Trong năm đầu đời, trẻ rất dễ mắc các bệnh truyền nhiễm như viêm gan B, lao, viêm màng não, cúm… nếu không được tiêm vaccine.
BS.CK1 Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC, cho biết ngay từ phút chào đời, dù hệ miễn dịch còn non yếu, trẻ đã đối mặt với nhiều virus, vi khuẩn, nên nguy cơ nhiễm bệnh cao. Thời điểm này, trẻ cần tiêm vaccine để có miễn dịch phòng nhiều bệnh. Tuy nhiên, một số phụ huynh chưa thực sự quan tâm đến việc phòng, chống các virus truyền nhiễm cho con dẫn đến trẻ mắc các bệnh như lao, viêm gan B, viêm màng não mô cầu…
Ví dụ chị Thúy Vân (mẹ đơn thân, 30 tuổi, quê ở Đồng Nai) có con đầu lòng mắc bệnh lao sơ sinh. Chị cho biết luôn cảm thấy hối hận khi xem nhẹ và bỏ qua tiêm ngừa vaccine cho con khi mới chào đời. Chị giải thích sinh con gái năm 2020, vượt cạn khi không có chồng bên cạnh, tâm trạng bất ổn nên không chú ý việc tiêm ngừa lao cho con.
Khi bé tròn 4 tháng tuổi, có biểu hiện ho húng hắng, không lên cân, chị đưa con đi phòng khám tại địa phương và được chẩn đoán viêm nhiễm đường hô hấp. Sau đó, bé tiếp tục xuất hiện ho nhiều và kèm theo co giật, phải chuyển bệnh viện tuyến trên để điều trị. Bác sĩ chẩn đoán con gái mắc lao phổi nhưng may mắn không nguy hiểm tới tính mạng, điều trị kéo dài 6 tháng. Hiện sức khỏe bé đã ổn định.
Ước tính 1/4 dân số thế giới nhiễm lao, khoảng 10% nhiễm lao sẽ tiến triển thành bệnh lao. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2022, toàn thế giới có khoảng 9 triệu ca lao mới mỗi năm, trong đó có 10% là trẻ em.
Việt Nam vẫn là một trong 30 nước có gánh nặng bệnh lao và lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới. Bệnh viện Nhi Trung ương hàng năm phát hiện và điều trị khoảng 70-80 ca bệnh lao, chủ yếu là những ca lao nặng, khó chẩn đoán. Hầu hết trường hợp là trẻ nhỏ dưới 5 tuổi và bệnh xảy ra trong vòng 2 năm sau khi tiếp xúc với nguồn bệnh.
Viêm gan virus B cũng là một trong hai loại viêm gan do virus có gánh nặng lớn nhất đối với sức khỏe cộng đồng và là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến bệnh ung thư gan và xơ gan, gây ra tới 80% tổng số các ca ung thư gan trên thế giới.
Việt Nam nằm trong vùng lưu hành dịch tễ cao của virus viêm gan B. Theo thống kê từ Bộ Y tế năm 2019, 10-20% phụ nữ mang thai tại Việt Nam bị viêm gan B. Tỷ lệ mẹ lây nhiễm viêm gan B cho con từ 5-10%, trong đó 90% trẻ chuyển sang viêm gan B mạn tính.
Ngoài ra, trẻ còn có nguy cơ mắc một số bệnh khác như cúm, viêm màng não mô cầu khi chưa tiêm chủng. Theo WHO, thế giới có khoảng 5-10% người lớn và 20-30% trẻ em nhiễm cúm mỗi năm. Trong đó, khoảng nửa triệu ca tử vong do các vấn đề sức khỏe liên quan đến bệnh cúm. Tại Việt Nam, mỗi năm ghi nhận khoảng 1-1,8 triệu người mắc cúm.
Bệnh cúm có thể tự khỏi song cũng có thể biến chứng ở người mắc bệnh mạn tính hoặc người có suy giảm miễn dịch như trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Các biến chứng gồm viêm tai, viêm phế quản, viêm phổi, viêm não, thậm chí có thể dẫn đến tử vong.
Viêm màng não do não mô cầu lây truyền từ người sang người qua đường hô hấp. Ước tính có khoảng 10-20% dân số mang vi khuẩn não mô cầu tại hầu họng không biểu hiện triệu chứng, là nguồn lây bệnh lớn với cộng đồng. Mỗi năm cả nước ghi nhận khoảng 50-100 ca viêm màng não do não mô cầu. Dù số mắc ít, song bệnh để lại di chứng nặng nề như điếc, cắt chi, hoặc khiếm khuyết thần kinh, vận động…
Theo BS Chính, trẻ càng nhỏ khi mắc bệnh càng có nguy cơ cao biến chứng nặng. Nếu mắc phải các bệnh truyền nhiễm trong những tháng đầu đời nhưng không kịp điều trị, trẻ có thể gánh chịu những di chứng suốt đời, ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ và thể chất thậm chí tử vong.
“Chi phí dành cho chủng ngừa thấp hơn rất nhiều lần so với chi phí điều trị và chăm sóc y tế nếu chẳng may trẻ bị mắc bệnh. Do đó, mọi người nên tiêm phòng vaccine đầy đủ cho trẻ càng sớm càng tốt”, bác sĩ Chính khuyến cáo.
Đối với trẻ sơ sinh có mẹ bị nhiễm virus viêm gan B, ngoài một mũi vaccine ngừa viêm gan B như các trẻ khác, bé cần được tiêm một mũi kháng thể (huyết thanh kháng viêm gan B) HBIg (Hepatitis B Immune Globulin) ngay khoảng 12-24 giờ đầu sau sinh.
Vaccine lao (BCG) liều sơ sinh, tiêm tốt nhất trong vòng một tháng đầu sau sinh. Theo khuyến cáo của WHO, CDC Mỹ và Bộ Y tế Việt Nam, trẻ em từ 6 tháng tuổi trở lên cần được tiêm vaccine cúm sớm và tiêm nhắc lại một mũi hàng năm để được bảo vệ tốt nhất.
Hiện nay, vaccine ngừa viêm não mô cầu và cúm·là vaccine dịch vụ, chưa được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng. Với não mô cầu, trẻ cũng được khuyến cáo tiêm từ 6 tháng tuổi. Ngoài ra, trẻ có thể tiêm các vaccine phòng ngừa nhiều bệnh trong một mũi như vaccine 6 trong 1 phòng các bệnh ho gà, bạch hầu, uốn ván, bại liệt, viêm gan B và các bệnh do Haemophilus influenzae týp B (Hib) gây ra như viêm phổi, viêm màng não mủ.
Minh Tâm
Vào 20h ngày 16/6, Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC thực hiện chương trình tư vấn trực tuyến “Những vaccine quan trọng không thể thiếu dành cho trẻ trong năm đầu đời”, phát trên fanpage VnExpress, VNVC, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Nutrihome… Chương trình nhằm cập nhật những thông tin mới về các bệnh truyền nhiễm ở trẻ nhỏ và vaccine phòng ngừa.
Các chuyên gia tư vấn gồm: BS Trương Hữu Khanh – Phó Chủ tịch Liên chi hội Truyền nhiễm, TP HCM, BS.CKI Bạch Thị Chính – Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC, BS.CKII Phan Thị Thu Minh – Phó Trưởng khoa Nhi, BVĐK Tâm Anh Hà Nội.
Bạn đọc quan tâm có thể đặt câu hỏi tại đây.