Chiều ngày 25/4, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo tổng kết công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) năm 2022, nhiệm vụ công tác năm 2023. Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh chủ trì cuộc họp. Dự hội nghị có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương.
Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh phát biểu tại hội nghị.
Năm 2022, tỉnh Thái Bình chịu ảnh hưởng của 3 cơn bão, bằng xấp xỉ trung bình nhiều năm song các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, sét, mưa lớn, gió mạnh trên biển xảy ra nhiều. Tổng lượng mưa từ tháng 5 đến hết tháng 10 các nơi đều cao hơn trung bình nhiều năm từ 50 – 90%. Do ảnh hưởng mưa lớn, dông, lốc, sét và áp thấp nhiệt đới suy yếu từ bão số 2; đợt lũ giữa tháng 6, kết hợp với triều cường đã làm trên 4.000ha lúa, trên 3.000ha hoa màu bị úng nhẹ cục bộ; làm tràn một số vị trí bờ bao thuộc huyện Vũ Thư, huyện Kiến Xương. Thiên tai làm 7 người chết; trên 240 con lợn chết; xảy ra 3 vụ chìm tàu.
Các đại biểu dự hội nghị.
Theo nhận định của Tổng cục Khí tượng Thuỷ văn, số lượng các cơn bão, áp thấp nhiệt đới trong năm 2023 hoạt động trên khu vực biển Đông và ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta và Thái Bình xấp xỉ trung bình nhiều năm; có khoảng 10-12 cơn bão, áp thấp nhiệt đới trên khu vực biển Đông, trong đó ảnh hưởng trực tiếp đến tỉnh Thái Bình là từ 2-3 cơn. Bên cạnh đó, cần đề phòng khả năng xuất hiện những cơn bão mạnh không theo quy luật và các hiện tượng thời tiết nguy hiểm khác như dông, lốc, sét xảy ra với tần suất lớn; gió mạnh khi xảy ra mưa dông và hoạt động của các vùng áp thấp nóng phía Tây trên vùng biển ngoài khơi và ven biển hai huyện Thái Thụy, Tiền Hải. Có khả năng xảy ra từ 4-6 đợt nắng nóng và nắng nóng gay gắt (kéo dài từ 2 ngày trở lên); thời gian nắng nóng kéo dài và cường độ nắng nóng có khả năng gay gắt hơn so với cùng thời kỳ năm 2022. Tổng lượng mưa toàn mùa các khu vực trên địa bàn tỉnh ở mức xấp xỉ đến cao hơn trung bình nhiều năm. Có khả năng xuất hiện từ 8-10 đợt mưa lớn diện rộng. Có khả năng mưa lớn xuất hiện vào cuối mùa mưa bão.
Trước tình hình đó, tỉnh Thái Bình đã chủ động triển khai các giải pháp theo phương châm “4 tại chỗ”, chuẩn bị đầy đủ về nhân lực, vật lực, tài chính, ngân sách ứng phó với các cơn bão, áp thấp nhiệt đới và các đợt mưa lớn kéo dài. Huy động lực lượng, phương tiện hướng dẫn các chủ tàu thuyền, người dân khu vực ngoài đê vào nơi tránh trú bão an toàn. Chủ động bảo đảm tiêu thoát nước, bảo vệ lúa, hoa màu và vùng nuôi trồng thủy sản. Về cơ bản công tác PCTT&TKCN trên địa bàn tỉnh được triển khai kịp thời, đồng bộ, bám sát thực tiễn, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.
Video: 250423-Hop_Phong_chong_thien_tai_2023.mp4?_t=1682427750
Phát biểu kết luận cuộc họp, đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đề cập đến tâm lý chủ quan trong nhân dân cũng như của một bộ phận lực lượng làm công tác PCTT&TKCN; việc thực hiện phương châm “4 tại chỗ” ở một số địa phương chưa được quan tâm đúng mức.
Nhận định, đánh giá về tình hình thiên tai, lũ bão năm 2023 sẽ diễn biến phức tạp, đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh yêu cầu các cấp, ngành, địa phương, đơn vị cần khẩn trương kiện toàn Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai, phân công cụ thể nhiệm vụ cho các thành viên; chủ động xây dựng kế hoạch kiểm tra công tác chuẩn bị PCTT&TKCN, đặc biệt là việc thực hiện phương châm “4 tại chỗ” của các địa phương, cơ quan, đơn vị; tăng cường thông tin tuyên truyền một cách toàn diện về công tác phòng, chống thiên tai, để các địa phương, đơn vị và người dân không chủ quan, lơ là trước diễn biến, các hình thái thiên tai như: dông, lốc, sét, nắng nóng, mưa lớn…; các huyện, thành phố chuẩn bị sẵn sàng phương tiện tuyên truyền lưu động; tiếp tục làm tốt công tác dự báo thiên tai, bảo đảm thông tin chính xác, kịp thời.
Đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh yêu cầu các cấp, ngành, địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm Luật Đê điều, Luật Phòng, chống thiên tai, Luật Thủy lợi, xử lý dứt điểm các vụ việc vi phạm còn tồn đọng, không để vi phạm mới phát sinh hoặc tái vi phạm trên địa bàn; tăng cường kiểm tra, xử lý theo tình trạng xe quá khổ, chở quá tải trọng lưu thông qua các tuyến đê trên địa bàn tỉnh.
Các địa phương chủ động kiểm tra, phân loại các trọng điểm đê, kè, cống xung yếu; xây dựng phương án hộ đê; tổ chức thực hiện việc xử lý sự cố của đê điều kịp thời, bảo đảm an toàn trong lũ, bão theo quy định; thường xuyên quan tâm đầu tư, nâng cấp, cải tạo, xây mới các công trình phòng, chống thiên tai cũng như đẩy nhanh hơn nữa tiến độ thi công các công trình để bảo đảm an toàn cho hệ thống đê, kè, cống trước mùa mưa bão; tăng cường chất lượng công tác tập huấn, diễn tập ứng phó với thiên tai.
Ngoài ra, các cấp, ngành, địa phương, đơn vị cần tăng cường hiệp đồng, phối hợp trong công tác PCTT&TKCN, chủ động xây dựng những phương án cụ thể để kịp thời khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra; các huyện, thành phố cần chủ động chỉ đạo các xã, thị trấn khẩn trương rà soát, thống kê các hộ dân sống trong nhà yếu, khu vực nguy hiểm, các vùng bãi thấp ven sông, ven biển để có kế hoạch chủ động sơ tán khi thiên tai, lũ bão xảy ra.
Nguyễn Thơi
Ảnh: Thành Tâm