Sáng 18-9, đoàn giám sát của HĐND TPHCM giám sát công tác quản lý nhà nước về lao động, việc làm trên địa bàn TP Thủ Đức giai đoạn 2020 – 2025. Dự buổi giám sát có các đồng chí: Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM; Huỳnh Thanh Nhân, Phó Chủ tịch HĐND TPHCM; Đặng Quốc Toàn, Chánh Văn phòng UBND TPHCM.
Cần giải pháp kết nối cung – cầu
Tại buổi giám sát, các đại biểu đặt câu hỏi chất vấn về nhiều vấn đề liên quan, bao gồm: số lượng người tham gia BHXH tại TP Thủ Đức còn thấp; việc đào tạo nghề cho người dân bị thu hồi đất để thực hiện các dự án; công tác giáo dục hướng nghiệp tại các trường phổ thông; công tác phân luồng học sinh; việc đầu tư của TP Thủ Đức vào các trường dạy nghề.
Kết luận buổi giám sát, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ đã đánh giá cao những nỗ lực và cố gắng của UBND TP Thủ Đức trong công tác quản lý nhà nước về lao động và việc làm. Đồng chí đề nghị trong thời gian tới, UBND TP Thủ Đức cần tiếp tục chú trọng công tác đào tạo nghề cho lực lượng lao động, đặc biệt là lao động nhập cư, hiện chiếm hơn 50% tổng số lao động tại địa phương, nhằm xây dựng một nguồn nhân lực chất lượng cao.
Dù công tác đào tạo nghề hàng năm tại TP Thủ Đức đã đạt được các chỉ tiêu đề ra, nhưng tỷ lệ lao động được đào tạo có chứng chỉ và được giới thiệu việc làm vẫn chưa cao. Đồng thời, tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo vẫn còn nhiều. Vì vậy, đồng chí đề nghị TP Thủ Đức cần tăng cường hơn nữa trong việc đào tạo nghề, đồng thời quan tâm đến vấn đề nhà ở cho người lao động. Bên cạnh đó, TP Thủ Đức cần có kế hoạch và chiến lược dài hạn trong việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Ngoài ra, đồng chí nhấn mạnh, TP Thủ Đức cần thể hiện tốt vai trò kết nối giữa chính quyền, doanh nghiệp, cơ sở đào tạo và thị trường lao động, nhằm tạo sự gắn kết giữa cung và cầu. Điều này sẽ giúp công tác đào tạo đáp ứng đúng nhu cầu xã hội, không chỉ cung cấp nhân lực cho địa phương mà còn cho các khu vực lân cận.
Về vấn đề sàn giao dịch việc làm, đồng chí Nguyễn Thị Lệ đánh giá hiệu quả hiện tại chưa cao và đề nghị TP Thủ Đức nghiên cứu các mô hình giới thiệu việc làm hiệu quả hơn, nhằm tạo kết nối thông tin tốt hơn giữa người dân và doanh nghiệp. TP Thủ Đức cần phối hợp với Ban Quản lý khu chế xuất – khu công nghiệp và khu công nghệ cao để kết nối doanh nghiệp với các cơ sở đào tạo và người lao động, đảm bảo cung cấp thông tin thị trường lao động một cách kịp thời và chính xác cho doanh nghiệp.
Trước tình trạng nợ bảo hiểm xã hội (BHXH) của các doanh nghiệp trên địa bàn vẫn còn ở mức cao, đồng chí Nguyễn Thị Lệ yêu cầu TP Thủ Đức tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người sử dụng lao động về trách nhiệm đóng BHXH. Đồng thời, cần đẩy mạnh kiểm tra, giám sát việc trốn đóng hoặc chậm đóng BHXH của doanh nghiệp, nhằm ngăn ngừa các điểm nóng, khiếu kiện tập thể hoặc tranh chấp lao động.
Bên cạnh đó, TP Thủ Đức cần quan tâm hỗ trợ người lao động về mặt vật chất, vận động hạn chế việc rút BHXH một lần. Đồng chí cũng đề nghị TP Thủ Đức cần có các giải pháp khuyến khích và hỗ trợ người lao động, đặc biệt là lao động tự do, tham gia BHXH tự nguyện để đảm bảo an sinh xã hội lâu dài.
88% lao động qua đào tạo
Trước đó, báo cáo tại buổi giám sát, Phó Chủ tịch UBND TP Thủ Đức Nguyễn Kỳ Phùng cho biết, đến năm 2024, trên địa bàn TP Thủ Đức có trên 52.290 doanh nghiệp hoạt động, sử dụng 297.458 lao động, với tổng số vốn đăng ký trên 746.511 tỷ đồng.
Giai đoạn 2020 – 2025, TP Thủ Đức tạo việc làm mới cho 21.154 lao động. Tỷ lệ lao động đang làm việc đã qua đào tạo nghề có chứng chỉ hoặc giấy chứng nhận đến ngày 30-6-2024 là hơn 261.600 người, đạt 88% trong tổng số lao động đang làm việc tại TP Thủ Đức. Tỷ lệ thất nghiệp duy trì dưới 3%. Đến nay, TP Thủ Đức đã hỗ trợ vốn vay giảm nghèo, giải quyết việc làm, hỗ trợ vốn vay cho học sinh sinh viên… cho 21.420 hộ với tổng số tiền hơn 1.200 tỷ đồng.
Phó Chủ tịch UBND TP Thủ Đức nêu một số khó khăn trong công tác quản lý về lao động và việc làm, như chính sách hỗ trợ đào tạo nghề chưa đáp ứng hết nhu cầu của doanh nghiệp. Chi phí hỗ trợ đào tạo nghề thấp so với bình quân học phí các nghề đào tạo. Công tác phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp bậc trung học để đi học nghề còn hạn chế, do vẫn còn tâm lý phụ huynh trọng bằng cấp.
Bên cạnh đó, tình hình doanh nghiệp nợ BHXH có diễn biến phức tạp, đặc biệt là sau đợt dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp sử dụng đông lao động nợ kéo dài, ảnh hưởng đến quyền lợi đóng và hưởng các chế độ BHXH, BHYT, BHTN. Tình trạng cắt giảm lao động gia tăng; số người nhận trợ cấp BHXH một lần cũng đang tăng.
NGÔ BÌNH
Nguồn: https://www.sggp.org.vn/chu-tich-hdnd-tphcm-nguyen-thi-le-can-giai-phap-khuyen-khich-ho-tro-nguoi-lao-dong-tham-gia-bhxh-tu-nguyen-post759524.html