Thời gian gần đây, nhiều nơi tại khu vực Tây Nguyên diễn ra tình trạng khô hạn, gây thiệt hại đối với hoạt động sản xuất nông nghiệp. Theo nhận định của các nhà khí tượng thủy văn, trong mùa khô năm 2023 – 2024 ở Tây Nguyên, khô hạn sẽ xảy ra trên diện rộng và có khả năng gay gắt. Vì vậy, việc chủ động nguồn nước tưới cho các loại cây trồng được các địa phương, chủ công trình thủy lợi tính toán ngay từ đầu vụ.
Theo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Tây Nguyên, dự báo mùa khô năm nay Tây Nguyên sẽ đối mặt với tình trạng hạn hán gay gắt. Trong tháng 2 và 4/2024, khả năng có mưa rào và giông, nhưng lượng mưa chưa nhiều. Đồng thời, nắng nóng diễn ra ở nhiều nơi. Tổng lượng dòng chảy trên các sông, suối ở Tây Nguyên trong toàn mùa cạn sẽ thiếu hụt khoảng từ 10 – 50% so với trung bình nhiều năm, có thể gây nên tình trạng thiếu nước sinh hoạt và nước tưới cho cả khu vực Tây Nguyên.
Trung bình mỗi đợt, các hộ trồng cà phê phải tưới từ 10-20 giờ mới đảm bảo cung cấp đủ nước, chống hạn cho cây cà phê |
Đắk Lắk đang vào tâm điểm của mùa khô, tình trạng thiếu nước tưới khiến nhiều diện tích cây trồng của bà con nông dân bị ảnh hưởng. Để ứng phó với tình trạng khô hạn, bà con nông dân nhiều địa phương tại tỉnh Đắk Lắk chủ động triển khai nhiều giải pháp ứng phó nhằm bảo vệ cây trồng, duy trì hoạt động sản xuất. Anh Trần Văn Hùng, huyện Krông Năng (Đắk Lắk) trồng khoảng 2ha cà phê cho hay, nhu cầu nước tưới cho cây trồng khá lớn, đặc biệt là vào mùa khô. Nếu không tưới đủ nước cây sẽ rụng bông, không đậu quả. Nếu trong giai đoạn tăng trưởng, kết trái, thiếu nước cây sẽ rụng trái, giảm năng suất.
Theo anh Hùng, mùa khô này, trung bình khoảng hai tuần đến gần một tháng cây cần tưới một lần; mỗi đợt, gia đình phải tưới từ 10-20 giờ mới đảm bảo cung cấp đủ nước, chống hạn cho cây cà phê. Do phải thuê máy nổ và nguồn nước nên mỗi lần tưới, gia đình tiêu tốn đến gần triệu đồng. “Nếu không tưới kịp thời, năng suất của cây cà phê sẽ bị ảnh hưởng. Do đó, để hạn chế nước bốc hơi nhanh, qua đó giúp giảm số lần tưới, trong lúc vệ sinh vườn, gia đình sẽ giữ lại một lớp cỏ khoảng 3 – 4cm để giữ độ ẩm cho đất vào mùa này”, anh Hùng chia sẻ.
Còn anh Lê Dũng, xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin (Đắk Lắk) cho hay, gia đình có khoảng 8.000m2 đất trồng xen canh cà phê và hồ tiêu. Gia đình anh Dũng đã gắn bó với cây cà phê gần 20 năm. Anh Dũng nhận định, việc chăm sóc cây cà phê quan trọng nhất là thời điểm tưới nước. Nếu tưới không kịp thời, cây sẽ bị rụng lá, khô cành; còn tưới sớm khi cây chưa phân hóa mầm hoa sẽ làm cho cà phê nở hoa không đều, khó khăn trong thu hoạch và ảnh hưởng đến năng suất. Do đó, nguyên tắc tưới cho cây cà phê là phải đúng và đủ.
Anh Dũng cho hay, những năm gần đây, tình trạng thiếu nước tưới vào mùa khô diễn ra thường xuyên. Do đó, bà con đã sẵn sàng ứng phó như tưới nhỏ giọt, tích trữ nước tưới ngay từ cuối mùa mưa… Thế nhưng, mùa khô năm nay rất khắc nghiệt, khả năng thiếu nước trong những đợt tưới tới là rất cao.
Bà con nông dân tận dụng mọi người nước để tưới cho cây trồng |
Theo phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cư Kuin, trên địa bàn có 39 hồ, đập và một số suối cạn, giếng khoan… phục vụ tưới cho 12.072ha cà phê. Tình hình nguồn nước cơ bản đáp ứng được nhu cầu tưới cho cây trồng trong mùa khô. Nếu tình trạng nắng nóng kéo dài và không cơ mưa, nguy cơ xảy ra tình trạng thiếu nước tưới là rất lớn.
Tuy nhiên, trước diễn biến thất thường của khí hậu trong năm 2024, đơn vị đã chủ động tham mưu cho UBND huyện về phương án phòng, chống hạn trên địa bàn nhằm đảm bảo vụ sản xuất hiệu quả, hạn chế thấp nhất thiệt hại do hạn hán gây ra.
Tương tự, gia đình chị Nguyễn Thị Hiếu, ở huy Cư M’gar (Đắk Lắk) có hơn 7 sào cà phê. Những ngày qua, do thời tiết diễn biến bất thường, nắng nóng kéo dài, nhiều loại sâu hại phát sinh trên vườn cây. Trong đó, đáng chú ý là rệp sáp đang tấn công mạnh, đe dọa đến năng suất cà phê vụ này. Đây là một trong những côn trùng gây hại đáng lo ngại nhất trên cây cà phê do đặc tính lây lan nhanh, rất khó phòng trừ. Khi bị nhiễm rệp sáp nặng, trái cà phê phát triển chậm; nếu không diệt trừ kịp thời, chùm trái sẽ bị khô hỏng, ảnh hưởng đến năng suất vụ tới. Trường hợp cây bị nặng, gặp nắng nóng kéo dài có thể khô héo, dẫn đến chết cây.
“Mấy ngày nay, bên cạnh triển khai các biện pháp để phòng trừ thì trong lúc tưới cây cà phê, tôi cũng dùng nước phun rửa sạch những chùm hoa dính rệp sáp nhằm hạn chế lây lan ra cả vườn. Tuy nhiên nếu thời tiết khô hạn kéo dài, không có mưa thì sẽ rất khó xử lý dứt điểm được”, chị Hiếu lo lắng.
Để chủ động ứng phó với hiện tượng nắng hạn, bảo đảm sinh hoạt của người dân, nguồn nước phục vụ nông nghiệp, UBND tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương chủ động rà soát, đánh giá, cân đối nguồn nước thực tế trên các hồ, đập, sông, suối, nguồn nước ngầm của từng vùng để điều tiết, khai thác hợp lý…