Kỳ vọng khởi sắc
Theo nhận định của chuyên gia BĐS, trong quý 1/2023, mặc dù đã có một số doanh nghiệp BĐS bắt đầu ra mắt và mở bán các dự án BĐS của mình, con số này cũng chỉ “đếm trên đầu ngón tay”, còn lại phần lớn doanh nghiệp vẫn đang nghe ngóng, quan sát diễn biến thị trường, hoàn thiện pháp lý dự án, đợi thời điểm thích hợp mới “bung hàng”. Ở chiều ngược lại, tâm lý NĐT cũng trở nên thận trọng hơn khi thị trường vẫn đang bất ổn và áp lực tài chính đè nặng do mặt bằng lãi suất tăng cao. Đối với NĐT có sẵn dòng tiền thì vẫn chờ đợi cơ hội phù hợp để xuống tiền.
“Hiện nay, thị trường BĐS tại phía Nam nói chung, TP.HCM nói riêng vẫn đang có rất nhiều tiềm năng, nhu cầu của các NĐT về tài sản BĐS cũng ngày một tăng lên. Tuy nhiên, bài toán đặt ra là bên cạnh việc tháo gỡ ngay những khó khăn về nguồn vốn, pháp lý dự án thì việc lấy lại niềm tin của các NĐT cũng là một yếu tố rất quan trọng để giúp thị trường BĐS vực dậy trong thời gian tới”.
Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA)
Theo Báo cáo nghiên cứu thị trường BĐS Việt Nam quý 1/2023 của Viện Nghiên cứu Kinh tế – Tài chính – Bất động sản Dat Xanh Services (FERI), tỷ lệ khách hàng giữ tiền chờ thời điểm phù hợp để xuống tiền chiếm đến hơn 88%. Với phân khúc đất nền, dù nhiều chủ đất đã sẵn sàng giảm mạnh giá bán từ 20 – 30%, tư vấn nhiệt tình cho khách hỏi mua, thế nhưng để chốt được giao dịch vẫn hoàn toàn khó khăn.
Báo cáo của Hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARS) cũng chỉ ra, thanh khoản thị trường BĐS quý 1/2023 đã sụt giảm mạnh so với giai đoạn nửa đầu năm 2022 khi tỷ lệ hấp thụ chỉ đạt khoảng 11%. Con số giao dịch này tương đương với hơn 2.700 sản phẩm và giảm hơn 50% so với cùng kỳ 2022. Thị trường vẫn lệch pha cung – cầu và khan hiếm nguồn cung phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ.
Theo nhận định của VARS, thực trạng khó khăn, thách thức trên khiến các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh BĐS, các nhà môi giới và NĐT giữ “tâm thế” nghe ngóng, chờ đợi những tín hiệu tích cực sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 08/2023/NĐ-CP, Nghị quyết 33/NQ-CP…, với kỳ vọng sẽ giúp thị trường BĐS khởi sắc trong giai đoạn hiện nay. Các giải pháp này cũng nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn về cơ chế, pháp lý của dự án, nguồn cung cho thị trường BĐS thời gian tới.
Trong nguy có cơ
Theo các chuyên gia, thị trường BĐS 2023 sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Thế nhưng, bối cảnh nào cũng thế, trong nguy luôn có cơ, trong thách thức luôn có cơ hội. Với những NĐT có tiềm lực tài chính tốt, sở hữu các BĐS đúng xu hướng, am hiểu thị trường thì có đủ cơ hội để tham gia giai đoạn này. Về dài hạn, BĐS vẫn là kênh đầu tư an toàn, lợi nhuận cao, giữ giá trị tài sản tốt nhất.
Các chuyên gia cho rằng, quý 1/2023 được xem là khoảng thời gian gần cuối của quá trình “sàng lọc tự nhiên” đối với thị trường BĐS. Sau thời gian này, thị trường sẽ ghi nhận sự loại bỏ hàng loạt các đối tượng không phù hợp từ doanh nghiệp đến NĐT ra khỏi cuộc chơi. Đây chính là tiền đề cơ sở để thị trường BĐS sau đó sẽ phát triển một cách có chọn lọc, minh bạch hơn, bền vững hơn và chắc chắn hơn.
Để góp phần thúc đẩy thị trường BĐS trên cả nước nói chung, TP.HCM nói riêng phát triển lành mạnh và bền vững, ông Nguyễn Văn Đính – Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam kiến nghị nhiều giải pháp. Với cơ quan quản lý nhà nước, ông Đính kiến nghị các văn bản dưới luật, có tính chất tháo gỡ các điểm nghẽn cho thị trường cần được đẩy mạnh và nhanh hơn trong việc ban hành. Nhà nước cũng cần sớm ban hành, sửa đổi các thông tư, các nghị định liên quan đến chuyển nhượng dự án, tính tiền sử dụng đất, giải phóng mặt bằng, đền bù và quy hoạch nhà ở xã hội.
Dự báo về thị trường BĐS thời gian tới, TS. Cấn Văn Lực – Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính – Tiền tệ Quốc gia, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho rằng, lãi suất thế giới đang có xu hướng giảm, tỷ giá cũng đang giảm mạnh, nên thị trường BĐS cũng sẽ phục hồi. Từ quý 4/2023 trở đi, đà phục hồi sẽ được thể hiện rõ nét hơn, những khó khăn của thị trường trái phiếu, thị trường BĐS sẽ được tháo gỡ nhiều hơn. Ngoài ra, sửa đổi các Luật cũng sẽ được ban hành để phù hợp hơn với thực tiễn, qua đó giải quyết được những khó khăn chung của thị trường.