Tương lai của mỗi người sẽ phải đi trên chính con đường mà mình đã chọn, chứ không thể ai khác chọn cho mình.
(Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)
Cuộc sống muôn màu sẽ cho chúng ta nhiều lối đi, ngã rẽ, quan trọng là thái độ nhập cuộc và sự khát khao của từng người như thế nào mà thôi. Theo kế hoạch, chỉ còn đúng một tuần nữa những cô cậu học sinh lớp 12 sẽ bước vào “trận đánh” lớn nhất đời học sinh đó là thi tốt nghiệp THPT và lấy kết quả để xét tuyển đại học.
Sau cuộc thi này sẽ mở ra những hướng đi, ngã đường mới với mỗi người. Sẽ có những người tiếp tục học đại học, có những người sẽ chọn cho mình một ngành nghề, việc làm phù hợp sau khi tốt nghiệp. Quyền quyết định thuộc về mỗi cá nhân bởi ai cũng có ước mơ, hoài bão và lý tưởng sống, khát vọng cống hiến của riêng mình. Đường đi có thể khác nhau, nhưng đích đến là cơ bản giống nhau, đó là ai cũng mong có một việc làm phù hợp với thu nhập đảm bảo.
Dù rằng rất nhiều học sinh và phụ huynh học sinh vẫn quan niệm rằng vào đại học mới là con đường lập thân, lập nghiệp đúng đắn nhất, thì lại có những học sinh lại chọn cho mình hướng đi khác bằng việc học nghề hoặc có thể bắt tay vào sản xuất, kinh doanh ngay sau khi rời ghế nhà trường. Hãy nhìn vào con số học sinh đăng ký tại kỳ thi này để thấy xu hướng tiếp cận của học sinh: Trong số 1.024.063 thí sinh đăng ký dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 trong cả nước, thì có tới 47.769 học sinh chỉ dùng kết quả để xét tốt nghiệp, không đăng ký xét tuyển đại học. Dĩ nhiên có học sinh học lực yếu không tự tin vào khả năng có thể học đại học của mình, có học sinh gia cảnh khó khăn, nhưng cũng đừng nên cho rằng đó là tất cả. Không phải những học sinh không đăng ký xét tuyển đại học đều học yếu cả, mà là các em đã xác định cho mình một tương lai khác, không nhất thiết thông qua con đường đại học. Phải xem đó là một tín hiệu tích cực, khi chúng ta sẽ có ngay một nguồn cung cấp khá lớn để bổ sung cho các trường nghề, cũng như nguồn nhân lực phục vụ các nhiệm vụ lao động cần thiết trước mắt. Không học đại học bằng mọi giá của những học sinh này cũng giúp không tạo ra thêm sự mất cân bằng xã hội, đồng thời cũng tiết kiệm được nguồn lực vật chất cho nhiều gia đình.
Với nhiều học sinh chọn con đường học tiếp lên cao cũng rất cần phải có sự tính toán hợp lý trên cơ sở năng lực bản thân, khả năng tiếp cận và sở trường. Không nên đặt ra yêu cầu bằng mọi giá phải vào được các ngành học đang được xem là xu thế ở thời điểm hiện tại. Ngành học nào cũng có lúc thịnh, lúc suy. Đừng nên cho rằng được tuyển vào ngành học, trường học tốp trên là sẽ có cuộc sống tốt hơn sau khi ra trường. Điều đó chỉ đúng một phần, còn lại phụ thuộc vào tâm thế nhập cuộc, thái độ học tập và khả năng thích ứng sau khi tốt nghiệp. Tương tự, không phải bất kỳ ai lựa chọn học nghề hay những ngành học được cho là tốp dưới thì thu nhập sẽ thấp, công việc vất vả hoặc cơ hội việc làm thấp. Bởi tâm lý ấy mà gần đây một số ngành học ở tốp đầu luôn có sự chen chúc, cạnh tranh quyết liệt, trong khi nhiều ngành học, trường đại học rất chật vật trong tuyển sinh.
Sau khi có điểm thi tốt nghiệp THPT là thời điểm quyết định để các thí sinh chọn tương lai ngành học bằng việc đăng ký xét tuyển vào ngành nào, trường nào. Đây được xem như cánh cửa đầu tiên cần mở để các em bước tới tương lai. Lựa chọn đúng sẽ giúp các em có động lực trong học tập và sẽ là chất xúc tác để bồi đắp thêm ý chí, quyết tâm đi trên con đường mình đã chọn. Nên nhớ rằng, sự lựa chọn phải dựa trên nhiều yếu tố, quan trọng nhất là phải biết được mình muốn gì, sẽ làm gì, có đủ đam mê và quyết tâm thực hiện hay không, chứ đừng vào đại học bằng cách chọn đại theo xu thế đám đông, đánh cược tương lai của mình vào sự may rủi. Tương lai của mỗi người sẽ phải đi trên chính con đường mà mình đã chọn, chứ không thể ai khác chọn cho mình. Có câu nói rất hay rằng: “Nếu bạn không tự xây ước mơ của mình, thì người khác sẽ thuê bạn xây ước mơ của họ”. Kỳ thi tốt nghiệp THPT rất quan trọng, và sự sáng suốt lựa chọn ngành học, đường đi sau kỳ thi này còn quan trọng hơn rất nhiều với mỗi học sinh.
Tuệ Minh