Trên địa bàn thành phố Hà Tĩnh, hoạt động dạy thêm, học thêm vẫn tồn tại dưới nhiều hình thức, vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm. Điều quan trọng là tình trạng dạy thêm, học thêm làm ảnh hưởng đến tâm lý, sự phát triển thể chất và tinh thần của trẻ em.
Cho nên, chủ trương về “Ngày Chủ nhật không dạy thêm, học thêm” là rất đúng, phù hợp với nguyện vọng của đa số phụ huynh và rất khoa học. Người lớn còn nghỉ ngơi ngày thứ Bảy, Chủ nhật, thì tại sao trẻ em lại phải đi học suốt cả tuần.
Học sinh học hai buổi ở trường, thầy cô dạy đủ các môn học, đảm bảo chương trình, giáo án, giáo khoa, thế là quá đủ. Nếu cần ôn thi, luyện thi, bồi dưỡng, chỉ cần thu xếp trong thời gian ở lớp, không cần phải dạy thêm ngoài giờ học.
Dạy theo kiểu nhồi nhét, học theo lối học vẹt, thì việc ghi nhớ cũng không hơn cái máy. Những kiến thức bắt học sinh nhồi nhét đó, sau này khi cần, các em chỉ cần click con chuột là có cả ngàn trang dữ liệu để đọc, để nghiên cứu.
Trong quá trình học tập, nếu có em nào không theo kịp, thì ở lại lớp cũng là chuyện bình thường. Nhà trường đừng vì thành tích, cha mẹ đừng vì sĩ diện mà “chạy” con phải lên lớp. Đã từng có nhiều trường hợp học sinh ngồi nhầm lớp, học hết tiểu học, lên lớp 6, lớp 7 mà không đọc được chữ.
Học sinh ở lại lớp, mất một năm nhưng lấy lại căn bản, đi tiếp trên con đường học vấn, rồi cũng sẽ tới đích. Em nào không theo chữ nghĩa, đi học nghề, sống được bằng bàn tay lành nghề, đó cũng là điều tốt. Thế thì việc gì mà áp lực lên con cái chúng ta bằng gánh nặng học tập.
Tất nhiên, cũng có sự loại trừ, nếu có những trường hợp, gia đình muốn tăng cường thêm cho con những môn học nào đó theo nhu cầu, đó là chuyện riêng. Còn nhà trường không tổ chức dạy thêm, học thêm.
Hãy trả tuổi thơ về cho các em, đừng đem con cái mình ra để phục vụ cho các mục đích của người lớn. Trong đó, nhà trường mong có nhiều thành tích, một số giáo viên tìm kiếm thêm thu nhập, không ít phụ huynh áp lực lên con cái phải học giỏi để “nở mày nở mặt, thậm chí tưởng tượng con mình học thêm thật nhiều để trở thành “thần đồng”, “thiên tài”.
Hãy dành thời gian cho con cái chúng ta vui chơi, giải trí, đến với thiên nhiên để nuôi dưỡng tâm hồn. Các em phải được học tập và rèn luyện những kỹ năng cần thiết cho phát triển thể chất, tinh thần và ứng phó được với những bất trắc, bất thường trong cuộc sống.
Học cho lắm bằng cấp, chữ nghĩa mà rơi xuống nước là chết đuối thì học để làm gì.