Nhưng liệu đó có phải là nhiệm vụ bất khả thi trong thời đại ngày nay, khi mà phần lớn các tòa báo còn đang phải vật lộn với sự tồn tại, đang bị bóp nghẹt bởi chính những nền tảng công nghệ đang phát tán thông tin sai lệch?
“Sự thật bị đe dọa bởi thông tin sai lệch”
Phát biểu trước Ngày Tự do Báo chí Thế giới hồi đầu tháng 5/2023, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã đưa ra lời kêu gọi và bày tỏ sự lo lắng cho các nhà báo và truyền thông trên toàn thế giới. “Sự thật bị đe dọa bởi thông tin sai lệch và ngôn từ kích động thù địch, tìm cách làm mờ ranh giới giữa thực tế và hư cấu, giữa khoa học và âm mưu” – ông tuyên bố.
Trong khi đó, Tập đoàn truyền thông AG Sulzberger – đơn vị sở hữu New York Times, cũng từng có một tuyên bố vào giữa năm 2023 rằng: “Internet đã giải phóng một loạt thông tin sai lệch… và vấn nạn “câu view” hiện đang lấn át hệ sinh thái thông tin của chúng ta… đẩy nhanh sự suy giảm niềm tin của xã hội”.
Những phát biểu trên đã làm nổi bật vấn nạn thông tin sai lệch, tin giả… vốn đang là thách thức của báo chí, thậm chí có phần lấn át báo chí chính thống. Điều này cũng không có gì khó hiểu khi mà đa số mọi người, gồm cả những độc giả trung thành của báo chí năm xưa, cũng đang ngày càng xa lánh báo chí truyền thống, để bước vào một thế giới của mạng xã hội: dù thật hấp dẫn, nhưng đầy cám dỗ và tràn ngập thông tin sai lệch.
Chỉ cần phân tích đến đây chúng ta cũng có thể hiểu rằng, báo chí đang phải đối mặt với một cuộc chiến không cân sức với mạng xã hội, nơi hàng triệu “nhà tự truyền thông” có thể viết lên những thông tin tùy ý và hàng tỷ người dùng đang chờ tiêu thụ những nguồn tin đó. Còn những nguồn tin báo chí truyền thống thì đang vật lộn để giữ chân số ít những độc giả còn lại của mình.
Đặc biệt, năm 2023 vừa qua còn là năm mà hiện tượng tin giả, tin sai lệch bùng nổ một cách dữ dội nhờ sự trợ giúp của trí tuệ nhân tạo (AI) và nhờ sự ăn theo hàng loạt sự kiện “nóng” xảy ra trên thế giới.
Ngay sau khi ChatGPT được phát hành và hàng loạt công cụ AI mới được triển khai vào cuối năm 2022 và đầu 2023, thì một loạt thông tin sai lệch đã xuất hiện trên các nền tảng công nghệ và mạng xã hội. Trong số đó, đặc biệt là vấn nạn ảnh giả deepfake, khi nhiều nhân vật nổi tiếng trên thế giới bị kẻ xấu bôi nhọ hay xuyên tạc. Ví dụ, đó là ảnh giả của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump bị cảnh sát lôi đi ngay giữa đường phố, ảnh Tổng thống Nga Vladimir Putin bị bắt giữ hay những hình ảnh giả khác về Giáo hoàng Francis.
Gần như cứ khi có sự kiện lớn trong năm 2023, thì trên các nền tảng truyền thông xã hội lập tức tràn ngập thông tin rác, tin sai lệch, tin giả, độc hại và cả tin kích động bạo lực. Ví như ở sự kiện tàu ngầm Titan bị nổ khi đang trong hành trình khám phá xác tàu đắm lịch sử Titanic, hàng loạt thuyết âm mưu đã xuất hiện về vụ việc này trên TikTok, Facebook, Telegram và đặc biệt YouTube; được đưa ra bởi những “chuyên gia mạng” hay những “nhà báo tại gia” không hề có nguồn tin hay có chút chuyên môn nào về lĩnh vực này.
Ngay cả tại diễn đàn kinh tế Davos 2023, những thuyết âm mưu và thông tin sai lệch cũng tràn ngập trên mạng, khi nói rằng diễn đàn này chỉ thuộc về một nhóm giới tinh hoa thao túng các sự kiện toàn cầu vì lợi ích của họ. “Đây không phải là một thuyết âm mưu của thế giới ngầm nữa… Chúng tôi đang thấy nó xuất hiện trên các nền tảng truyền thông xã hội được chia sẻ bởi ngay cả những người bình thường” – Alex Friedfeld, một nhà nghiên cứu của Liên đoàn Chống phỉ báng, cho biết.
Tiếp đến, ở thảm họa cháy rừng Hawaii, hàng loạt thông tin sai lệch đến mức ấu trĩ và ngớ ngẩn cũng đã xuất hiện khi một số tài khoản nổi tiếng trên các MXH nói rằng sự việc này là do các tia laser khổng lồ gây ra. Vậy mà các bài đăng như vậy vẫn thu hút được lượng lớn người xem và bình luận. Đặc biệt, cuộc xung đột Israel – Hamas, lượng thông tin sai lệch xuất hiện một cách tràn lan, với những hình ảnh giả do AI tạo ra, những bài viết kích động bạo lực hoặc tâm lý thù hận sắc tộc từ các bên.
Tất nhiên còn vô số những thông tin sai lệch, tin giả khác mà người dùng có thể nhìn thấy hằng ngày khi truy cập vào các nền tảng mạng xã hội. Đơn giản, càng những tin gây sốc, nhảm nhí và thậm chí cực đoan, thì càng thu hút được người xem, qua đó sẽ mang lại lợi ích cho những kẻ đứng đằng sau đó.
Báo chí không thể đầu hàng
Vậy báo chí có thái độ gì trước vấn nạn thông tin sai lệch, tin giả và độc hại nói trên? Với nhiệm vụ cốt lõi là đưa sự thật đến công chúng, hiển nhiên báo chí cần phải chống lại vấn nạn này. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại, đó dường như là một cuộc chiến không cân sức? Như đã nói, mọi người đang đổ xô đến các nền tảng công nghệ và mạng xã hội, ngày càng lánh xa tin tức truyền thống. Đáng ngại hơn, thông tin sai lệch còn vừa như “hổ mọc thêm cánh” sau sự trỗi dậy của trí tuệ nhân tạo.
Gordon Crovitz, chuyên gia CEO của NewsGuard – một công ty theo dõi thông tin sai lệch trực tuyến, cho biết trong một bình luận về ChatGPT, mô hình tiên phong trong kỷ nguyên AI: “Đây sẽ trở thành công cụ phát tán thông tin sai lệch mạnh mẽ nhất từng có trên Internet… Việc tạo ra thông tin sai lệch có thể được thực hiện ở quy mô lớn và thường xuyên hơn nhiều nhờ sử dụng AI”.
Ngoài ra, trí tuệ nhân tạo cũng đang được sử dụng để tạo ra các phần mềm độc hại, soạn thảo email lừa đảo có tính thuyết phục và phát tán thông tin sai lệch trực tuyến. Giám đốc Trung tâm An ninh mạng Canada, Sami Khoury, từng nói vào hồi tháng 7 năm nay rằng cơ quan của ông đã chứng kiến việc AI được sử dụng “để viết email lừa đảo, tạo mã độc và lan truyền tin giả, tin sai lệch”.
Cuộc chiến của báo chí với thông tin sai lệch, tin giả, tin độc hại… càng khó khăn hơn, khi mà chính các mạng xã hội, nơi đang phát tán thông tin sai lệch, còn đang bóp nghẹt sự tồn tại của báo chí, lấy đi công việc và cả nguồn thu nhập của các nhà báo. Vậy báo chí làm sao có sức lực để thực hiện nhiệm vụ “làm trong sạch” những nền tảng này?
Nhưng nếu không bước vào cuộc chiến không cân sức đó và chấp nhận đầu hàng trước sự đàn áp của nạn tin tức sai lệch, độc hại…, báo chí xem như cũng đã đánh mất giá trị cốt lõi của mình. Đó là đưa thông tin chính xác, đưa sự thật đến công chúng… Báo chí sẽ phải hy sinh trong cuộc chiến này chăng?
Không, báo chí vẫn còn nhiều hy vọng ở phía trước. Báo chí nói chung trên thế giới sẽ phải đấu tranh mạnh mẽ hơn nhằm buộc các gã khổng lồ công nghệ phải chịu trách nhiệm cho những thông tin sai lệch trên nền tảng của họ, phải ngừng đánh cắp công sức và chất xám của báo chí.
Cuối cùng và quan trọng nhất, báo chí phải tự thay đổi để phù hợp với xu thế thời đại và giành lại những độc giả đã mất của mình. Liệu báo chí có thể tái hiện lại cuộc chiến giữa “chàng David và gã khổng lồ Goliath”? Hãy chờ xem!
Hoàng Anh