[embed]https://www.youtube.com/watch?v=uuPZdwz9Egw[/embed]
Ngày 15 tháng 3 năm 2024, gia đình ông Trương Văn Miên, ở thôn Nam Hội Triều, xã Hoằng Phong, huyện Hoằng Hóa thả nuôi trên 200 nghìn con tôm thẻ chân trắng. Dự kiến đến 20 tháng 6 gia đình sẽ thu hoạch lứa tôm này.
Để chăm sóc, bảo vệ tôm nuôi trước dịch bệnh, ngoài sử dụng thức ăn đảm bảo chất lượng, gia đình ông Miên còn sử dụng men vi sinh để xử lý đáy ao, làm sạch nguồn nước, cải thiện môi trường ao nuôi, phòng ngừa các tác nhân gây bệnh.

Ông Trương Văn Miên, thôn Nam Hội Triều, xã Hoằng Phong, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Ở đây, đổi mùa nên tôm rảo chết tự nhiên, nó mang mầm bệnh đốm trắng tôm sú, tôm nuôi cũng bị lây theo. Gia đình tôi hầu như ngày nào cũng sử dụng vôi để xử lý trong mùa dịch bệnh này. Ngoài ra, chúng tôi khử trùng định kỳ bằng các thuốc diệt khuẩn của ngành thủy sản như Inodin, bê ca C để hạn chế được dịch bệnh".
Vụ xuân hè năm 2024, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa có gần 1.750 ha nuôi tôm, trong đó diện tích tôm thẻ chân trắng nuôi thâm canh, ứng dụng công nghệ cao là 310 ha, còn lại là diện tích nuôi tôm sú.
Để hạn chế tác động của thời tiết nắng nóng đến sức khỏe của tôm nuôi, huyện đã chỉ đạo các đơn vị và các xã tăng cường kiểm tra, giám sát và hướng dẫn các hộ áp dụng khoa học kỹ thuật để chăm sóc, nhằm nâng cao sức đề kháng và phòng bệnh cho tôm.

Bà Nguyễn Thị Lan, Phó Chủ tịch UBND xã Hoằng Châu, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa cho biết thêm: "Trong quá trình nuôi tôm, các hộ đã lấy nước, xử lý nước bằng các chế phẩm, trong các ao nuôi thường dùng các quạt thông gió và các hệ thống nuôi phải sử dụng bằng điện công nghiệp. Thời điểm không có điện phải dùng máy phát, kịp thời xử lý các mầm bệnh và điều hòa thời tiết trong ao nuôi để tôm phát triển".

Ông Lê Bá Quyết, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hoằng Hóa
Ông Lê Bá Quyết, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hoằng Hóa cho biết: "Hệ thống ao nuôi phải quạt để tránh việc tôm bị ngạt, hai là chúng ta sục khí tốt, thứ ba là đảm bảo các nhà màng có mái che công nghệ cao sẽ giảm được nắng nóng ở trong các ao nuôi. Còn nuôi quảng canh, chúng tôi khuyến cáo các hộ nuôi luôn phải thay ước để tránh tình trạng ngộ độc nước".
Thời gian tới, thời tiết tiếp tục diễn biến phức tạp, nhiệt độ môi trường tăng cao, dễ phát sinh dịch bệnh trên tôm, nhất là bệnh đốm trắng. Do đó, các hộ nuôi tôm trên địa bàn huyện Hoằng Hóa cần theo dõi sát diễn biến của thời tiết, tuân thủ quy trình nuôi thả và hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Khi kiểm tra ao nuôi, thấy tôm có biểu hiện bất thường hoặc bị chết nên thông báo kịp thời cho cán bộ kỹ thuật ở địa phương hoặc cơ quan chuyên môn để được hỗ trợ trong việc xử lý và phòng chống dịch bệnh lây lan, tránh rủi ro và thiệt hại về kinh tế trong quá trình nuôi.
Nguồn: Bản tin THNM/TTV
Nguồn
Bình luận (0)