Để tiếp tục khai thác tối đa tiềm năng, mở rộng thị trường du lịch, Quảng Ninh đã chú trọng liên kết, mở rộng hợp tác phát triển. Trong đó, xây dựng các gói sản phẩm liên vùng, khai thác tối đa tiềm năng du lịch đa dạng và hạ tầng giao thông đồng bộ, sẵn có.
Theo đó, thời gian qua, ngành Du lịch Quảng Ninh đã tăng cường hợp tác với các tỉnh, thành phố để mở rộng thị trường, nhất là ở các địa phương như Hà Nội, Ninh Bình, Đà Nẵng, Khánh Hòa, TP Hồ Chí Minh, Thái Nguyên, Hà Nam, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc. Đồng thời tích cực làm việc với các tập đoàn kinh tế lớn để hỗ trợ thúc đẩy du lịch. Mới đây nhất, vào đầu tháng 4, tỉnh Quảng Ninh đã cùng với 7 tỉnh Đông Bắc tổ chức Hội nghị xúc tiến điểm đến du lịch tại TP Hồ Chí Minh. Tại sự kiện này, tỉnh đã giới thiệu 38 sản phẩm du lịch mới tập trung vào các dòng sản phẩm biển đảo, văn hóa, du lịch đêm, du lịch sinh thái, nông nghiệp, thể thao mạo hiểm, thể thao golf, du lịch biên giới “một hành trình 2 quốc gia nhiều điểm đến” đồng thời giới thiệu 4 khách sạn, khu nghỉ dưỡng mới được đưa vào khai thác.
Để đẩy mạnh việc xúc tiến du lịch và mở rộng thị trường du lịch phía Nam, tỉnh cũng đã đưa vào hoạt động đường bay Quảng Ninh – Cần Thơ từ ngày 25/4. Đây được coi là động lực để khai thác tối đa tiềm năng lợi thế vai trò trung tâm của 2 địa phương. Từ Quảng Ninh lan tỏa ra vùng đồng bằng sông Hồng kết nối với cánh cung các tỉnh Đông Bắc và từ TP Cần Thơ ra Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo chị Mai Thanh Thúy, Trưởng phòng Kinh doanh du lịch – lữ hành (VTTC Travel chi nhánh Quảng Ninh), đường bay Quảng Ninh – Cần Thơ là điểm nhấn cho mùa du lịch năm nay. Thông qua các chương trình xúc tiến, quảng bá du lịch, công ty dễ dàng tiếp cận các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch thị trường phía Nam, làm việc với các đối tác, chủ động giới thiệu các sản phẩm du lịch của Quảng Ninh. Thời gian tới, chúng tôi dự kiến sẽ tiếp tục làm việc với các đơn vị lữ hành và cơ sở lưu trú, dịch vụ, nhà hàng tại Cần Thơ để xây dựng tour tuyến, khai thác tối đa thị trường khách khu vực này.
Đối với thị trường quốc tế, tỉnh đặt mục tiêu đón 2 triệu lượt khách năm 2023. Theo đó, ngành Du lịch đã và đang khẩn trương tổ chức các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch, các chương trình làm việc tại các thị trường khả thi như: Nhật Bản, Hàn Quốc. Đồng thời, triển khai đa dạng các hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế để thúc đẩy phát triển du lịch như: Tổ chức Đại hội đồng EATOF lần thứ 17 tại Quảng Ninh; hợp tác giữa tỉnh Quảng Ninh với 3 tỉnh Bắc Lào; tổ chức hội nghị trực tuyến về du lịch giữa tỉnh Quảng Ninh, Việt Nam với tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc; làm việc với đối tác giải đua thuyền buồm Clipper… Thời gian tới, tỉnh cũng sẽ làm việc với các cơ quan đại diện, các tổ chức nước ngoài, các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam; ký kết hợp tác với các doanh nghiệp lữ hành uy tín trong và ngoài nước để đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến thị trường quốc tế. Cùng với đó, tổ chức các đoàn khảo sát, gồm các doanh nghiệp lữ hành, cơ quan truyền thông trong nước, đến khảo sát, đưa tin về các tuyến, điểm, sản phẩm du lịch của tỉnh để lan tỏa hình ảnh Quảng Ninh điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn.
Với phương châm “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”, tỉnh đã huy động nguồn lực lớn từ nguồn vốn ngoài ngân sách, với các công trình điển hình như: Cầu Bạch Đằng, Đường cao tốc Hạ Long – Móng Cái. Cơ sở hạ tầng về du lịch ngày càng phát triển, đáp ứng nhu cầu tiếp cận dễ dàng của khách du lịch quốc tế như: Cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, Cảng khách quốc tế Ao Tiên, Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long. |
Không chỉ liên kết du lịch giữa Quảng Ninh với các tỉnh thành trong và ngoài nước, các doanh nghiệp dịch vụ du lịch cũng chủ động hợp tác với nhau để tạo nên mạng lưới liên vùng, liên kết trong chuỗi cung ứng dịch vụ, từ đó tạo gói chất lượng cao với mức giá hấp dẫn. Trong đó, phát triển chuỗi giá trị sản phẩm du lịch biển, du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng cao cấp đặc sắc; khuyến khích phát triển mạnh mẽ các sản phẩm du lịch cộng đồng tại các địa phương trong tỉnh, nhất là du lịch sinh thái khám phá, trải nghiệm gắn với cảnh quan thiên nhiên, bản sắc dân tộc ở các khu vực miền đông và phát triển tối đa sản phẩm du lịch văn hóa – lịch sử – tâm linh.
Theo ông Phạm Ngọc Thủy, Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh, trong thời gian tới, Sở sẽ chủ động kết nối các điểm, khu du lịch, xây dựng mạng lưới liên kết giữa các đơn vị cung cấp dịch vụ vận chuyển, lưu trú, nhà hàng… để giảm chi phí, hạ giá thành; xây dựng các chương trình quảng bá chào bán sản phẩm thu hút khách. Cùng với đó, mở rộng không gian và phát triển các sản phẩm du lịch mới đến các khu vực biển đảo và các địa phương, lưu ý phát triển thử nghiệm các sản phẩm du lịch về đêm, du lịch đường phố… Bên cạnh đó, Sở cũng sẽ là đầu mối kết nối các đơn vị kinh doanh du lịch trên địa bàn tham gia các hội chợ du lịch quốc tế; ngày hội du lịch; tổ chức thực hiện các chương trình xúc tiến, quảng bá du lịch Quảng Ninh tại các địa phương trong nước có khả năng kết nối với Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn như: Đà Nẵng, Phú Quốc và các thị trường nước ngoài như: Khu vực Đông Nam Á; Hàn Quốc, Nhật Bản… Triển khai tổ chức các chương trình đào tạo, giới thiệu nhân lực du lịch để hỗ trợ doanh nghiệp; làm việc với các hãng lữ hành, hàng không về việc xúc tiến gửi khách qua cảng hàng không quốc tế Vân Đồn; tổ chức thu hút các dự án về lĩnh vực du lịch; đẩy mạnh hợp tác quốc tế và liên kết với các địa phương trong cả nước để thúc đẩy phát triển du lịch.