Thời tiết mùa hè với khí hậu nóng ẩm kéo dài tạo điều kiện cho nhiều loại vi-rút, vi khuẩn, côn trùng phát triển, cùng với việc đi lại của người dân tăng cao sẽ là những điều kiện thuận lợi cho nguy cơ dịch bệnh gia tăng, bùng phát như: sốt xuất huyết, tay chân miệng, tiêu chảy do vi-rút Rota, lỵ, thương hàn, viêm não do vi-rút, viêm não do não mô cầu, viêm não Nhật Bản, bạch hầu, ho gà và một số bệnh truyền nhiễm khác. Để chủ động phòng, chống dịch bệnh mùa hè, ngành y tế đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt.
Tiêm vắc-xin phòng dại cho người dân tại Trung tâm Y tế huyện Thạch Thành.
Ngay từ đầu năm Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc lên kế hoạch giám sát, theo dõi, phát hiện sớm các bệnh, dịch bệnh có nguy cơ bùng phát để kịp thời khoanh vùng, xử lý triệt để các ổ dịch (nếu có), không để dịch bệnh lây lan. Bên cạnh công tác khám chữa bệnh, công tác dự phòng đã được Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị thực hiện chủ động ngay từ đầu năm. Theo đó, yêu cầu tất cả các đơn vị y tế cơ sở chủ động giám sát, lấy mẫu xét nghiệm, kịp thời phát hiện sớm các ổ dịch; yêu cầu các đơn vị, tổ chức củng cố lại các đội chống dịch, đội cấp cứu lưu động sẵn sàng điều tra, xác minh, đánh giá, xử lý ổ dịch, tuyệt đối không để dịch lan rộng và kéo dài trong cộng đồng. Đặc biệt, Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tổ chức tốt việc thu dung, điều trị, tránh tình trạng lây nhiễm chéo trong cơ sở khám, chữa bệnh, hạn chế thấp nhất những ca tử vong do dịch bệnh.
Trên cơ sở chỉ đạo của Sở Y tế, các đơn vị trực thuộc đã triển khai nhiều biện pháp phòng dịch với giải pháp chủ yếu là thực hiện tốt nhiệm vụ giám sát, theo dõi diễn biến của dịch bệnh tại cơ sở. Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Thạch Thành Đặng Văn Thuận cho biết: Để chủ động phòng ngừa, kịp thời khống chế, không để dịch bệnh bùng phát trên địa bàn huyện, Trung tâm Y tế huyện đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền và phòng, chống dịch bệnh theo tháng, theo mùa một cách chi tiết; đồng thời chỉ đạo trạm y tế các xã, thị trấn chủ động giám sát, theo dõi diễn biến dịch tại cơ sở, khi có trường hợp nghi ngờ sẽ tiến hành lấy mẫu xét nghiệm, điều tra dịch tễ. Ngoài ra, hoạt động truyền thông được triển khai theo đúng kế hoạch với nhiều hình thức tuyên truyền đa dạng để người dân nâng cao nhận thức, chủ động hơn trong chăm sóc, bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình.
Chị Nguyễn Thị Mai ở thị trấn Kim Tân (Thạch Thành) cho biết: Qua tuyên truyền của cán bộ y tế, tôi và gia đình đã nâng cao nhận thức về thực hiện các biện pháp phòng dịch bệnh như thường xuyên vệ sinh nhà cửa, thực hiện ăn chín, uống sôi để bảo vệ sức khỏe cho cả gia đình. Khi bị chó nhà hàng xóm cắn tôi đã đến ngay trung tâm y tế để khám, nghe tư vấn, tiêm vắc-xin, huyết thanh phòng bệnh dại để bảo vệ sức khỏe.
Với chức năng tham mưu và tổ chức thực hiện các hoạt động chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ về phòng, chống dịch, bệnh truyền nhiễm; bệnh không lây nhiễm; phòng, chống tác động của các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe; quản lý sức khỏe cộng đồng; khám phát hiện, điều trị dự phòng và các dịch vụ y tế khác phù hợp với lĩnh vực chuyên môn trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật, ngay từ đầu năm Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã chủ động theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh và kịp thời thông báo, chỉ đạo các đơn vị, địa phương triển khai các biện pháp chủ động ứng phó, không để các dịch bệnh bùng phát, hạn chế tỷ lệ mắc, tử vong do bệnh dịch. Khoa phòng, chống bệnh truyền nhiễm đã thực hiện chế độ thường trực chống dịch, định kỳ báo cáo hàng ngày cho Sở Y tế, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) về tình hình dịch tại địa phương theo quy định; triển khai thực hiện giám sát trọng điểm, giám sát dựa vào sự kiện, giám sát định kỳ nhằm phát hiện kịp thời các ca bệnh đầu tiên, triển khai các biện pháp đáp ứng không để dịch bệnh lây lan, bùng phát ra cộng đồng; cung cấp các thông tin cần thiết về dịch tễ học và các yếu tố liên quan làm cơ sở lập kế hoạch dự phòng và khống chế dịch bệnh chủ động; kiện toàn và vận hành đội đáp ứng nhanh tại các tuyến có đủ năng lực và trang thiết bị sẵn sàng thực hiện xử lý ổ dịch, hỗ trợ tuyến trước khi có dịch bệnh xảy ra; thường xuyên đánh giá nguy cơ, nhận định tình hình dịch bệnh; tăng cường sự điều phối, chia sẻ thông tin và huy động các nguồn lực trong công tác giám sát, đáp ứng với các tình huống dịch bệnh. Chỉ đạo trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch triển khai chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy đợt I-2023. Tính đến ngày 31-3-2023, 100% các xã nguy cơ đã tổ chức định kỳ các hoạt động vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy phòng, chống sốt xuất huyết ở quy mô thôn, xóm với sự tham gia của y tế, chính quyền địa phương; chỉ đạo các trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố tổ chức chiến dịch phun hóa chất chủ động phòng chống dịch sốt xuất huyết theo hướng dẫn của Bộ Y tế; chỉ đạo và phối hợp với bệnh viện tuyến tỉnh, bệnh viện tuyến huyện, trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố giám sát, xử lý ổ dịch sốt xuất huyết tại cộng đồng: giám sát ca bệnh, điều tra dịch tễ, vector truyền bệnh sốt xuất huyết…
Theo báo cáo của Sở Y tế, đến thời điểm này tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định và không có yếu tố dịch tễ gây dịch hay ổ dịch. Cụ thể, 3 tháng đầu năm 2023 trên địa bàn tỉnh ghi nhận 2.023 ca mắc tiêu chảy, 8 ca viêm não vi-rút, 17 ca sốt xuất huyết, 172 ca thủy đậu…; giám sát 1 trường hợp mắc và tử vong do bệnh dại tại xã Điền Lư (Bá Thước).
Để phòng, chống dịch bệnh mùa hè hiệu quả, ngành y tế khuyến cáo mỗi người dân cần tích cực tham gia bằng những hành động, việc làm thiết thực, nhất là thực hiện tiêm chủng cho con em, bản thân đối với những bệnh có thể phòng được bằng vắc-xin tiêm chủng và thực hiện tốt những khuyến cáo của ngành y tế, trong đó chú ý vệ sinh cá nhân và rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, nhất là trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh; tổ chức khơi thông cống, rãnh, phát quang bụi rậm, diệt bọ gậy, ngủ màn và vệ sinh môi trường xung quanh nơi sinh sống.
Bài và ảnh: Hà Phương