Cần coi trọng công tác quản lý
Cùng với quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, kéo theo nhu cầu về xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội ngày càng lớn. Hàng năm, tổng đầu tư xây dựng toàn xã hội chiếm khoảng 30% GDP. Nhìn tổng thể chất lượng các công trình xây dựng không ngừng được nâng cao.
Các công trình được hoàn thành đã phát huy hiệu quả khi đưa vào khai thác sử dụng, tạo diện mạo mới cho đất nước và là thành quả tự hào của công cuộc đổi mới đất nước. Tuy nhiên vẫn còn những công trình chất lượng kém không đủ điều kiện nghiệm thu hay đang thi công hoặc vừa đưa vào khai thác đã bị sự cố, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.
Có thể khẳng định rằng, chất lượng công trình có sự quan hệ trực tiếp tới quốc kế dân sinh, đến sự phát triển nhanh, lành mạnh và bền vững nền kinh tế đất nước, đến sự an toàn sinh mạng và tài sản của người dân. Xuất phát từ quy luật khách quan của nền kinh tế thị trường, để đảm bảo chất lượng công trình xây dựng và an toàn cộng đồng, bảo vệ sinh mạng và tài sản, đảm bảo sự phát triển bền vững đất nước… Vì vậy năng lực giám sát, quản lý đối với hoạt động đầu tư xây dựng chiếm vị trí quan trọng hàng đầu.
Theo chuyên gia về quy hoạch đô thị, thạc sĩ, KTS Trần Tuấn Anh, trong giai đoạn hiện nay ngành Xây dựng có rất nhiều tiềm năng phát triển, đầu tiên đó là tốc độ đô thị hóa nhanh chóng khiến nhu cầu về nhà ở và cơ sở hạ tầng (nhà ở, trung tâm thương mại, giao thông, khu công nghiệp, khu du lịch, đô thị vệ tinh…) tăng nhanh, cùng với đó là nhu cầu cải tạo, nâng cấp hệ thống hạ tầng đang sử dụng. Trong khi đó, với xu thế xây dựng xanh và phát triển bền vững, lại mang đến cơ hội cho ngành Xây dựng cơ hội để áp dụng, phát triển công nghệ với nhiều phương pháp mới, thân thiện với môi trường.
Tuy nhiên, hoạt động xây dựng đang phải đối mặt với nhiều thách thức: suy thoái kinh tế ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng của ngành; thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ công tác thi công và quản lý dẫn đến tình trạng chất lượng công trình không đảm bảo, hoạt động cấp phép, quy hoạch xây dựng còn nhiều khâu yếu kém; vướng mắc, bất cập trong hệ thống quy định pháp lý làm chậm trễ và tăng chi phí đầu tư; đồng thời năng lực đáp ứng của hệ thống hạ tầng trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội cũng gây ra thách thức cho ngành xây dựng.
“Vấn đề quan trọng nhất hiện này là cần sớm hoàn thiện hệ thống chính sách để tạo điều kiện và phát huy tối đa năng lực của ngành xây dựng, đóng góp nhiều hơn nữa cho quá trình phát triển kinh tế – xã hội; Nhà nước cần tập trung đầu tư nghiên cứu công nghệ để ứng dụng cho công tác triển khai và quản lý của ngành xây dựng; tập trung vào công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm nâng cao hiệu suất công việc, chất lượng công trình và công tác quản lý Nhà nước. Đồng thời cần siết chặt hơn nữa chế tài xử lý vi phạm trong hoạt động xây dựng đối với cả cá nhân, tổ chức và cán bộ thực thi công vụ” – ông Trần Tuấn Anh nói.
Linh động áp dụng các giải pháp
Hiện nay, rất nhiều quốc gia trên thế giới có hệ thống quản lý hoạt động xây dựng rất chặt chẽ, góp phần quan trọng vào việc đảm bảo chất lượng công trình cũng như ngăn chặn được hành vi vi phạm về xây dựng. Đơn cử, tại Trung Quốc đã xây dựng được hệ thống quản lý chất lượng công trình trong hoạt động xây dựng từ những năm 1980; nhà nước ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn về thiết kế, thi công, cấp chứng nhận chất lượng đối với đơn vị hoạt động xây dựng và yêu cầu tất cả các công trình phải tuân thủ theo, công trình chỉ được sử dụng sau khi đã hoàn tất các quy trình nghiệm thu; người phụ trách đơn vị giám sát không được kiêm nhiệm làm việc ở cơ quan nhà nước.
Tương tự, tại Singapore việc triển khai các dự án xây dựng phải đáp ứng các yêu cầu về quy hoạch xây dựng, an toàn, phòng, chống cháy nổ, giao thông, môi trường thì mới được cơ quan quản lý về xây dựng phê duyệt. Trong đó, người giám sát hoạt động độc lập mà không làm việc trong cơ quan, tổ chức nào, họ làm việc dựa vào danh dự, uy tín và kinh nghiệm.
Hay như tại Nhật Bản, đã xây dựng một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật quy định chặt chẽ công tác quản lý hoạt động đầu tư xây dựng, với hàng loạt các bộ luật, nhưng có sự đồng bộ, thống nhất chặt chẽ với nhau, như Luật Thúc đẩy đấu thầu và hợp đồng hợp thức đối với công trình công chính, Luật Tài chính công, Luật Thúc đẩy công tác đảm bảo chất lượng công trình công chính… Các tiêu chuẩn kỹ thuật dùng cho kiểm tra sẽ do các Cục phát triển vùng biên soạn, còn nội dung kiểm tra trong công tác giám sát do cán bộ nhà nước trực tiếp thực hiện.
Theo thạc sĩ Ninh Viết Định – Trọng tài viên Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), bên cạnh những kết quả đã đạt được trong thời gian vừa qua về công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động đầu tư xây dựng, thì vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, gây ra thất thoát, lãng phí nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước. Nhiều văn bản quy phạm pháp luật chồng chéo, mâu thuẫn nhau, nội dung mang tính cục bộ; không có hệ thống hướng dẫn nghiệp vụ, trong khi hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia lại thiếu thống nhất, khoa học…
Đầu tư xây dựng là động lực quan trọng của sự phát triển kinh tế – xã hội và công tác quản lý Nhà nước về hoạt động xây dựng là để thực hiện một việc một cách hiệu quả nhất với những nguồn lực hiện có trong thời gian ngắn nhất, nhằm kích thích hoạt động sản xuất phát triển, giảm tình trạng thất nghiệp và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Vì vậy, với vai trò định hướng thị trường, Nhà nước cần phải phát huy năng lực của các chủ thể tham gia theo hướng lành mạnh, minh bạch, công bằng… tạo dựng môi trường thuận lợi để hoạt động đầu tư xây dựng tuân thủ pháp luật một cách nghiêm túc.
Chủ tịch Câu lạc bộ BĐS Hà Nội, Nguyễn Thế Điệp
“Hiện nay Việt Nam đang trong tiến hình hội nhập sâu rộng với quốc tế, do đó việc đảm bảo tuân thủ với thông lệ quốc tế trong giai đoạn hiện nay là quan trọng, vì vậy việc tham khảo những kinh nghiệm quốc tế để áp dụng và rút ra bài học kinh nghiệm là điều cần thiết. Tuy nhiên, chất lượng “bản địa hóa” các tài liệu và mô hình quản lý quốc tế vẫn còn thấp, vì vậy chúng ta cần phải linh động hơn trong việc áp dụng các giải pháp và kinh nghiệm quốc tế trong công tác quản lý hoạt động đầu tư xây dựng” – thạc sĩ Ninh Viết Định cho hay.
Liên quan đến giải pháp khắc phục tình trạng vi phạm trong hoạt động xây dựng, chuyên gia về quy hoạch đô thị, ông Trần Tuấn Anh cho rằng, Nhà nước cần xem xét và đẩy mạnh hơn nữa quá trình phân cấp, phân quyền cho các địa phương xuống đến cấp xã (theo mô hình Đội quản lý TTXD đô thị tại Hà Nội); song song với việc hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến xử lý hành chính về sai phạm trong xây dựng…
“Nhà nước cần nghiên cứu, bổ sung và hướng dẫn cụ thể những tiêu chuẩn, quy chuẩn trong hoạt động xây dựng; khắc phục tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn và không thống nhất giữa các văn bản quy phạm pháp luật; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật liên quan đến xây dựng. Đồng thời cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa các cơ quan thực thi pháp luật trong công tác quản lý Nhà nước về xây dựng; nhưng quan trọng nhất là việc ngăn chặn tiêu cực, bằng những chế tài nghiêm khắc hơn để loại bỏ cơ chế “xin – cho”, dẫn tới những sai phạm” – ông Trần Tuấn Anh nói.
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/bai-5-chon-mot-giai-phap-tot-nhat.html