Anh Nguyễn Tiến Hải, chủ thương hiệu Phở S, một trong ba ‘nhà phở’ mang Phở yêu thương đến với Làng Nủ và bà con xã Phúc Khánh, Bảo Yên, Lào Cai – đúng Ngày của phở 12-12 vừa qua. Anh Hải đã viết những cảm xúc của mình khi trở về…
Trái, phải, trái, phải… sau khoảng 7749 lần rẽ theo cung đường ngoằn ngoèo như vậy, chúng tôi đã đến được Trường tiểu học – THCS xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, Lào Cai.
Xuất phát từ TP.HCM lúc 2h khi trời còn chưa sáng, đoàn Phở yêu thương chúng tôi đến nơi lúc trời cũng vừa sụp tối.
Em bé mãi mong một tô phở
Trải qua hành trình 2.000km với những cung đường uốn lượn đến chóng mặt, những đoạn đường sạt lở khiến cả đoàn phải cùng nhau hì hục đẩy xe lên dốc, cuối cùng chúng tôi cũng đến được ngôi trường nơi hơn 300 em nhỏ đang theo học.
Ngôi trường ấy có hơn 100 em đến từ làng Nủ – ngôi làng hứng chịu nhiều đau thương nhất trong cơn bão số 3 Yagi vừa qua.
Cháu chào cô, cháu chào chú ạ. Chào đón chúng tôi là hàng chục câu chào từ các em nhỏ từ lớp 1 – 9 đang bận rộn quét dọn sân trường, sắp xếp bàn ghế để chuẩn bị cho buổi ăn phở ngày mai.
Em nào cũng háo hức lượn lờ quanh các quầy phở để xem các cô chú dọn dẹp, chuẩn bị đồ dùng. Chuyến này đặc biệt hơn mọi lần khi chúng tôi đã cầu kỳ mang hàng trăm kg xương, thịt từ Sài Gòn ra tận nơi để nấu phở.
Một phần là vì thời gian cũng gấp rút, phần còn lại là vì muốn chủ động để mang được trọn vẹn hương vị của phở đến cho các em.
Cái lạnh buốt của Tây Bắc như xé toạc lớp áo mỏng, nhưng không làm nguội được ngọn lửa nhiệt huyết của chúng tôi, công cuộc nấu phở bắt đầu ngay tức khắc.
20 chiếc nồi cỡ lớn nhất của xã được huy động đến để hầm xương cho ngày mai. Vừa lúi húi chần xương, một cậu bé rón rén bước lại gần hỏi tôi một câu hỏi khiến tôi phải ngập ngừng mất vài giây: “Chú ơi, thế sang năm chú có quay lại đây nấu phở tiếp không ạ?”.
Câu hỏi rất ngây thơ nhưng cũng rất hiểu chuyện của em, em đã cho chúng tôi deadline tới tận sang năm để quay lại nấu phở chứ không phải sang tuần hay sang tháng vì hiểu được chúng tôi ở rất xa đến đây.
Vậy mà tôi vẫn khó để chắc chắn được điều gì với em, vì với các em, lời hứa là một điều rất thiêng liêng. Em sẽ mãi mong một tô phở mà tận sang năm, hoặc có thể nhiều năm sau em mới được ăn lại.
May thay, thầy giáo chủ nhiệm đã cứu tôi 1 phen. Thầy bảo: “Các con cố gắng chăm ngoan, học giỏi, sau này lớn lên giống như thầy, được đi khắp nơi, sẽ được ăn nhiều phở ngon”.
Câu trả lời khiến tôi vẫn đau đáu suy nghĩ. Với các em, học tập là con đường duy nhất để thoát nghèo. 12h đêm, tôi lăn ra ngủ với cánh tay mỏi nhừ vì thái thịt cùng những câu hỏi vu vơ của em còn vấn vương trong đầu.
Chú ơi, năm sau Phở yêu thương lại đến nhé!
3h sáng, đánh thức tôi dậy không phải là tiếng chuông báo thức từ chiếc điện thoại bị mất sóng, mà là cái lạnh, cái lạnh tê tái của Tây Bắc.
Tôi lồm cồm bò dậy khi trời vẫn tối om để tiếp tục chuẩn bị nồi Phở yêu thương. Một “thỉnh cầu” đặc biệt từ ủy ban huyện được đưa đến chúng tôi vào tối qua, đó là mong muốn được đưa 200 tô phở đến với các đơn vị bộ đội, các công nhân đang gấp rút ngày đêm xây dựng Làng Nủ mới để bà con nhanh chóng được vào định cư, tái thiết lại cuộc sống.
Chúng tôi ngay lập tức đồng ý. 7h sáng, những tô phở nóng hổi đã được đưa đến tay các anh bộ đội, các công nhân đã túc trực suốt 3 tháng tại công trường Làng Nủ mới.
Những cái bắt tay, những câu cảm ơn được trao vội vàng để chúng tôi nhanh chóng quay về điểm trường, nơi hàng ngàn người dân và em nhỏ đang chờ đợi.
Vừa về tới nơi, chúng tôi lập tức bắt tay vào việc mình giỏi nhất – “bán phở”, những tô phở 0 đồng lần lượt được các em lớp 8, lớp 9 mang đến bàn phục vụ cho các cụ già trong làng, những em nhỏ đang háo hức chờ đợi.
Phở Thìn Bờ Hồ (Hà Nội), Phở 34 Cao Thắng (TP.HCM), Phở S (sâm Ngọc Linh) cùng thực hiện những tô phở giữa công trường Làng Nủ mới – Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Tất cả các loại mâm được tận dụng để phục vụ phở, từ những nắp thùng xốp, đến cả các nắp nồi lớn được các em thay nhau dùng để bê những tô phở còn nghi ngút khói.
“Chú ơi, năm sau chú lại đến nhé!” – giọng nói trong veo của một cô bé vang lên khiến tôi không khỏi xúc động. Câu nói ấy như một lời nhắc nhở tôi về trách nhiệm của mình đối với cộng đồng.
Nhìn những gương mặt rạng rỡ, những nụ cười hồn nhiên thưởng thức tô phở nóng hổi giữa cái lạnh buốt giá, mọi mệt mỏi dường như tan biến.
Hơn 2.000 tô phở đã được trao đi, không chỉ là một bữa ăn ấm bụng mà còn là tình cảm, là sự sẻ chia của những người con phương Nam dành cho mảnh đất và con người nơi đây.
Ánh mắt lấp lánh của các em, những cái nắm tay thật chặt của các cụ già, những lời cảm ơn chân thành từ các thầy cô giáo, tất cả đã tạo nên một buổi sáng ấm áp và ý nghĩa.
Chúng tôi biết rằng, tô phở hôm nay không thể xoa dịu hết những khó khăn mà các em và người dân nơi đây đang phải đối mặt, nhưng hy vọng nó sẽ là một kỷ niệm đẹp, một động lực nhỏ để các em cố gắng hơn trên con đường học tập.
Khi mặt trời lên cao, cũng là lúc chúng tôi phải nói lời tạm biệt. Xe lăn bánh, rời xa ngôi trường nhỏ và những con người ấm áp, trong lòng mỗi thành viên đoàn Phở yêu thương đều trào dâng một cảm xúc khó tả.
Hành trình Phở yêu thương lần này đã khép lại với những kỷ niệm sâu sắc, những bài học quý giá và trên hết là ngọn lửa nhiệt huyết sẽ tiếp tục cháy mãi trong tim mỗi người, để những tô phở ấm áp sẽ còn đến được với nhiều hơn nữa trên những vùng đất cần sự sẻ chia.
Hình ảnh những đôi mắt trong veo, những nụ cười rạng rỡ, và câu nói “chú ơi, năm sau chú và Phở yêu thương lại đến nhé!” sẽ mãi là động lực để chúng tôi tiếp tục hành trình ý nghĩa này.
Nguồn: https://tuoitre.vn/chu-oi-the-sang-nam-chu-co-quay-lai-day-nau-pho-tiep-khong-20241215153437154.htm