Với việc định vị vị trí của mình trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Bình Dương tiếp tục huy động nguồn lực duy trì đà phát triển, khẳng định vai trò là một cực tăng trưởng quan trọng của vùng cũng như cả nước.
Đường Mỹ Phước – Tân Vạn đưa vào khai thác phục vụ tốt nhu cầu vận chuyển hàng hóa của doanh nghiệp các tỉnh, thành trong khu vực
Bước đột phá mới
Trong những khó khăn thách thức do tình hình chung của kinh tế – chính trị thế giới, Bình Dương tiếp tục xác định phải tạo ra nấc thang phát triển mới thông qua tầm nhìn quy hoạch từ nay đến năm 2030 và định hướng đến năm 2050. Theo đó, Bình Dương phải phát triển xanh, thông minh và bền vững. Các chính sách và giải pháp vượt trội của tỉnh được kỳ vọng tiếp tục làm nên sức sống và sự vươn lên mạnh mẽ của tỉnh trong thời gian tới. Bình Dương xác định phải tập trung các nguồn lực để xây dựng hạ tầng hiện đại, nâng tầm chất lượng hàng hóa, đem đến những giải pháp thuận lợi cho doanh nghiệp (DN).
Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Minh đã có buổi làm việc với Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam về kế hoạch tăng cường khả năng xuất khẩu hàng hóa qua Ga liên vận quốc tế Sóng Thần. Theo đó, hai bên thống nhất Ga Sóng Thần nằm trên Quốc lộ 1A, giáp ranh giữa tỉnh Bình Dương và TP.Hồ Chí Minh, có khả năng kết nối với nhiều tỉnh sẽ được đầu tư xứng tầm, tạo ra những bước đột phá mới cho kinh tế và vận chuyển hàng hóa.
Theo ông Nguyễn Trần Hiệu, Cục trưởng Cục Hải quan Bình Dương, vận chuyển hàng hóa xuất, nhập khẩu (XNK) bằng đường sắt qua Ga Sóng Thần đã và đang tạo ra những điều kiện thuận lợi lớn. Năm 2022, ga đã vận chuyển trên 1,6 triệu tấn hàng hóa, mặt hàng chủ yếu là thiết bị điện tử, ô tô, lương thực, nguyên liệu sản xuất, sản phẩm tại các khu công nghiệp của Bình Dương, Đồng Nai và TP.Hồ Chí Minh. “Năng lực tổng hợp vận chuyển liên vận quốc tế tại Ga Sóng Thần đạt 1,27 triệu tấn/năm, dự kiến đạt 2,5 triệu tấn/năm vào năm 2025. Do chưa thực hiện liên vận quốc tế, hàng hóa XNK vận tải tại ga mới chỉ chiếm khoảng 10- 15% sản lượng. Bên cạnh đó, việc chưa làm thủ tục XNK tại ga đã làm ảnh hướng đến thời gian và chi phí cho hoạt động XNK”, ông Nguyễn Trần Hiệu cho biết.
Ông Đặng Sỹ Mạnh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, cho biết hiện Bộ Giao thông – Vận tải đang xây dựng và trình Chính phủ phương án nâng cao năng lực vận tải liên vận quốc tế đường sắt với 8 khu ga, trong đó quy hoạch Ga Sóng Thần trở thành ga trọng điểm hàng hóa phía Nam. Theo đó, Tổng Công ty sẽ hình thành 2 tuyến đường sắt: Sóng Thần – Đồng Đăng, Sóng Thần – Lào Cai. Từ đây, hàng hóa đi bằng đường sắt từ Bình Dương sẽ kết nối với Trung Quốc và các nước trên tuyến vận tải đường sắt Á – Âu. Ga Sóng Thần có lợi thế đã được cấp mã liên vận, việc Bình Dương sớm hoàn thiện các yêu cầu về mặt bằng và an ninh sẽ phát huy hơn nữa hiệu quả liên vận quốc tế. Đặc biệt, việc làm thủ tục XNK tại ga sẽ tạo điều kiện thuận lợi rất lớn cho DN XNK của tỉnh.
Trên cơ sở ghi nhận những đề xuất của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, ông Võ Văn Minh đề nghị Cục Hải quan, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Giao thông – Vận tải sớm hoàn thiện các yêu cầu về mặt bằng và an ninh, triển khai làm thủ tục XNK tại ga để giảm thời gian và chi phí vận chuyển hàng hóa cho DN. Bình Dương sẽ luôn tạo điều kiện để Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam giải phóng mặt bằng, tập trung đầu tư cải tạo, năng cao năng lực thông quan, hệ thống kho bãi… khai thác hiệu quả và phát triển Ga liên vận quốc tế Sóng Thần thành trung tâm logistics của tỉnh và cả vùng Đông Nam bộ.
Tầm nhìn phát triển vùng
Bình Dương có lợi thế lớn trong việc liên kết, tạo lợi thế của vùng thành lực đẩy cho mình để phát triển trong tương lai. Mới đây, Bình Dương và Tây Ninh đã ký kết về tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực. Về giao thông – vận tải, hai bên tham mưu, đề xuất đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án giao thông kết nối vùng, triển khai các nội dung có liên quan đến hai địa phương trong các quy hoạch ngành quốc gia đã được phê duyệt; quy hoạch mạng lưới đường bộ, kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa; thống nhất quy hoạch 2 tuyến đường và cầu kết nối từ ĐT789 (Tây Ninh) với ĐT744 (Bình Dương).
Hai bên sẽ nghiên cứu, lựa chọn đầu tư 1 dự án kết nối và khởi công trong giai đoạn 2024-2025; đề xuất, kiến nghị các bộ, ngành liên quan đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án cải tạo, chỉnh trang, nâng cấp luồng đường thủy nội địa quốc gia sông Sài Gòn đạt tiêu chuẩn luồng cấp II theo quy hoạch; quy hoạch, công bố luồng đường thủy nội địa trên hồ Dầu Tiếng; mời gọi các DN nghiên cứu khảo sát, khai thác tuyến vận tải hành khách từ Tây Ninh đi Bình Dương và ngược lại…
Theo ông Phạm Ngọc Thuận, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Becamex IDC, trong lĩnh vực đầu tư, Becamex IDC nghiên cứu, triển khai đầu tư dự án Khu Đô thị – Công nghiệp – Dịch vụ trên địa bàn tỉnh Tây Ninh. Becamex IDC đã đề xuất một số dự án cụ thể hóa nội dung ký kết giữa hai địa phương như phát triển hành lang công nghiệp Phnôm Pênh – Tây Ninh – Bình Dương – Long Thành – Cái Mép; đường kết nối công nghiệp Bình Dương – Tây Ninh; đường sắt công nghiệp Bàu Bàng – Tây Ninh…
Ông Đặng Sỹ Mạnh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, cho biết hiện Bộ Giao thông – Vận tải đang xây dựng và trình Chính phủ phương án nâng cao năng lực vận tải liên vận quốc tế đường sắt với 8 khu ga, trong đó quy hoạch Ga Sóng Thần trở thành ga trọng điểm hàng hóa phía Nam. Theo đó, Tổng Công ty sẽ hình thành 2 tuyến đường sắt: Sóng Thần – Đồng Đăng, Sóng Thần – Lào Cai. Từ đây, hàng hóa đi bằng đường sắt từ Bình Dương sẽ kết nối với Trung Quốc và các nước trên tuyến vận tải đường sắt Á – Âu.
TIỂU MY