Công trường chuyển biến tích cực
Theo Thứ trưởng, sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền Khánh Hòa trong GPMB, chủ động nguồn vật liệu cùng nỗ lực thi công, triển khai dự án của các đơn vị chức năng, nhà thầu đã tạo chuyển biến tích cực trên công trường.
Ông Trần Đình Tuyên, Phó giám đốc Ban QLDA7 cho hay, cao tốc Vân Phong- Nha Trang có 2 gói thầu xây lắp, tới nay, các nhà thầu đã huy động 42/42 mũi thi công. Trong đó có 24 mũi thi công đường, 18 mũi thi công cầu với 943 trang thiết bị và gần 2.000 nhân lực.
Đáng kể, tiến độ dự án đạt gần 40%, nhanh 1,8% so với kế hoạch điều chỉnh rút ngắn thời gian hoàn thành trước 30/6/2025.
Ghi nhận nỗ lực triển khai dự án, Thứ trưởng đánh giá, dự án Vân Phong – Nha Trang hoàn thành sớm sẽ giảm tải cho QL1, phát huy hiệu quả về kinh tế – xã hội. Các nhà thầu luôn quán triệt tinh thần chỉ đạo Thủ tướng làm ba ca, bốn kíp, tranh thủ mặt bằng, thời tiết đẩy nhanh tiến độ.
Bên cạnh nhà thầu Sơn Hải, Lizen, Vinaconex đã tạo nhiều điểm sáng thi công trong thời gian gần đây, Thứ trưởng yêu cầu hai nhà thầu Hải Đăng và VNCN E&C cần tập trung huy động thêm mũi, hoàn thành nền móng, cầu cống trên đoạn tuyến.
Ngay tại công trường, Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm chỉ rõ: Trong khi thời tiết thuận lợi, nhiều công địa vẫn đảm bảo thi công nhưng hai nhà thầu này có dấu hiệu chủ quan khi chỉ bố trí nhân công và phương tiện thi công thưa thớt.
“Thời tiết, giá cả sẽ còn diễn biến khó lường. Nhà thầu xây tiến độ không sát, triển khai kế hoạch không cao thì sẽ không thực hiện được… Tư vấn giám sát, chủ đầu tư, lãnh đạo các nhà thầu phải phối hợp chặt chẽ để cùng giám sát, không để thiếu sót trong thi công”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Sớm di dời hạ tầng kỹ thuật, tạo công địa thi công
Báo cáo với Thứ trưởng, ông Trần Đình Tuyên, Phó Giám đốc Ban QLDA 7 cho biết, đến nay, địa phương đã bàn giao được gần 100% mặt bằng. Phần còn lại tỉnh Khánh Hòa đã vận động các hộ dân cho thi công đường công vụ qua đất (từ đầu tháng 12/2023) và thi công các hạng mục công trình (cầu, cống, hầm chui)….
Tuy nhiên, tại nhiều vị trí, nhà thầu chưa thể thi công vì vướng đường tiếp cận, di dời hạ tầng kỹ thuật (HTKT)…
Được biết, mặc dù Khánh Hòa đã thống nhất di dời 164 vị trí HTKT nhưng mới di dời xong 58 vị trí. Riêng 11 vị trí điện 220kV đã có 10/11 vị trí (thuộc TX Ninh Hoà và huyện Vạn Ninh) đã phê duyệt thiết kế.
Theo ông Tuyên, để đảm bảo kế hoạch rút ngắn tiến độ hoàn thành dự án, các địa phương cần sớm xử lý dứt điểm các vị trí vướng mặt bằng.
Trên toàn tuyến còn 20 vị trí giao cắt hạ tầng hiện hữu ảnh hưởng đến quá trình triển khai thi công của dự án. Ban QLDA 7 kiến nghị địa phương ưu tiên di dời 7 vị trí đường điện cao thế, trung, hạ thế (Vạn Ninh 4 vị trí, Ninh Hòa 3) là các vị trí đắp cao và thi công cầu đường găng của dự án.
Dự án thành phần cao tốc Vân Phong – Nha Trang qua địa bàn Khánh Hòa có điểm đầu (tại Km285+000) kết nối đường dẫn cửa phía nam hầm Cổ Mã (huyện Vạn Ninh). Điểm cuối (tại khoảng Km368+350) kết nối điểm đầu cao tốc Nha Trang – Cam Lâm (huyện Diên Khánh).
Tổng chiều dài tuyến hơn 83km (qua địa bàn 4 huyện, thị: Vạn Ninh, TX Ninh Hòa, Diên Khánh, Khánh Vĩnh).
Tổng mức đầu tư gần 12.000 tỷ đồng.
Chủ đầu tư là Ban QLDA 7.