợi đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Ngược lại, những vướng mắc pháp lý còn tồn tại không chỉ gây bất lợi cho DN mà còn ảnh hưởng đến các chương trình phát triển xã hội của Chính phủ, chương trình nhà ở xã hội là một ví dụ.
Một trong những điểm nghẽn nổi bật được đề cập trong phiên thảo luận về dự án đầu tư có sử dụng đất là thủ tục hành chính (TTHC) và giải phóng mặt bằng.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp – Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam đã thẳng thắn chỉ ra rằng, TTHC cho các dự án đầu tư có sử dụng đất quá rườm rà và kéo dài. Trên thực tế, có những dự án cần đến 38-40 con dấu, từ khâu chấp thuận chủ trương đầu tư, quy hoạch, định giá. Có những thủ tục điều chỉnh quy hoạch liên quan rất nhiều cấp, sở, ngành, tốn rất nhiều thời gian. Trong số 100 dự án thì cả 100 dự án phải điều chỉnh quy hoạch ở các mức độ khác nhau.
Các diễn giả chỉ ra những vướng mắc pháp lý trong các dự án đầu tư có sử dụng đất.
“Các thủ tục hành chính vô cùng nặng nề và nan giải, tốn nhiều thời gian có thể lên tới 6 tháng. Bắt tay vào làm thực tế mới thấy quá nhiều thủ tục, như mê hồn trận”, người đứng đầu Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam chia sẻ.
Cũng theo ông Hiệp, có những dự án, riêng khâu giải phóng mặt bằng đã kéo dài tới 14 năm. Điều này không chỉ tạo gánh nặng cho DN mà còn làm giảm sức hấp dẫn của môi trường đầu tư.
Cùng với đó, pháp luật liên quan đến bất động sản đang chịu sự điều chỉnh của hơn 15 bộ luật khác nhau, nhưng lại thiếu sự đồng bộ và thống nhất trong thực hiện. Dù Chính phủ đã sửa đổi một số luật quan trọng như Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở, nhưng theo ông Hiệp, quá trình tham vấn và lắng nghe từ phía các cơ quan quản lý còn nhiều hạn chế, tiếp thu chưa sát vấn đề thực tế nên mong các cơ quan soạn thảo lắng nghe nhiều hơn nữa để luật đi sâu thực tế.
Bà Phạm Thị Ngọc Thủy – Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV) cũng đồng tình với quan điểm này. Trong 3 kỳ đánh giá gần đây của Ban IV về tình hình kinh doanh của DN, vướng mắc về TTHC luôn nằm trong top 3 những vấn đề khó khăn lớn nhất mà DN gặp phải và phản ánh. Theo các DN, thủ tục hành chính phức tạp và chồng chéo gây nhiều khó khăn cho DN.
Bà Thủy kiến nghị tập trung cao độ để đẩy mạnh cải cách TTHC và minh bạch tiến độ các dự án đầu tư, bởi “thời gian là tiền bạc, là cơ hội và nguồn lực quan trọng cho DN”.
Đối mặt với những vướng mắc này, Chính phủ đã có nhiều nỗ lực. Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo rà soát và xử lý các vướng mắc pháp lý, đồng thời đưa ra nhiều cải cách quan trọng. Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản đã được trình để góp phần cải thiện môi trường pháp lý. Thêm vào đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang chủ trì việc sửa đổi nhiều luật quan trọng, như Luật Đầu tư và Luật Đấu thầu, nhằm tạo thuận lợi hơn cho địa phương và DN.
Các đại biểu tham gia thảo luận cho rằng, kỳ vọng từ phía DN không dừng lại ở các cuộc thảo luận, mà là những hành động thiết thực sau diễn đàn để những vướng mắc, khó khăn của DN được tháo gỡ kịp thời, đưa nền kinh tế tiến xa hơn trong bối cảnh toàn cầu hóa.
Trong phần đầu phát biểu khai mạc diễn đàn, Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Hải Ninh nhắc lại tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các DN mới đây: “Tháo gỡ cho DN là góp phần tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, DN phát triển là đất nước phát triển, tinh thần là vướng ở đâu thì ở đó phải tháo gỡ, mắc ở đâu thì ở đó phải tháo gỡ, không đùn đẩy, không né tránh, không gây phiền hà, sách nhiễu”.
Nguyệt Minh
Nguồn: https://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/chinh-sach/chu-tich-hiep-hoi-nha-thau-xay-dung-thu-tuc-hanh-chinh-nhu-me-hon-tran/20241009124731828