Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Chủ động phòng trừ sâu bệnh hại lúa

(QBĐT) - Sâu bệnh gây hại lúa đang có xu hướng phát triển mạnh. Hiện, các cấp chính quyền, cơ quan chuyên môn và bà con nông dân trên địa bàn tỉnh tiếp tục thực hiện nhiều biện pháp nhằm kịp thời ngăn chặn sự phát sinh, phát triển của sâu bệnh hại lúa.

Báo Quảng BìnhBáo Quảng Bình17/04/2025

 
Những ngày này, tại các cánh đồng lúa trên địa bàn huyện Tuyên Hóa, bà con nông dân tích cực thăm đồng và triển khai phun thuốc phòng trừ các loại sâu bệnh hại lúa. Ông Trần Văn Cần, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tuyên Hóa cho biết: Vụ đông-xuân năm nay, huyện gieo cấy 1.433ha lúa. Đến thời điểm này, cây lúa đang giai đoạn làm đòng, tuy nhiên, do thời tiết diễn biến bất lợi, nhiều diện tích lúa bị sâu bệnh gây hại. Đáng chú ý, trên địa bàn huyện có 420ha lúa bị khô đầu lá, tập trung tại các xã: Mai Hóa, Phong Hóa, Đức Hóa, Thạch Hóa, Đồng Hóa, Tiến Hóa, Châu Hóa, Cao Quảng, Sơn Hóa, Kim Hóa… Tỷ lệ bệnh 30-40%, nơi cao 60-80%. Ngoài ra, có hơn 93ha lúa của bà con bị bệnh đạo ôn.
 
Đối với bệnh khô đầu lá, hiện, huyện đã hướng dẫn người dân pha 10ml thuốc Tilsupe 300EC với 20 lít nước, phun 2 bình cho/sào (500m2) để phòng trừ bệnh hại, hạn chế lây lan trên diện rộng. Trên những ruộng đang bị bệnh đạo ôn, nên ngừng bón chất kích thích sinh trưởng và giữ đủ nước trong ruộng; sử dụng một trong các loại thuốc có các hoạt chất đặc hiệu, như: Tricyclazole, Isoprothiolane, Fenoxanil... để phun phòng trừ. Người dân cần phun thuốc ướt đều trên mặt lá. Những ruộng bị bệnh nặng phải phun 2-3 lần, mỗi lần cách nhau 5-7 ngày; nên phun thuốc vào sáng sớm, chiều mát để đạt hiệu quả cao.
Nông dân xã Mai Hóa (Tuyên Hóa) phun thuốc phòng trừ bệnh khô đầu lá cho lúa vụ đông-xuân.
Nông dân xã Mai Hóa (Tuyên Hóa) phun thuốc phòng trừ bệnh khô đầu lá cho lúa vụ đông-xuân.
Ông Trần Văn Thiết, xã Mai Hóa cho biết: “Gia đình tôi có 4 sào lúa, gần đây, không biết do thời tiết hay nguyên nhân gì mà lúa cả vùng đều bị vàng lá, nhiều diện tích không phun thuốc kịp thời sẽ bị khô đầu lá. Chúng tôi đã được hướng dẫn để phun thuốc phòng trừ. Mong rằng, lúa sẽ hết bệnh và không bị ảnh hưởng lớn đến sản lượng khi thu hoạch.”
 
Tại huyện Quảng Trạch, vụ đông-xuân 2024-2025, toàn huyện gieo cấy được 3.394ha lúa. Hiện, lúa trà đầu và trà chính vụ giai đoạn ôm đòng, trổ bông, trà muộn đang làm đòng, khoảng 40ha đã trổ bông tại các xã: Liên Trường, Phù Cảnh, Quảng Lưu… Nhiều diện tích lúa đông-xuân của huyện cũng đang xuất hiện bệnh đốm sọc vi khuẩn (52ha), đạo ôn lá (30ha), sâu cuốn lá (27ha)… Thêm vào đó, khoảng gần 50ha bị chuột cắn phá. Vì vậy, nông dân đang tăng cường phun thuốc phòng trừ.
 
Ông Nguyễn Hữu Trương, xã Quảng Phương cho biết, gia đình ông có 4 sào lúa, cách đây 20 ngày, nhiều diện tích lúa bị cháy hết lá. Thời điểm đó, lúa còn trong giai đoạn đẻ nhánh nên khu vực nào bị nặng thì gia đình cắt bỏ đầu lá để lúa lên lá mới. Hiện, lúa chưa trổ bông nên ông vẫn chưa biết có bị ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng hay không. Gia đình ông vẫn thường xuyên thăm đồng để phát hiện dịch bệnh hại, chủ động phòng trừ để có một vụ mùa thắng lợi.
 
Hiện đang là giai đoạn sinh trưởng đặc biệt quan trọng của lúa đông-xuân, quyết định cơ bản đến năng suất cuối vụ. Trong khi đó, điều kiện thời tiết còn diễn biến phức tạp, thuận lợi cho sâu bệnh phát sinh gây hại mạnh và có khả năng lây lan trên diện rộng. Vì vậy, người dân cần thường xuyên bám đồng ruộng theo dõi tình hình dịch hại trên lúa, đặc biệt là đối với bệnh đạo ôn cổ bông, khô đầu lá…
Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, vụ đông-xuân năm nay, toàn tỉnh gieo sạ hơn 29.133ha lúa. Lúa trà đầu đang giai đoạn ôm đòng, trổ bông; trà chính vụ, trà muộn giai đoạn đứng cái làm đòng. Diện tích lúa đã trổ 165ha (Lệ Thủy 90ha, Quảng Trạch 40ha, Quảng Ninh 35ha). Tuy nhiên, giai đoạn này, sâu bệnh phát sinh lớn trên nhiều diện tích. Trong đó, bệnh khô đầu lá, vàng lá sinh lý, diện tích nhiễm bệnh 420ha; bệnh đạo ôn lá bị nhiễm 341ha; bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn diện tích nhiễm 218ha; bệnh khô vằn có diện tích nhiễm 125ha; rầy nâu, rầy lưng trắng là 45ha; sâu cuốn lá nhỏ là 28ha…Đặc biệt, diện tích bị chuột phá là 413ha, tập trung nhiều ở huyện Lệ Thủy 128ha, Bố Trạch 90ha, Quảng Trạch 49ha, TX. Ba Đồn 47ha…
 
Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hồ Khắc Minh cho biết: Hiện nay, cùng với điều kiện thời tiết sáng sớm và chiều tối có nhiều sương mù, ngày hửng nắng, rải rác có mưa, đêm trời lạnh cùng với việc bà con nông dân tiến hành chăm bón thúc đợt 2 để đón đòng nên rất thuận lợi cho bệnh đạo ôn gây hại (một số diện tích lúa đã có cháy chòm). Đề nghị các địa phương tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chuyên môn cử cán bộ thường xuyên bám sát cơ sở để kiểm tra, phát hiện sớm để có biện pháp phòng trừ kịp thời theo hướng dẫn của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật. Cùng với đó, các địa phương cần thực hiện tốt công tác dự tính, dự báo và tình hình dịch hại trên cây trồng để có các biện pháp tham mưu, chỉ đạo và phối hợp chặt chẽ với cơ sở trên địa bàn tổ chức phòng chống các đối tượng dịch hại kịp thời, hiệu quả bảo vệ sản xuất, bảo đảm năng suất, sản lượng cây trồng theo kế hoạch. 
Thanh Hoa

Nguồn: https://baoquangbinh.vn/kinh-te/202504/chu-dong-phong-tru-sau-benh-hai-lua-2225678/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Sài Gòn - Ký ức về đô thị 300 năm tuổi
Chênh vênh Sa Mù
Hồn Việt
Người dân tranh thủ lưu lại những khoảnh khắc mừng ngày 30/4 lịch sử

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm