SGGPO
Trị số huyết áp rất quan trọng cho sức khỏe của mỗi người, chúng ta phải cập nhật trị số huyết áp định kỳ để có kế hoạch phòng tránh tăng huyết áp và phát hiện tăng huyết áp sớm nhất có thể. Từ đó việc điều trị sớm sẽ giảm thiểu những biến chứng của tăng huyết áp.
Các y bác sĩ hào hứng tham gia chương trình Đi bộ vì trái tim khỏe |
Tại Hội nghị “Xu hướng mới trong điều trị bệnh tim mạch 2023”, do Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM tổ chức mới đây tại TP Cần Thơ, GS-TS Trương Quang Bình, Trưởng ban Tổ chức hội nghị, chuyên gia Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM cho rằng: Trị số huyết áp rất quan trọng cho sức khỏe của mỗi người, chúng ta phải cập nhật trị số huyết áp một cách định kỳ để có kế hoạch phòng tránh tăng huyết áp và phát hiện tăng huyết áp sớm nhất có thể. Từ đó việc điều trị sớm sẽ giảm thiểu những biến chứng của tăng huyết áp.
Theo GS-TS Trương Quang Bình, người dân cần chủ động theo dõi huyết áp, phòng ngừa tăng huyết áp cũng như các biến cố tim mạch do tăng huyết áp gây ra. Hiện nay, tăng huyết áp thường được gọi là “kẻ giết người thầm lặng” vì không gây ra các triệu chứng rõ ràng trong giai đoạn đầu nhưng lại làm tổn thương mạch máu một cách từ từ và lâu dài.
Tăng huyết áp có thể gây nhồi máu cơ tim, nhồi máu não và nhiều biến chứng khác như: phì đại cơ tim, suy tim, xuất huyết đáy mắt, suy thận và các bệnh động mạch chủ…
Việc kiểm tra huyết áp thường xuyên, nhất là những người có những yếu tố nguy cơ mắc bệnh tim mạch là rất quan trọng. Mỗi người có thể chủ động phát hiện tăng huyết áp bằng cách tự đo huyết áp hoặc đến các cơ sở y tế gần nhất. Chỉ cần một trong 2 trị số: huyết áp tâm thu (số trên) từ 140 mmHg trở lên, huyết áp tâm trương (số dưới) từ 90 mmHg trở lên thì được xem là tăng huyết áp.
Trong trường hợp được chẩn đoán tăng huyết áp, người bệnh cần tuân thủ việc sử dụng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ và duy trì chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt, tập luyện đều đặn. Về việc tuân thủ sử dụng thuốc, người bệnh chỉ cần nhớ uống thuốc chuẩn theo 3Đ (đúng thuốc đã kê, đủ liều đã dặn, đều đặn mỗi ngày).
Tăng cường đi bộ giúp phòng chống tăng huyết áp, phòng ngừa bệnh lý tim mạch và duy trì trái tim khỏe mạnh |
Người bệnh có thể được bác chỉ định các chương trình tập luyện hay đơn giản là đi bộ liên tục 30 phút mỗi ngày, thực hiện nhiều hơn 5 ngày trong tuần để tăng cường lưu thông máu, hỗ trợ điều trị tăng huyết áp.
Các bác sĩ khuyến cáo, ngay khi phát hiện tăng huyết áp hoặc có những triệu chứng dù chỉ thoáng qua như: hồi hộp, đánh trống ngực, nhức đầu mỗi buổi sáng thức dậy… nên đi thăm khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Đặc biệt, người có các yếu tố nguy cơ như: có thói quen ăn mặn, ít vận động, uống nhiều rượu bia, căng thẳng thường xuyên, lớn tuổi và gia đình có người mắc tăng huyết áp nên khám sức khỏe định kỳ. Nên phòng bệnh hơn chữa bệnh và chủ động nhận biết các yếu tố nguy cơ của tăng huyết áp để có kế hoạch loại trừ những yếu tố nguy cơ này sớm nhất có thể.
Trước đó, ngày 13-5, Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM đã tổ chức chương trình “Đi bộ vì trái tim khỏe lần thứ 2” với thông điệp: Hãy nhớ huyết áp như nhớ tuổi của bạn. Đây là hoạt động nhằm hưởng ứng Ngày Phòng chống tăng huyết áp thế giới 17-5 và Tháng đo huyết áp thế giới, giúp nâng cao ý thức cộng đồng trong việc phòng chống tăng huyết áp, phòng ngừa bệnh lý tim mạch và duy trì trái tim khỏe mạnh.