Chiều 12/3, TAND TP.HCM tiếp tục ngày thứ 6 xét xử các bị cáo trong vụ án sai phạm tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và nhiều tổ chức khác, gây thiệt hại cho SCB.
Trả lời câu hỏi của các luật sư để làm rõ thiệt hại, hành vi của các bị cáo, ông Chu Nap Kee Eric (tức Chu Lập Cơ – chồng của Trương Mỹ Lan) nói bản thân sở hữu hơn 99% Công ty Cổ phần Đầu tư Times Square.
Chu Lập Cơ đã ký văn bản cho phép vợ mình sử dụng tài sản để thế chấp nhằm giúp tái cơ cấu ngân hàng SCB theo đề nghị. Về lần ký thứ hai, mặc dù Trương Mỹ Lan không nói gì nhưng bị cáo vẫn ký vì nghĩ là để giúp ngân hàng.
“Bị cáo dù không biết tiếng Việt nhưng tin tưởng vào nhân viên, trợ lý của mình nên vẫn ký“, Chu Lập Cơ trình bày và nói thêm không biết gì về tình hình sử dụng các tài sản, khoản vay tại SCB.
“Bị cáo hoàn toàn không nghĩ sẽ có hậu quả như hôm nay. Bị cáo không cố tình ký văn bản, bị cáo thừa nhận mình ký là sai. Bị cáo mong tạo điều kiện cho bị cáo khắc phục”, Chu Lập Cơ trình bày.
Bị cáo Chu Lập Cơ bị truy tố về tội Vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng.
Theo cáo trạng, thực hiện theo chỉ đạo của Trương Mỹ Lan, Chu Lập Cơ đã ký biên bản họp đại hội cổ đông, quyết định số 13 ngày 10/12/2012; biên bản họp hội đồng quản trị ngày 12/12/2012 của Công ty Times Square chấp thuận thế chấp tài sản của Công ty bảo lãnh nợ vay cho các cá nhân, tổ chức do bà Lan chỉ định.
Sau khi có tài sản đảm bảo để vay vốn, Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo các cá nhân tại Ngân hàng SCB, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Công ty Times Square lập các hồ sơ vay vốn “khống”; nhờ người đứng tên các khoản vay và ký “khống” hồ sơ, thủ tục vay vốn.
Bằng phương thức này, từ tháng 12/2012 đến tháng 12/2014, Chu Lập Cơ đã giúp cho Trương Mỹ Lan hợp thức hoá hồ sơ vay vốn “khống” để giải ngân số tiền tại Ngân hàng SCB cho 73 khoản vay của 67 khách hàng, tổng số tiền giải ngân là hơn 29.400 tỷ đồng, thời hạn vay vốn 5 năm.
Đến năm 2017, do phương án vay vốn là lập “khống”, khoản vay chỉ dùng trả nợ xấu, không có nguồn để thu hồi gốc, lãi nên các khoản nợ đến hạn nhưng không trả được, Trương Mỹ Lan thuyết phục Chu Lập Cơ ký biên bản họp Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Times Square ngày 15/8/2017.
Biên bản này cho phép tiếp tục sử dụng tài sản của Công ty Times Square để thế chấp đảm bảo nghĩa vụ thanh toán nợ vay cho 54 khách hàng đang vay vốn tại Ngân hàng SCB nhằm gia hạn nợ, tổng dư nợ hơn 35.500 tỷ đồng.
Tính đến thời điểm ngày 17/10/2022, tổng nghĩa vụ các khoản nợ Chu Lập Cơ ký hợp thức thủ tục còn 46 khoản với dư nợ gốc là hơn 19.500 tỷ đồng; tổng cộng dư nợ là hơn 39.200 tỷ đồng.
Sau khi đối trừ giá trị tài sản đảm bảo các khoản vay mà Chu Lập Cơ đã ký các tài liệu để hợp thức vay vốn nêu trên là hơn 30.000 tỷ đồng.
Căn cứ kết quả xác minh tại ngân hàng SCB, kết quả ghi lời khai các bị can, cơ quan điều tra xác định, Chu Lập Cơ có vai trò giúp sức cho vợ là Trương Mỹ Lan phạm tội, gây thiệt hại cho SCB số tiền hơn 9.100 tỷ đồng.
Quá trình điều tra, Chu Lập Cơ thành khẩn khai báo, bị can đã nộp 1 tỷ đồng để khắc phục hậu quả.
Rao bán toà nhà ở Hà Nội với giá 1 tỷ USD để khắc phục hậu quả
Khi được hỏi về hành vi sai phạm của mình theo cáo trạng, bị cáo Trương Mỹ Lan luôn khẳng định bị cáo chỉ cho cá nhân, tổ chức mượn tài sản để vay tiền SCB, còn hợp đồng vay và giải ngân ra sao, bị cáo không can thiệp.
Chủ toạ: “Cho mượn tài sản nhưng bị cáo có gì chứng minh, trong khi tại tòa không một ai nói mượn tài sản của bị cáo”.
Trả lời Chủ toạ, bị cáo Trương Mỹ Lan cho rằng trước đây từng cho mượn 3 tài sản, nhưng chủ tọa ngắt vì bị cáo đã trình bày nhiều lần.
Bên cạnh đó, luật sư Giang Hồng Thanh cũng hỏi Trương Mỹ Lan về nội dung Ngân hàng SCB có những cổ đông là pháp nhân nước ngoài, thì bị cáo có cách nào tác động đến họ để khắc phục hậu quả?
Trương Mỹ Lan trình bày, nếu được HĐXX hỗ trợ, bị cáo có thể liên hệ với 8 cổ đông nước ngoài không hủy ngang cổ phần tại SCB, từ đó có thể đảm bảo một phần nào thu hồi, khắc phục thiệt hại cho SCB.
“Nếu không có hỗ trợ liên lạc từ tòa và cơ quan chức năng thì không có cách nào liên hệ, tác động”, bị cáo Lan nói.
Ngoài ra, bà Lan cũng khai có 13 dự án nằm ngoài danh mục các tài sản bị kê biên trong vụ án và đồng ý dùng các tài sản này để khắc phục. Tuy nhiên, các dự án này có cả các nhà đầu tư nước ngoài, nên đề nghị tòa tạo điều kiện cho bị cáo đàm phán.
Chủ toạ nhắc bị cáo Lan rằng, tòa đã có thông báo, HĐXX và các cơ quan tố tụng sẽ giúp các bị cáo thu hồi nợ.
Theo bị cáo Lan, năm ngoái có nhà đầu tư nước ngoài đồng ý mua dự án của bà với giá 30 tỷ USD. Tuy nhiên sau khi bị cáo bị khởi tố thì nhà đầu tư sợ nên quyết định không mua nữa.
“Tôi đã uỷ quyền cho con gái giải quyết, nhưng con gái tôi nói mẹ ơi người ta nói mẹ đang bị tội như vậy họ sợ, không mua nữa”, bà Lan nói và cho biết con gái bà cũng đang rao bán tòa nhà ở Hà Nội và đã gặp 1 người bạn nhằm thoả thuận bán với trị giá 1 tỷ USD. Mục đích khắc phục hậu quả cho bị cáo trong vụ án.