Đúng như dự đoán, hiện tượng El Nino đã đang làm gia tăng một cách đáng quan ngại hiện tượng ô nhiễm khói bụi mà báo chí quốc tế đang gọi với cụm từ “cuộc khủng hoảng khói mù – haze crisis” tại nhiều quốc gia, trong đó Đông Nam Á là một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Sẽ không quá lời khi nói, chống ô nhiễm khói mù đang là cuộc chiến mới không hề dễ dàng mà các nước Đông Nam Á đang phải đối mặt.
Nguy cơ về một cuộc khủng hoảng khói mù toàn diện
Hôm 29/9, Trung tâm Khí tượng Chuyên ngành của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) – ASMC – đã kích hoạt Cảnh báo Cấp độ 2 cho khu vực phía Nam ASEAN. Chỉ còn một cấp nữa là có thể trở thành cuộc khủng hoảng khói mù toàn diện.
Malaysia có lẽ đang là một trong những quốc gia đang phải hứng chịu những hệ quả tồi tệ nhất từ cuộc khủng hoảng này. Theo thông tin vừa được Cục Môi trường Malaysia đưa ra hôm 2/10 vừa qua, tình trạng ô nhiễm không khí của Malaysia đang xấu đi, đặc biệt ở phía Tây Bán đảo Malaysia, với 11 khu vực ghi nhận chỉ số ô nhiễm không khí (API) ở mức có hại cho sức khỏe.
“Chất lượng không khí tổng thể trên cả nước thể hiện sự xuống cấp. Cháy rừng ở phía nam Sumatra, phía trung và nam Kalimantan ở Indonesia đã gây ra khói mù xuyên biên giới” – Cục trưởng Cục Môi trường Malaysia Wan Abdul Latiff Wan Jaffarcho biết trong một thông cáo. Các trường học và nhà trẻ phải dừng mọi hoạt động ngoài trời khi chỉ số API lên mức 100 và đóng cửa khi chỉ số API lên mức 200.
Trước đó, ngày 30/9, Hãng AFP 9 dẫn lời một quan chức hàng đầu ngành môi trường tại Malaysia nói rằng hàng trăm vụ cháy rừng ở Indonesia gây khói mù tại các khu vực ở Malaysia, làm chất lượng không khí trở nên xấu hơn. Mặc dù vậy, phía Indonesia đã phản bác lại báo cáo trên.
Tại Indonesia, tình trạng cũng không kém phần tồi tệ. Ngày 27/8/2023, chính quyền thủ đô Jakarta của Indonesia cho biết đã áp dụng công nghệ phun sương mù từ nóc các tòa nhà cao tầng để ngăn chặn bụi mịn, tác nhân chính gây ra tình trạng ô nhiễm tại thành phố này trong thời gian qua.
Đầu tháng 8, thủ đô Jakarta xếp đầu danh sách thành phố ô nhiễm nhất thế giới theo xếp hạng của công ty giám sát chất lượng không khí IQAir của Thuỵ Sỹ. Cụ thể, Jakarta và các vùng lân cận đã thường xuyên ghi nhận mức độ ô nhiễm bụi mịn PM2.5 cao gấp nhiều lần mức khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), vượt xa các thành phố ô nhiễm nghiêm trọng khác như Riyadh (Saudi Arabia), Doha (Qatar) và Lahore (Pakistan).
Tại Thái Lan, tình hình ô nhiễm khói bụi cũng tồi tệ không kém. Theo nền tảng giám sát không khí toàn cầu IQAir, hồi tháng 4/2023, nồng độ bụi mịn PM 2.5 (hạt bụi nhỏ đến mức có thể vào máu) tại Chiang Mai cao hơn 30 lần so với hướng dẫn thường niên của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). IQAir xếp Chiang Mai là một trong những nơi ô nhiễm nhất thế giới, vượt các “điểm nóng” thường xuyên như Lahore và Delhi.
Hồi tháng 3/2013, nhiều trường học tại Lào đã phải đóng cửa do nồng độ bụi mịn PM2.5 tăng cao chưa từng thấy. Giới chức tại các tỉnh Bokeo và Xayaboury (Bắc Lào) đã cho tất cả các lớp học mẫu giáo trên địa bàn của hai tỉnh tạm thời nghỉ học do nồng độ bụi mịn trong không khí quá cao. Bộ Tài nguyên và Môi trường Lào đã cảnh báo người dân trên cả nước về tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng.
Hệ lụy khôn lường từ những hạt bụi mịn
Các hạt bụi mịn có kích thước siêu vi được biết đến nhiều nhất là: PM10 – Các hạt bụi có kích thước đường kính từ 2.5 tới 10 µm (µm là viết tắt của micromet, kích thước bằng một phần triệu mét) và PM2.5 là các hạt bụi có kích thước đường kính nhỏ hơn hoặc bằng 2,5 µm. Các hạt bụi mịn PM2.5 và PM10 được sản sinh ra từ nhiều nguyên nhân khác nhau như đa phần được tạo ra từ các hoạt động của con người qua việc đốt than củi, đốt nhiên liệu hóa thạch, bụi từ các công trình xây dựng, bụi đường phố, đốt rác thải, khói máy công nghiệp, phá rừng, hút thuốc…
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cơ thể con người chỉ có cơ chế tự bảo vệ với bụi hạt có kích cỡ lớn hơn 10 micromet, tuy nhiên với các kích cỡ bụi từ 0,01 đến 5 micromet sẽ bị giữ lại trong khí quản và phế nang. Bụi mịn PM2.5 (có đường kính nhỏ hơn 2,5 micromet) là chất gây ô nhiễm nguy hiểm nhất đối với sức khỏe con người. Đơn cử như tại Thái Lan, theo số liệu của Bộ Y tế nước này, từ đầu năm 2023 đến nay đã có gần 2 triệu người ở nước này phải nhập viện điều trị các vấn đề về hô hấp do ô nhiễm không khí. Chuyên gia tim mạch ở Chiang Mai, ông Rungsrit Kanjanavanit cho rằng nồng độ PM 2.5 tăng 10 micrograms/mil sẽ làm giảm tuổi thọ 1 năm.
Một nghiên cứu khác của WHO và Cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế IARC đã cho thấy, nếu mật độ PM10 trong không khí tăng lên 10 µg/m3 thì tỷ lệ ung thư tăng 22%, và mật độ PM2.5 tăng thêm 10 µg/m3 thì tỷ lệ ung thư phổi tăng đến 36%. Vì thế nói bụi mịn là “kẻ thù giấu mặt đặc biệt nguy hiểm” của sức khoẻ con người là vì vậy.
Không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe, ô nhiễm bụi mịn tác động không nhỏ đến kinh tế – xã hội. Theo tổ chức hoạt động vì môi trường Greenpeace khu vực Đông Nam Á cho biết, ô nhiễm không khí đã cướp đi sinh mạng của khoảng 160.000 người và gây thiệt hại kinh tế tổng cộng khoảng 85 tỷ USD tại 5 thành phố đông dân nhất thế giới trong năm 2020.
Hợp tác chống ô nhiễm khói mù: Điều không thể khác
Theo nhiều chuyên gia, cuộc chiến với ô nhiễm khói mù là cuộc chiến nan giải mà không một quốc gia đơn nhất nào có thể làm được. Thực tế, đó có lẽ cũng là lý do khiến các nước Đông Nam Á đã, đang chủ trương hợp tác chống ô nhiễm khói mù.
Theo đó, hồi đầu tháng 8 vừa qua, ngày 4/8, Ban Thư ký ASEAN đã tổ chức một hội thảo trực tuyến về tăng cường nỗ lực phối hợp và chuẩn bị ứng phó với tình trạng ô nhiễm khói mù xuyên biên giới. Tại hội thảo, các đại biểu nhấn mạnh tầm quan trọng của phối hợp liên ngành thông qua việc ưu tiên các giải pháp khu vực, trong đó tập trung vào các chiến lược và ưu tiên y tế, phòng ngừa và kiểm soát các bệnh truyền nhiễm như dịch COVID-19.
Hội thảo tái khẳng định ASEAN đã nỗ lực đảm bảo một khu vực không có khói mù theo Thỏa thuận chống ô nhiễm khói mù xuyên biên giới của ASEAN; nâng cao nhận thức và sẵn sàng ứng phó với các vụ ô nhiễm khói mù xuyên biên giới trong các ngành và lĩnh vực; giải quyết các tác động của đại dịch COVID-19 đối với việc quản lý các vụ cháy rừng và ô nhiễm khói mù, cũng như nguy cơ tiềm ẩn từ áp lực hậu đại dịch đối với các hệ sinh thái đất than bùn.
Trước đó, tại cuộc họp lần thứ 24 của Ban chỉ đạo cấp bộ trưởng Tiểu vùng Mekong về phòng chống ô nhiễm khói mù xuyên biên giới (MSC 24) được tổ chức tại Singapore hồi tháng 6/2023, các nước MSC cam kết luôn cảnh giác, tăng cường các nỗ lực giám sát hỏa hoạn và ngăn ngừa khói mù để giảm thiểu sự xuất hiện của các đám khói mù xuyên biên giới trong thời kỳ khô hạn hơn.
Các nước MSC cũng tái khẳng định sẵn sàng cung cấp hỗ trợ, như triển khai các nguồn lực kỹ thuật chữa cháy trong tình huống ứng phó khẩn cấp, cũng như tăng cường phối hợp để giảm thiểu cháy rừng và đất than bùn.
Các nước tái khẳng định cam kết hướng tới việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả AATHP và mong muốn hoàn tất Lộ trình mới về hợp tác ASEAN hướng tới kiểm soát ô nhiễm khói mù xuyên biên giới giai đoạn 2023-2030 và Chiến lược mới quản lý đất than bùn của ASEAN (APMS) giai đoạn 2023-2030 để giải quyết toàn diện các nguyên nhân gốc rễ của ô nhiễm khói mù xuyên biên giới và thúc đẩy phát triển bền vững trong khu vực.
Các nước cũng cùng chung mong muốn hoàn tất Khung đầu tư quản lý đất đai bền vững và xóa bỏ khói mù ở Đông Nam Á để ưu tiên các hành động giảm khói mù và tạo điều kiện thu hút tài trợ cũng như khai thác tiềm năng phát triển các chương trình và dự án chung giữa các nước ASEAN và các bên liên quan khác; hoàn tất Thỏa thuận thành lập Trung tâm điều phối ASEAN về kiểm soát ô nhiễm khói mù xuyên biên giới (ACC THPC) tại Indonesia, cũng như tiếp tục hợp tác với các đối tác trong và ngoài khu vực để tạo điều kiện phòng ngừa, giám sát, chuẩn bị sẵn sàng và ứng phó tốt hơn với các vụ cháy rừng và đất than bùn thông qua khuôn khổ hợp tác cấp địa phương, quốc gia và khu vực.
Hà Anh