Qua công tác nắm tình hình, quản lý địa bàn, ngành chức năng đã phát hiện, xử lý nhiều vụ việc liên quan đến hành vi sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng lậu và gian lận thương mại, góp phần kiểm soát thị trường, bảo vệ người tiêu dùng.
Phát hiện nhiều vụ việc vi phạm
Trong những tháng đầu năm 2023, mặc dù chịu nhiều yếu tố về giá nguyên liệu, mùa vụ, dịch bệnh… nhưng tình hình thị trường hàng hóa trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định, giá cả có sự tăng giảm ở từng nhóm mặt hàng, không có hiện tượng khan hiếm hàng hóa xảy ra. Bên cạnh đó, tình trạng kinh doanh, sản xuất hàng giả, hàng lậu, vi phạm về thương mại vẫn còn xảy ra.
Lực lượng Quản lý thị trường tỉnh kiểm tra hàng hóa có dấu hiệu nhập lậu
Trước tình hình trên, Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh đã chỉ đạo các Đội QLTT trực thuộc tập trung tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, kiểm tra đột xuất những cơ sở sản xuất, kinh doanh mặt hàng thiết yếu, có nhu cầu tiêu dùng lớn. Trong 5 tháng đầu năm, Cục QLTT tỉnh đã kiểm tra 260 vụ (trong đó có 238 vụ đột xuất), phát hiện 234 vụ vi phạm, xử phạt hành chính với tổng số tiền hơn 2,1 tỷ đồng; hàng hóa tịch thu trị giá khoảng gần 3,5 tỷ đồng.
Đặc biệt qua công tác kiểm tra, Cục QLTT tỉnh cùng lực lượng chức năng liên quan liên tiếp phát hiện nhiều vụ việc quy mô lớn, thu giữ nhiều hàng hóa có giá trị. Cụ thể gần đây, Đội QLTT số 2, Cục QLTT tỉnh phối hợp với lực lượng chức năng kiểm tra kho hàng hóa ở Khu công nghiệp Sóng Thần I (TP. Dĩ An). Tại thời điểm kiểm tra, đoàn công tác ghi nhận 880 tang vật các loại đã qua sử dụng chưa xuất trình được hóa đơn chứng từ, chứng minh nguồn gốc hợp pháp, có dấu hiệu vi phạm là hàng hóa nhập lậu thuộc danh mục cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu, như cục nóng máy lạnh, bếp gas, xe đạp điện…
Trước đó, Đội QLTT số 5, Cục QLTT tỉnh chủ trì, phối hợp cùng Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh đã khám xét nơi cất giấu tang vật đối với ki-ốt chứa hàng tại khu phố Bình Phú, phường Bình Chuẩn, TP.Thuận An. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trong ki-ốt có 2.460 viên thuốc tây dùng cho người dạng viên nén, nhãn hiệu Fugacar, trên bao bì thể hiện xuất xứ tại Thái Lan cùng 5.082 tem chống giả; 2.700 viên thực phẩm chức năng có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài và hơn 70.000 bao cao su các loại.
Chủ động phát hiện, xử lý vi phạm
Theo ông Nguyễn Phương Đông, Phó Cục trưởng Phụ trách Cục QLTT tỉnh, địa bàn Bình Dương rất thuận lợi cho các hoạt động kinh doanh thương mại phát triển, đặc biệt là hình thức thương mại điện tử (TMĐT) đang có xu thế tăng cao. Một số cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp vừa và nhỏ thường xuyên sử dụng mạng xã hội hoặc các nền tảng di động khác để thực hiện hoạt động chào hàng, giới thiệu, mua bán hàng hóa, tiềm ẩn nguy cơ hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng kém chất lượng… xâm nhập vào thị trường. Đáng lưu ý là những trường hợp này thường không có đăng ký kinh doanh hoặc có nhưng không chính xác về nhân thân, địa chỉ kinh doanh, cửa hàng không rõ ràng. Còn hàng hóa không được lưu trữtại trụsởchính màđược đểở những kho hàng có địa chỉ khó tìm, thường xuyên đóng cửa, chỉ mở cửa khi giao nhận hàng… gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong công tác phát hiện, kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực thương mại.
Trước tình hình trên, Cục QLTT tỉnh đã tham mưu cho Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389) tỉnh ban hành kế hoạch về việc tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong TMĐT. Trong đó, Cục QLTT tỉnh chủ trì phối hợp với các ngành chức năng tiến hành kiểm tra, xử lý nghiêm đối với tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực TMĐT. Kết quả từ ngày 1-11-2020 đến ngày 31-10-2022, ngành chức năng đã kiểm tra, phát hiện 11 vụ vi phạm, xử phạt hành chính với tổng số tiền 277,5 triệu đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu là không thông báo website TMĐT bán hàng cho cơ quan quản lý nhà nước; cung cấp thông tin sai lệch về thương nhân, tổ chức, cá nhân sở hữu website TMĐT và sử dụng biểu tượng đã thông báo để gắn lên website TMĐT bán hàng khi chưa được phê duyệt hoặc xác nhận thông báo của cơ quan chức năng.
“Dự báo thời gian tới, tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả sẽ có nhiều diễn biến phức tạp. Do đó, Cục QLTT tỉnh tiếp tục tăng cường công tác phối hợp kiểm tra với các đơn vị liên quan nhằm xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật. Trong đó tập trung vào các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, mỹ phẩm, thuốc lá điếu, thực phẩm… Đồng thời, Cục QLTT tỉnh tiếp tục phối hợp chặt chẽ với ngành chức năng trong việc tuyên truyền, nắm bắt thông tin có dấu hiệu vi phạm để kịp thời có kế hoạch kiểm tra, xử lý nghiêm hành vi vận chuyển, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, không bảo đảm an toàn thực phẩm, không rõ nguồn gốc…”, ông Nguyễn Phương Đông cho biết thêm.
Trong những tháng đầu năm 2023, BCĐ 389 các địa phương trong tỉnh đã phát huy khá hiệu quả nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát thị trường. Theo đó, đã kiểm tra hơn 3.000 vụ, phát hiện 1.884 vụ vi phạm, xử lý 1.850 vụ; phạt và truy thu gần 331 tỷ đồng. Riêng năm 2022, phát hiện trên 7.000 vụ vi phạm, xử lý trên 6.800 vụ; phạt và truy thu gần 862 tỷ đồng… Các hành vi vi phạm chủ yếu là gian lận thương mại; hành vi buôn bán hàng cấm, hàng lậu; hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả. |
NGUYỄN HẬU