Doanh nghiệp khiếu nại Công ty Điện lực Gia Lai
Ngày 7.7, đại diện 2 nhà đầu tư điện mặt trời mái nhà tại huyện Krông Pa cho biết, đã gửi đơn thư khiếu nại lên Hội đồng nhân dân tỉnh, Ban Nội chính, Sở Công Thương, Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy Gia Lai về việc bị Công ty Điện lực Gia Lai chấm dứt việc mua điện.
Nhà đầu tư cho rằng, việc đơn phương chấm dứt hợp đồng mua bán điện là hành vi vi phạm, ảnh hưởng đến quyền lợi và gây thiệt hại về kinh tế cho doanh nghiệp. Nhà đầu tư yêu cầu cơ quan có thẩm quyền sớm áp dụng biện pháp ngăn chặn kịp thời, theo quy định pháp luật.
Trước đó, Công ty Điện lực Gia Lai (thuộc Tổng Công ty Điện lực miền Trung) đã gửi đi thông báo về việc tạm dừng tiếp nhận mua điện mặt trời mái nhà của Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Thanh Danh và Công ty TNHH Năng lượng xanh Vạn Phát (có địa chỉ tại huyện Krông Pa).
Theo Công ty Điện lực Gia Lai, việc tạm dừng mua điện kể từ ngày 24.5.2024, với lý do chủ đầu tư chưa khắc phục các tồn tại về công trình xây dựng; chưa tháo dỡ 953 tấm pin trên hệ thống làm tăng quy mô công suất phát.
Bà Nguyễn Thị Mộng Huyền – đại diện theo pháp luật của 2 công ty trên – cho biết rất bức xúc trước quyết định này. Bởi ngành điện không chỉ nợ tiền mua điện của 2 doanh nghiệp kể từ năm 2021 đến nay, với số tiền gần 30 tỉ đồng, mà còn đơn phương tạm dừng mua điện phát lên lưới.
“Công ty Điện lực Gia Lai đưa ra lý do để tạm dừng mua điện rất vô lý, ép doanh nghiệp vào tình cảnh khó khăn, nếu không tuân theo ý chí của họ. Doanh nghiệp chỉ mong tìm lại được công lý từ phán quyết cuối cùng của tòa án tối cao” – bà Nguyễn Thị Mộng Huyền cho biết.
Chưa giải quyết dứt điểm sự việc
Theo bà Huyền, cơ sở bán điện của Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Thanh Danh và Công ty TNHH Năng lượng xanh Vạn Phát là hệ thống điện mặt trời mái nhà của công trình chăn nuôi, trồng trọt, lâm nghiệp… theo Thông tư số 02/2020/TT-BNNPTNT. Chủ trang trại có trách nhiệm tổ chức sản xuất kinh doanh phù hợp với quy hoạch sử dụng đất trên địa bàn.
Do đó, 2 cơ sở bán điện này không thuộc đối tượng phải bắt buộc thực hiện bổ sung hồ sơ, thủ tục an toàn về công trình xây dựng. Trong khi 2 hệ thống điện đã hoàn tất hồ sơ công trình nghiệm thu, ký kết hợp đồng bán điện và đưa vào vận hành trước ngày 26.12.2020.
Công ty Điện lực Gia Lai cũng yêu cầu 2 nhà đầu tư tách đấu nối 953 tấm quang điện ứng với phần công suất không có trong hợp đồng mua bán điện. Theo bà Huyền, yêu cầu này không có căn cứ, việc xác định doanh nghiệp có tự ý lắp đặt vượt công suất hay không đang trong giai đoạn tranh chấp và chờ quyết định của tòa án có thẩm quyền.
Về tranh chấp giữa ngành Điện và chủ đầu tư, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh Gia Lai đã chuyển đơn thư đến Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, giải quyết và trả lời các công ty theo quy định.
Như Báo Lao Động thông tin, vào năm 2023, Tòa án Nhân dân Cấp cao tại Đà Nẵng đưa ra xét xử, nhận định Tổng Công ty Điện lực Miền Trung và Công ty Điện lực Gia Lai không có tài liệu, chứng cứ chứng minh vị trí cũng như thời gian doanh nghiệp lắp đặt các tấm pin.
Ngoài ra, sản lượng điện từ tháng 4.2021 đến 9.2022 có sự tăng, giảm chứ không đơn thuần chỉ tăng. Do đó, ngành điện cho rằng, 2 doanh nghiệp tự ý lắp thêm 953 tấm pin là không có cơ sở.
Thực tế, hơn 3 năm liên tiếp, Công ty Điện lực Gia Lai vẫn tiến hành mua điện phát lên lưới của Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Thanh Danh và Công ty TNHH Năng lượng xanh Vạn Phát sản xuất được, nhưng lại không chịu trả tiền mua điện cho chủ đầu tư, khiến doanh nghiệp trong vòng xoáy nợ nần và lao đao trong vòng tố tụng kéo dài…
Từ tháng 10.2023 đến nay, toàn bộ hồ sơ vụ án hiện đang được Tòa án Nhân dân Tối cao nhận đơn, xử lý theo thẩm quyền và chờ ấn định ngày mở phiên tòa xét xử.
Nguồn: https://laodong.vn/kinh-doanh/chu-dau-tu-dien-mat-troi-o-gia-lai-khieu-nai-vi-bi-tam-dung-mua-ban-dien-1362884.ldo