Hình ảnh xe xếp hàng chờ tới lượt đăng kiểm tại một trung tâm đăng kiểm ở Hà Nội hồi tháng 12/2022 |
Theo Bộ GTVT, thời gian qua, Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và UBND các địa phương đã hết sức quan tâm, tạo điều kiện cùng với hàng loạt giải pháp tình thế cấp bách, căn cơ để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác đăng kiểm, đặc biệt trong lĩnh vực phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Vì thế, tình trạng ùn tắc phương tiện tại các trung tâm đăng kiểm (TTĐK) xe cơ giới cơ bản được giải quyết từ cuối tháng 6/2023 đến nay. Thế nhưng, theo số liệu thống kê thực tế và theo dự báo của Cục Đăng kiểm Việt Nam, từ quý 3 và quý 4 năm 2024 một số địa phương như: Bình Thuận, Đồng Nai, Đồng Tháp, Hà Giang, Hà Nội, Kon Tum, Lâm Đồng, Thái Bình, Thừa Thiên Huế, TP. HCM và Trà Vinh sẽ có nguy cơ bị ùn tắc phương tiện tại các TTĐK. Đặc biệt, tại Hà Nội và TP. HCM đã xuất hiện tình trạng ùn ứ phương tiện cục bộ tại một số thời điểm như phản ánh của các cơ quan báo chí trong thời gian vừa qua.
Cũng theo thống kê của Cục Đăng kiểm VN, cả nước đang có 274/294 TTĐK với 446/546 dây chuyền kiểm định đang hoạt động với công suất kiểm định tối thiểu một tháng là 642.240 phương tiện. Với số lượng các đơn vị đăng kiểm và các dây chuyền kiểm định nêu trên được vận hành, hoạt động bình thường hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu kiểm định của người dân và doanh nghiệp trên phạm vi toàn quốc trong năm 2024. Tuy nhiên, việc phân bố mật độ của các TTĐK không đồng đều, nơi thiếu, nơi thừa dẫn đến tình trạng ùn tắc phương tiện kiểm định có nguy cơ tái diễn.
Tình trạng này đang có xu hướng tăng do các tháng tới đây, khi các vụ án liên quan đến lĩnh vực đăng kiểm tại các địa phương được đưa ra xét xử sẽ tác động rất lớn đến hoạt động kiểm định tại nhiều địa phương bởi hàng loạt đăng kiểm viên sẽ có nguy cơ bị kết tội bằng bản án (theo thống kê có 42 địa phương với 112 TTĐK có các đăng kiểm viên bị khởi tố).
Theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 11 Nghị định số 139/2018/NĐ-CP, các TTĐK sẽ bị đình chỉ 3 tháng nếu có từ 2 đăng kiểm viên trở lên bị thu hồi chứng chỉ đăng kiểm viên do “bị kết tội bằng bản án đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án do vi phạm các quy định liên quan đến lĩnh vực kiểm định xe cơ giới” trong vòng 12 tháng liên tục.
Điều này sẽ dẫn đến 91 TTĐK tại 32 địa phương phải dừng hoạt động, dẫn đến cả nước có ít nhất 36 địa phương có nguy cơ bị ùn tắc phương tiện đến kiểm định. Bao gồm: Bắc Kạn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Bình Định, Bình Dương, Bình Thuận, Cần Thơ, Đà Nẵng, Đắk Lắk, Đồng Nai, Đồng Tháp, Gia Lai, Hà Giang, Hà Nam, Hà Nội, Hà Tĩnh, Hải Dương, Hậu Giang, Hòa Bình, Hưng Yên, Kon Tum, Lâm Đồng, Nam Định, Nghệ An, Phú Yên, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Sơn La, Thái Bình, Thái Nguyên, Thừa Thiên Huế, Tiền Giang, TP. HCM, Trà Vinh và Tuyên Quang.
Nhìn nhận sự việc xảy ra trong thời gian qua đối với lĩnh vực đăng kiểm là chưa có tiền lệ, nhiều TTĐK đã bị dừng hoạt động trong khoảng thời gian dài liên tục (trên 12 tháng) từ nhiều nguyên nhân khách quan như: Thiếu nhân sự, sửa chữa khắc phục cơ sở vật chất, di chuyển địa điểm, giải quyết thủ tục đất đai, phòng cháy chữa cháy… mà không phải nguyên nhân do sai phạm dẫn đến bị tạm đình chỉ.
Theo quy định hiện hành buộc phải thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới và chỉ được xem xét cấp lại sau 36 tháng kể từ ngày bị thu hồi, dẫn đến thiếu hụt các TTĐK gây thiệt hại lớn cho người dân, doanh nghiệp.
Ngoài ra, quá trình xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm trong hoạt động kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (ATKT & BVMT) xe cơ giới gặp khó khăn, vướng mắc do tên Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới quy định tại Luật Đầu tư, Nghị định số 139/2018/NĐ-CP và Nghị định số 100/2019/NĐ-CP có sự không đồng nhất.
Một số nội dung khác phát sinh trong thực tiễn triển khai thực hiện Nghị định như chưa có quy định về trình tự, thủ tục thực hiện đối với việc thay đổi chủ sở hữu đơn vị đăng kiểm, thay đổi vị trí đơn vị đăng kiểm; trách nhiệm của các tổ chức và một số nội dung khác phát sinh trong thực tiễn triển khai thực hiện Nghị định như chưa có quy định về trình tự, thủ tục thực hiện đối với việc thay đổi chủ sở hữu đơn vị đăng kiểm, thay đổi vị trí đơn vị đăng kiểm; trách nhiệm của các tổ chức và cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm định; điều kiện đối với lãnh đạo tổ chức thành lập đơn vị đăng kiểm cần được bổ sung để tránh các sai phạm có thể xảy ra trong lĩnh vực đăng kiểm xe cơ giới.
Vì vậy, Bộ GTVT cho rằng cần được xem xét sớm sửa đổi, bổ sung quy định nhằm giúp cho hoạt động kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới nhanh chóng đi vào ổn định, cũng như hạn chế các thiệt hại không đáng có cho người dân, doanh nghiệp và xã hội.
Để kịp thời giải quyết vấn đề phát sinh trong thực tiễn đối với hoạt động kiểm định xe cơ giới trong thời gian tới, đáp ứng nhu cầu thiết thực của xã hội, Bộ GTVT đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép xây dựng và ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 139/2018/NĐ-CP và Nghị định số 30/2023/NĐ-CP của Chính phủ theo trình tự, thủ tục rút gọn trong tháng 7/2024.
Đề xuất này nhằm xử lý tình trạng ùn tắc tại các TTĐK trong thời gian tới, giúp hệ thống đăng kiểm tránh bị đứt gãy, đảm bảo phục vụ nhu cầu cấp thiết, chính đáng của người dân và doanh nghiệp, đảm bảo việc xây dựng, thành lập đơn vị đăng kiểm phù hợp với tình hình phát triển kinh tế – xã hội của các địa phương, tránh tình trạng quá tải của các đơn vị đăng kiểm trong thời gian tới và các thiệt hại không đáng có cho xã hội./.
Nguồn: https://dangcongsan.vn/xa-hoi/chu-dong-thao-go-un-tac-dang-kiem-668190.html