“Tuyên ngôn độc lập” của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã nêu bật khát vọng về một quốc gia độc lập, nền dân chủ cộng hòa, với chính quyền đại diện cho toàn thể nhân dân.
Vượt lên thân phận thuộc địa
Được công bố trước đồng bảo cả nước vào ngày 2/9/1945, “Tuyên ngôn độc lập” đã khẳng định ý chí của nhân dân Việt Nam: “thoát ly hẳn quan hệ với Pháp, xóa bỏ hết những hiệp ước mà Pháp đã ký về nước Việt Nam, xóa bỏ tất cả mọi đặc quyền của Pháp trên đất nước Việt Nam”.
Không chỉ đoạn tuyệt với chế độ quân chủ phong kiến, Tuyên ngôn độc lập cũng đánh dấu sự thiết lập chế độ “dân chủ cộng hòa” trên lãnh thổ Việt Nam. Chính phủ lâm thời phản ánh mong đợi về một chính quyền đại diện, do nhân dân lập ra, tôn trọng ý chí và nguyện vọng của các lực lượng xã hội, hoạt động vì lợi ích của nhân dân và dân tộc Việt Nam.
Bổn phận then chốt của chính quyền là phụng sự nhân dân
Trước đó 169 năm, ngày 4/7/1776, bản “Tuyên ngôn độc lập” của nước Mỹ cũng đã trở thành ngọn cờ tập hợp sự ủng hộ chính trị, kết nối hành động của đông đảo người dân Mỹ nhằm hiện thực hóa khát vọng thành lập một quốc gia mới, Nhà nước độc lập, chấm dứt mọi liên hệ phụ thuộc về chính trị với đế chế Anh.
Một điểm tương đồng dễ thấy chính là thân phận thuộc địa của Việt Nam và Mỹ khi công bố “Tuyên ngôn độc lập”. Bản chất hủ bại của các lực lượng cai trị khi đó đã trở thành động lực then chốt nhất để nhân dân hai nước tự giác tập hợp dưới ngọn cờ độc lập.
Nếu “Tuyên ngôn độc lập” của Mỹ nêu ra 27 biểu hiện cai trị phi lý mà Vua Anh, thông qua chính quyền thực dân, thực hiện với các vùng đất thuộc địa, thì “Tuyên ngôn độc lập” của Việt Nam cũng chỉ rõ 09 biểu hiện áp bức, bóc lột mà thực dân Pháp đã áp đặt trên lãnh thổ Việt Nam trong gần một thế kỷ, khiến đất nước ta “xác xơ, tiêu điều” cả về kinh tế, chính trị và xã hội.
Điểm tương đồng đáng chú ý thứ hai là cả hai bản “Tuyên ngôn độc lập” đều hướng đến thành lập một Nhà nước mới, thiết lập chế độ dân chủ, cùng hệ thống chính quyền đại diện cho nhân dân.
Nếu nhân dân Mỹ muốn giành độc lập để hướng đến thành lập một Nhà nước riêng, thoát ly khỏi đế chế Anh, đặt nền móng cho sự hình thành một quốc gia-dân tộc mới, thì nhân dân Việt Nam đã tự nguyện tập hợp lại theo lời kêu gọi của Mặt Trận Việt Minh, quyết cùng nhau hành động để giành lại nền độc lập dân tộc vốn có, từ đó tiến đến thành lập một Nhà nước hiện đại và chính quyền dân chủ, bảo vệ sự tồn tại của một quốc gia đã có lịch sử lâu dài trước nguy cơ tồn vong bởi sự ích kỷ, đớn hèn của các thế lực phong kiến, ngoại bang.
Điểm tương đồng đáng chú ý thứ ba giữa hai bản “Tuyên ngôn độc lập” là lời khẳng định mãi vẹn nguyên giá trị: bổn phận then chốt của chính quyền là phải phụng sự nhân dân.
“Tuyên ngôn độc lập” của Việt Nam còn tiến thêm một bước khi chỉ rõ: một chính quyền hành động vì nhân dân, đồng hành cùng dân tộc chắc chắn sẽ được ủng hộ và bảo vệ bởi “Toàn thể dân tộc Việt Nam”, với “tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải”.
Chính quyền nhân dân
“Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc” được đánh giá là lời tuyên bố nổi tiếng và phổ biến bậc nhất trong ngôn ngữ Anh, và cũng được trích dẫn trang trọng, đặt ngay tại những dòng đầu tiên trong bản “Tuyên ngôn độc lập” của Việt Nam.
Hẳn nhiên, để có thể phục vụ và bảo vệ những quyền “bất khả xâm phạm” và lợi ích của nhân dân, của dân tộc thì không thể duy trì chế độ quân chủ phong kiến, hay chính quyền thực dân.
Đây là những hình thức chính quyền lạc hậu bởi, về bản chất chỉ còn tồn tại để phục vụ cho lợi ích của các nhóm thiểu số quyền lực, quay lưng lại với lợi ích của đông đảo nhân dân, cả ở Mỹ và Việt Nam, cho dù hoàn cảnh khác nhau.
Tinh thần ngày độc lập năm xưa vẫn được khẳng định rõ ràng trong văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII
Khát vọng về một chế độ chính trị mới, dân chủ và tiến bộ với chính quyền phụng sự lợi ích của nhân dân và dân tộc cũng được thể hiện qua những lập luận và khẳng định đanh thép trong “Tuyên ngôn độc lập” của Việt Nam: “Khi Nhật hàng Đồng minh thì nhân dân cả nước ta đã nổi dậy giành chính quyền lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa… Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ dân chủ cộng hòa… Lâm thời Chính phủ của nước Việt Nam mới, đại biểu cho toàn dân Việt Nam”.
Bảy mươi tám năm về trước, “Dân chủ”, “Cộng hòa”, “Tự do”, “Độc lập”, “Đại biểu cho toàn dân” là những cụm từ mới mẻ, chuyển tải những giá trị chính trị tiến bộ, đầy cảm hứng, cho nên đã dễ dàng được nhân dân Việt Nam đón nhận và ủng hộ.
Cũng nhờ đó, phong trào cách mạng đã nhanh chóng dâng cao và giành được thắng lợi trên phạm vi cả nước chỉ trong thời gian ngắn. Không khí cách mạng những ngày tháng 8 năm xưa tràn ngập kỳ vọng về một Nhà nước mới, với chính quyền thực sự là “của dân, do dân và vì dân”, hay còn gọi là “chính quyền nhân dân”.
Tinh thần ngày độc lập năm xưa vẫn được khẳng định rõ ràng trong văn kiện Đại hội Đảng cộng sản Việt Nam lần thứ XIII: xây dựng một “hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện, Nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; gắn bó mật thiết với nhân dân”.
Những bài học từ thực tế lịch sử đất nước cũng như quá trình phát triển của các nước đã chỉ ra rằng, xác lập được khát vọng đúng đắn, hợp lòng dân là điều kiện cần thiết và cũng là điểm khởi đầu cho khả năng dân tộc thành công trong tương lai.
Chúng ta đang sống trong một thế giới ngày càng trở nên phức tạp, bất ổn, phụ thuộc lẫn nhau thì càng cần ý thức rằng: chỉ có gắn bó mật thiết với ý chí, lợi ích của nhân dân và dân tộc thì một dạng thức chính quyền, một Nhà nước mới có thể tồn tại và phát triển bền vững.
TS Nguyễn Văn Đáng
Vietnamnet.vn