Ý – THỤY SĨ: THỪA CĂNG THẲNG…
Đội tuyển Thụy Sĩ là một trong những đối thủ có lối chơi thuyết phục nhất ở vòng bảng. Nếu không bị gỡ hòa những phút bù giờ, họ đã thắng chủ nhà Đức và tiến vào vòng trong với tư cách đội đầu bảng. Lối chơi tự tin và tư thế “đội mạnh” được Granit Xhaka và đồng đội thể hiện ngay từ trận ra quân gặp Hungary. Họ luôn tấn công sau khi dẫn 1 hoặc 2 bàn, chứ không hề có dấu hiệu lui về phòng thủ để bảo toàn ưu thế. “Đá để thắng” là thông điệp rất rõ ràng mỗi khi đội bóng của HLV Murat Yakin xung trận.
Nhưng, Thụy Sĩ lại chưa bao giờ thắng ở vòng 16 đội, trên cả hai đấu trường EURO, World Cup. Lần duy nhất Thụy Sĩ vượt qua được ngưỡng cửa này là lúc họ bất ngờ gỡ hòa 3-3 khi gặp Pháp tại EURO 2020 (bị dẫn 1-3 đến tận phút 75). Mbappe sút hỏng quả luân lưu cuối cùng, và Thụy Sĩ lọt vào tứ kết (thua Tây Ban Nha).
Ý là ĐKVĐ EURO – chi tiết mà đối thủ của họ không được phép quên, kể cả khi nhà ĐKVĐ không được đánh giá quá cao tại giải năm nay. Mãi đến phút 90+8, Mattia Zaccagni mới kiếm được cho Ý bàn gỡ 1-1 trong trận cuối cùng ở vòng bảng. Không có bàn ấy, Ý đã rơi xuống vị trí số 3 và bị loại. Nói cách khác, đội ĐKVĐ vẫn chưa về nước ngay sau vòng bảng là một kết quả gần như ngẫu nhiên hoàn toàn.
Vấn đề ở đây là câu chuyện của vòng bảng đã khép lại. Bây giờ, Ý lại có lý do để tự tin khi bước vào giai đoạn knock-out và gặp ngay Thụy Sĩ. Trong 13 trận gần nhất trên đấu trường EURO, Thụy Sĩ chỉ thua 1 trận, và đấy chính là trận thua Ý (0-3) tại vòng bảng EURO 2020.
Ý và Thụy Sĩ đều khó bị đánh bại. Đây lại là giai đoạn knock-out, mà đôi bên đều biết là khó có cơ hội sửa sai một khi đã sẩy chân. Đây sẽ là trận đấu thừa căng thẳng, nhưng cũng vì thế mà có thể… bớt hấp dẫn. Vẫn như truyền thống xưa nay, đội Ý luôn tỏ ra thận trọng, kín kẽ khi đá knock-out ở các giải lớn. Có đến 15 trong 26 trận knock-out gần đây nhất của Ý, tỷ số hòa sau 90 phút. Ở hai giải lớn EURO, World Cup thì Ý là đội bước vào hiệp phụ nhiều nhất xưa nay (21 trận). Nói vậy có nghĩa: thuyết phục hay không, Ý vẫn khó thua. Và nếu phải bước vào loạt sút luân lưu 11 m thì họ lại có thủ môn Donnarumma quá chắc chắn.
TIỀN VỆ TUẤN TÀI: THỤY SĨ SẼ BỊ KHUẤT PHỤC
Đội tuyển Ý đã trải qua vòng bảng nghẹt thở, khi phải đến giây cuối cùng mới đoạt vé đi tiếp. Nhưng chiếu theo truyền thống của Azzurri, khởi đầu chậm chạp sẽ báo hiệu vòng knock-out đáng gờm của nhà ĐKVĐ. Người Ý đang thay đổi cách chơi tấn công linh hoạt hơn và đừng bất ngờ nếu họ có trận đấu bùng nổ trước đối thủ. Thụy Sĩ sẽ bị khuất phục với tỷ số 0-2.
Tiểu Bảo (ghi)
ĐỨC – ĐAN MẠCH: PHẦN THẮNG THUỘC VỀ CHỦ NHÀ?
Ở một trong những bất ngờ lớn nhất và hay nhất trong lịch sử EURO, Đan Mạch thắng Đức 2-0 để lên ngôi vô địch, trong lần cuối cùng EURO chỉ có 8 đội (năm 1992). Nhưng bây giờ là thời kỳ khác. Khí thế “nước vỡ bờ” (xuất sắc vượt qua Hà Lan để vào chung kết) mà Đan Mạch có được ở giải đấu năm xưa giờ không còn nữa. Mà nói về khí thế thì bây giờ đấy lại là yếu tố đang hậu thuẫn người Đức. Sau nhiều năm mờ nhạt ở các giải lớn, Đức đã tự khôi phục niềm tin thật đúng lúc. Chưa biết đội chủ nhà có thể tiến xa đến đâu, nhưng Đan Mạch không phải là chướng ngại vật quá lớn, có thể đe dọa Mannschaft ở vòng này.
Cân về lực lượng thì Đức vượt trội, với Jamal Musiala đang là một trong những ngôi sao trẻ hay nhất giải. Hàng công gồm quá nhiều mũi ghi bàn của Đức là một ưu điểm, làm đối phương không dễ đối phó. Còn khi bế tắc, Đức vẫn có “kế hoạch B” quá ổn trên ghế dự bị: Niclas Fullkrug thường cứ vào sân thì sẽ ghi bàn! Dưới hàng thủ, đội bóng của HLV Nagelsmann mất trung vệ Jonathan Tah (bị treo giò), nhưng Nico Schlotterbeck sẽ thay thế ổn thỏa.
Đan Mạch không thắng trận nào, chỉ vượt qua vòng bảng với vỏn vẹn 2 bàn – một trong hai lại là cú sút xa tuyệt đẹp của Morten Hjundmand. Ở vòng này, Hjundmand lại bị treo giò (vì đã lãnh 2 thẻ vàng). Ngoài Christian Eriksen, Đan Mạch hầu như không còn cầu thủ nào đáng kể về khả năng sáng tạo. Đấy là nguyên nhân lớn nhất khiến đội này hòa cả 3 trận vòng bảng và ghi bàn quá ít. Không có nguồn hậu thuẫn mạnh mẽ, Rasmus Hojlund trở nên đói bóng trên hàng công, chỉ mới sút được 2 quả trong suốt 3 trận vừa qua.
Đội bóng của HLV Kasper Hjundmand mà lọt vào giai đoạn knock-out thì xem ra là đã hoàn thành chỉ tiêu rồi. Nếu may mắn gặp đối thủ khác thì còn… hên xui. Nhưng đây lại là đội chủ nhà Đức. Làm gì có chuyện nước Đức đang hừng hực khí thế lại có thể bị dội gáo nước lạnh ngay vòng knock-out đầu tiên, chỉ bởi Đan Mạch! Chưa gặp đối thủ xứng tầm, Đức khá yên tâm chuẩn bị đi tiếp ở cuộc chiến knock-out.
CỰU TUYỂN THỦ PHAN VĂN TÀI EM: ĐỨC THẮNG 2-1
Tôi thấy đội tuyển Đức cùng Tây Ban Nha có khả năng cầm bóng, phối hợp nhuần nhuyễn nhất EURO 2024. Đan Mạch mạnh mẽ với nhạc trưởng Eriksen nhưng được chơi trên sân nhà, Kroos và Neuer sẽ nỗ lực tột cùng để có một mùa EURO thành công, trước khi chia tay đội tuyển quốc gia. Đức sẽ giải quyết trận đấu trong 90 phút và đánh bại Đan Mạch 2-1.
Tiểu Bảo (ghi)
Nguồn: https://thanhnien.vn/chu-nha-duc-chua-gap-doi-thu-xung-tam-y-gap-kho-185240628204550309.htm