Sau bão số 3, mặc dù các lực lượng chức năng liên quan, cùng chính quyền các địa phương tăng cường công tác phòng, chống cháy rừng, tuyên truyền, thông tin đến người dân về những nguy cơ xảy ra cháy, nhưng Quảng Ninh vẫn xảy ra hàng chục vụ cháy rừng gây thiệt hại nhiều hecta rừng. Như mới đây, tại huyện Bình Liêu đã liên tiếp xảy ra 3 vụ cháy rừng tại Khoảnh 6, tiểu khu 290, khu Pắc Liêng, thị trấn Bình Liêu; Tiểu khu 284 Khe Ngày, thôn Nà Cắp, xã Vô Ngại và Tiểu khu 285 giáp ranh giữa thôn Nà Nhái và thôn Bản Ngày, xã Vô Ngại, với diện tích cháy hàng chục hecta. Nguyên nhân bước đầu được xác định do người dân xử lý thực bì để chuẩn bị trồng vụ mới, trong quá trình thực hiện xảy ra dông lốc, cuốn tàn lửa gây cháy lan.
Tiếp đó, tại TP Hạ Long xảy ra cháy tại khu vực rừng sản xuất ở Lô 4, Khoảnh 1, Tiểu khu 96B, phường Đại Yên; tại TP Uông Bí cũng xảy ra cháy rừng tại phường Phương Đông giáp ranh với phường Thanh Sơn. Các địa phương đã huy động cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang phối hợp với lực lượng kiểm lâm, công an, dân quân, an ninh cơ sở và nhân dân trong khu vực dập tắt hoàn toàn các vụ cháy rừng.
Trước diễn biến thời tiết ngày càng khắc nghiệt, nắng nóng, ít mưa, trong khi tại các cánh rừng cành, lá cây khô còn lại rất nhiều, dẫn đến nguy cơ cháy rừng rất cao, nhất là đối với các diện tích bị thiệt hại gãy đổ sau cơn bão số 3. Trước thực trạng này, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà có Công điện số 36/CĐ-TTg yêu cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn; Chỉ đạo chính quyền cơ sở và các lực lượng chức năng thực hiện nghiêm trách nhiệm về phòng cháy, chữa cháy rừng; Tăng cường đôn đốc, kiểm tra, giám sát công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, trong đó phương châm là lấy phòng ngừa là chính, chữa cháy phải được thực hiện từ sớm, từ cơ sở; Kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng lửa trong rừng và gần rừng của người dân, nhất là các hoạt động đốt xử lý thực bì, kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi sử dụng lửa có nguy cơ gây cháy rừng cao, đặc biệt trong những thời điểm thời tiết hanh khô, nắng nóng kéo dài; Rà soát cập nhật và hoàn thiện phương án phòng, cháy chữa cháy rừng tại địa phương theo phương châm “bốn tại chỗ”, chủ động bố trí lực lượng, phương tiện, vật tư, kinh phí bảo đảm phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; Chủ động chỉ đạo cơ quan chức năng điều tra, xác định rõ nguyên nhân khi xảy ra cháy rừng, xử lý nghiêm các đối tượng cố tình vi phạm quy định pháp luật về phòng cháy, chữa cháy rừng; Xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức nếu thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo để xảy ra cháy rừng; Tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng...
Trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, hiện có khoảng 112.000 hecta có nguy cơ cháy cao, chủ yếu là rừng trồng các loại cây dễ bắt lửa như thông, keo, bạch đàn, tre, nứa, trong đó phần lớn là rừng có cây gãy đổ sau cơn bão số 3. Để chủ động trong công tác phòng, chống cháy rừng, Tỉnh uỷ Quảng Ninh vừa ban hành Công văn số 2644 - CV/TU yêu cầu người đứng đầu, các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, thủ trưởng các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan, bí thư cấp ủy, chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã và chủ rừng chịu trách nhiệm trong công tác tổ chức triển khai thực hiện các nội dung công việc liên quan đến phòng cháy, chữa cháy rừng; Tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, nhất là tại các khu vực rừng đã bị gãy đổ sau cơn bão số 3, khu vực có mật độ rừng cao trong thời điểm nắng nóng gay gắt kéo dài, nguy cơ cháy cao; chủ động bố trí phương tiện, vật tư, kinh phí để thực hiện tốt công tác phòng cháy, chữa cháy rừng theo phương châm tích cực, chủ động từ xa, từ sớm, “3 trước, 4 tại chỗ”; Sẵn sàng, chủ động, kiên quyết di dời người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm khi cần thiết, “tuyệt đối không để xảy ra thiệt hại về người” và giảm thiểu tối đa thiệt hại về rừng; Điều tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các vụ cháy rừng, cố ý hủy hoại rừng… Đặc biệt là tuyên truyền đến người dân sống gần rừng, chủ rừng, công ty lâm nghiệp nâng cao hơn nữa ý thức trách nhiệm trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, không đốt xử lý thực bì dẫn đến mất kiểm soát xảy ra cháy rừng. Cùng với đó, nỗ lực hơn nữa trong việc trồng mới rừng phòng hộ, rừng sản xuất, qua đó sớm khôi phục lĩnh vực lâm nghiệp sau bão số 3.
Mùa nắng nóng đang đến gần, dự báo năm nay sẽ ít mưa, dẫn đến nguy cơ cháy rừng xảy ra là rất cao. Do đó, cùng với sự vào cuộc của lực lượng chức năng cùng chính quyền địa phương các cấp, thì ý thức trách nhiệm của mỗi người dân, chủ rừng, đơn vị lâm nghiệp trong bảo vệ, phòng, chống cháy rừng là rất quan trọng.
Nguồn: https://baoquangninh.vn/chong-chay-rung-3353833.html
Bình luận (0)