07:49, 11/05/2023
Để ứng phó với tình hình thời tiết, thiên tai được dự báo sẽ có những diễn biến phức tạp và khó lường trong mùa mưa bão, Đắk Lắk đã sớm xây dựng phương án ứng phó thiên tai nhằm hạn chế rủi ro, thiệt hại ở mức thấp nhất.
Thiên tai diễn biến phức tạp
Đắk Lắk là tỉnh có địa hình đa dạng nên khí hậu khác nhau giữa các dạng địa hình. Đặc biệt, chế độ mưa theo mùa là một trong những yếu tố đặc thù gây ra nhiều loại hình thiên tai hằng năm trên địa bàn tỉnh. Mùa mưa thường bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 10 (chiếm khoảng 90% tổng lượng mưa cả năm), thường gây lũ lụt, sạt lở. Mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau, lượng mưa không đáng kể thường gây ra hạn hán, cháy rừng. Ngoài ra, trong thời kỳ chuyển mùa thường xảy ra một số loại hình thiên tai khác, như: dông, sét, lốc tố. Trong những năm gần đây, diện tích rừng cũng như chất lượng rừng tự nhiên suy giảm đã làm gia tăng tình trạng thiên tai trên địa bàn.
Triển khai tập huấn cứu hộ, cứu nạn ở huyện Ea Kar. |
Các đợt lũ, lũ quét phổ biến tập trung trong khoảng thời gian từ tháng 8 đến tháng 11 hằng năm. Tuy nhiên, những năm gần đây do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nhiều đợt mưa lũ lớn xảy ra sớm (tháng 6, tháng 7) hoặc muộn (tháng 12), hoặc mưa lũ trái mùa (tháng 1), đồng thời gây ngập lụt làm thiệt hại lớn đến sản xuất nông nghiệp. Lũ, lũ quét là loại hình thiên tai nguy hiểm, thường gây thiệt hại về người, gây hư hỏng nhiều công trình hạ tầng, thiệt hại về sản xuất, ảnh hưởng đến tốc độ phát triển kinh tế của địa phương. Đặc biệt, đối với các vùng sâu, vùng xa, tình trạng dễ bị tổn thương cao do một số nguyên nhân chủ yếu, như: hệ thống công trình hạ tầng cơ sở chưa được đầu tư kiên cố; giao thông qua các ngầm tràn khi có mưa, lũ chưa được kiểm soát; tập quán sống dài ngày trong nhà chòi tạm trên nương rẫy; khả năng tiếp nhận thông tin dự báo, cảnh báo thiên tai hạn chế, năng lực ứng phó thiên tai tại cộng đồng chưa cao.
Đối với mùa khô, nắng nóng, hạn hán thường xảy ra trên diện rộng và kéo dài, đặc biệt là cuối mùa khô mức độ nắng nóng và hạn hán gia tăng. Do đặc thù canh tác với diện tích cây lâu năm chiếm tỷ lệ lớn nên công tác phòng, chống hạn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên những năm gần đây, hạn hán đã xảy ra cả trong thời kỳ mùa mưa ảnh hưởng chủ yếu đối với cây ngắn ngày. Thiệt hại do hạn hán gây ra hằng năm là rất lớn về kinh tế cũng như ảnh hưởng môi trường tự nhiên… Ngoài ra, loại hình thiên tai lốc, sét, mưa đá thường xảy ra trên diện hẹp trong thời kỳ cuối mùa khô đến giữa mùa mưa gây nguy hiểm đến tính mạng con người và khó dự báo sớm.
Theo thống kê của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh, năm 2022, toàn tỉnh xảy ra 16 vụ thiên tai, gồm: 9 trận lốc tố, dông sét; 5 đợt mưa lũ lớn; 2 vụ sạt lở đất. Thiên tai đã làm 1 người chết; 4 người bị thương do sạt lở đất; 128 nhà bị ngập nước; 66 nhà bị hư hỏng; 14 điểm trường bị ảnh hưởng; 8.416 ha cây trồng bị thiệt hại; trên 2.700 con gia súc, gia cầm và 20 ha ao nuôi cá bị ngập, cuốn trôi… Tổng thiệt hại gần 243 tỷ đồng.
Riêng từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh xảy ra 6 đợt thiên tai (trong đó 5 trận lốc tố và 1 đợt mưa lũ, ngập lụt) làm hư hỏng 118 nhà dân, 3 điểm trường và gần 682 ha cây trồng bị ảnh hưởng… Ước tính thiệt hại khoảng 8,2 tỷ đồng.
Chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại
Theo Ban Chỉ huy PCTT-TKCN, xu thế thời tiết, thủy văn từ tháng 6 – 8/2023: nhiệt độ trung bình trên địa bàn tỉnh có khả năng đạt từ 23 – 26oC, xấp xỉ và cao hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ; tổng lượng mưa có khả năng đạt từ 550 – 850 mm (phía Đông tỉnh 250 – 450 mm), ở mức xấp xỉ và thấp hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ; mực nước trên các sông, suối phổ biến dao động theo xu thế tăng, trong thời kỳ này, trên các sông, suối vừa và nhỏ khả năng xảy ra một đến hai đợt lũ vừa và nhỏ; lượng dòng chảy phổ biến ở mức cao hơn trung bình nhiều năm cùng thời kỳ từ 15 – 25%. Do đó, cần đề phòng những đợt lũ nhỏ gây ngập cục bộ vùng trũng thấp đầu nguồn các sông, suối nhỏ thuộc các huyện: Krông Bông, Krông Pắc, Ea Kar, Lắk.
Người dân xã Ea Kly (huyện Krông Pắc) gặt lúa chạy lũ trong cơn bão số 4 năm 2022. |
Để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người, tài sản của Nhà nước và nhân dân, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra trong mùa mưa bão, UBND tỉnh đã yêu cầu tất cả các ngành, các cấp quán triệt và thực hiện tốt công tác phòng, chống thiên tai theo phương châm “bốn tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ) và nguyên tắc “phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả”.
Đồng thời, nhằm nâng cao năng lực ứng phó với rủi ro thiên tai, hằng năm Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tổ chức tập huấn nâng cao năng lực và trình độ về công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai cho 100% cán bộ chính quyền địa phương các cấp trực tiếp làm công tác phòng, chống thiên tai. Chính quyền các cấp tổ chức tuyên truyền, phổ biến đến các ngành và nhân dân để nâng cao ý thức, trách nhiệm về hoạt động phòng, chống thiên tai, chủ động ứng phó thiên tai, nhất là các loại thiên tai có cấp độ mạnh và siêu mạnh có thể xảy ra trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, các chủ công trình đều xây dựng phương án bảo đảm an toàn cho hệ thống các công trình phòng, chống thiên tai, đặc biệt là các hồ chứa nước lớn, vừa, các hồ chứa nước gần khu dân cư đông đúc hoặc gần cơ sở chính trị, kinh tế, văn hóa, an ninh, quốc phòng quan trọng ở phía hạ du…
Theo Giám đốc Sở NN-PTNT, Phó Trưởng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Nguyễn Hoài Dương, để ứng phó với thiên tai trong thời gian tới, các địa phương và sở, ngành liên quan cần thực hiện nghiêm túc phương châm: Công tác phòng, chống thiên tai phải lấy phòng ngừa là chính, dựa vào nhân dân và chính quyền cơ sở là chính; đầu tư trong giai đoạn phòng ngừa sẽ mang lại hiệu quả cao hơn rất nhiều so với giai đoạn ứng phó, khắc phục hậu quả. Đồng thời, thực hiện phòng, chống theo phương châm “bốn tại chỗ”, đảm bảo an toàn về người và tài sản, bảo vệ sản xuất, hạn chế thấp nhất rủi ro do thiên tai gây ra. Bảo vệ an toàn các công trình quan trọng về an ninh quốc gia, công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh, đảm bảo giao thông, thông tin liên lạc hoạt động thông suốt. Đắk Lắk cũng đề nghị Trung ương quan tâm hỗ trợ trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống thiên tai và cứu hộ, cứu nạn trên địa bàn Đắk Lắk cũng như bố trí kinh phí sửa chữa các công trình hồ chứa lớn đang hư hỏng, xuống cấp…
Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2023 (vào cuối tháng 4/2023), Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang yêu cầu các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố xác định công tác phòng, chống thiên tai là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Làm tốt công tác phòng, chống, chủ động ứng phó, chuyển dịch mạnh mẽ từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa. Nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo sớm, kịp thời, chính xác diễn biến thiên tai… |
Minh Thuận