Thị trường bất động sản đang hồi phục, giá vàng cao ngất ngưởng, lãi suất tiền gửi tăng nhẹ… Các kênh đầu tư này có thể thu hút thêm dòng vốn từ nhà đầu tư, song chứng khoán mới là kênh được đánh giá là có nhiều triển vọng khi lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết hồi phục.
Chứng khoán là kênh đầu tư được đánh giá là có nhiều triển vọng nhất hiện nay. Ảnh Đức Thanh |
Tiền nhàn rỗi tìm lối ra
Lãi suất huy động của hầu hết ngân hàng đang tăng trở lại, thậm chí có nơi tăng tới gần 1%/năm so với trước đó. Tính đến đầu tháng 6/2024, mức cao nhất đã tới trên 6%/năm, chủ yếu dành cho kỳ hạn dài, tập trung ở khối ngân hàng tư nhân nhỏ.
TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia nhận định, nguyên nhân khiến lãi suất tăng đến từ 3 yếu tố là lạm phát, tỷ giá, giá vàng. Song mức tăng lãi suất huy động 2 tháng qua chỉ ở mức độ vừa phải, tạo cảm giác cho người gửi tiết kiệm đỡ thiệt thòi, không hàm ý đảo chiều chính sách tiền tệ.
Theo ông Nghĩa, việc giữ mặt bằng lãi suất thấp nhằm ổn định để phục hồi nền kinh tế ở thời điểm hiện tại rất quan trọng. Vì thế, lãi suất cho vay sẽ vẫn tiếp tục ở mức thấp và lãi suất tiết kiệm sẽ điều chỉnh tăng nhẹ.
Trước thực trạng tiền gửi của dân cư chảy vào hệ thống ngân hàng tăng, dư nợ tín dụng tại một số nhà băng dần sôi động trở lại, lãi suất tiết kiệm được dự báo tăng nhẹ trong thời gian tới. Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) phân tích, mặt bằng lãi suất huy động có thể tăng thêm khoảng 0,5 đến 1%, nhưng đà tăng lãi suất huy động sẽ khó tạo ra một cuộc chạy đua lãi suất tiền gửi của toàn thị trường.
TS. Đinh Thế Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu tin học và kinh tế ứng dụng cũng cho rằng, xu hướng nhiều nhà băng phải tăng lãi suất huy động nhằm đảm bảo cân đối nguồn vốn. Ngoài ra, trong năm 2024, có một số yếu tố cũng gây bất lợi cho lãi suất bao gồm: lạm phát tăng cao hơn năm 2023, dự kiến khoảng 3,4%; tỷ giá neo cao; giá vàng biến động và nhiều thời điểm tăng mạnh… Tuy nhiên, theo ông Hiển, với chính sách kiểm soát của Nhà nước, đặc biệt là không cho phép các ngân hàng cho vay dưới chuẩn, tiết kiệm chi phí để giảm lãi vay, tăng lãi suất cao để huy động vốn do nguồn thu nợ gặp khó, thì lãi suất có tăng cũng sẽ không quá 1% so với năm 2023.
Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán Shinhan Việt Nam (SSV), bà Bùi Thị Thao Ly chia sẻ, lợi nhuận niêm yết sẽ tiếp đà tăng nhờ ngân hàng và bất động sản hồi phục. Kết thúc quý I/2024, lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết trên HOSE tăng khoảng 11,5% so với cùng kỳ năm trước và ước tính cả năm tăng 15%, chủ yếu nhờ lợi nhuận của ngân hàng duy trì đà tăng, sự phục hồi của bất động sản nửa cuối năm.
Chọn kênh đầu tư nào?
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng, thị trường bất động sản có dấu hiệu sôi động từ nửa sau năm 2024. Khi nền kinh tế ổn định, bất động sản, chứng khoán hồi phục, vàng có xu hướng giảm hoặc đi ngang. Ngược lại, nếu chỉ số kinh tế còn khó khăn, các kênh đầu tư khác trì trệ, giá vàng có thể gia tăng do tâm lý của người dân hướng tới tích trữ, dự phòng bằng vàng. Riêng với USD, các chuyên gia đánh giá, đồng bạc xanh sẽ nằm trong xu hướng giảm từ nay đến năm 2027, Ngân hàng Nhà nước sẽ có nhiều biện pháp để ổn định giá trị VND. Vì vậy, đầu tư vào USD không phải là lựa chọn tốt.
CEO AFA Capital, ông Nguyễn Minh Tuấn khẳng định, trong các kênh đầu tư hiện nay, gồm tiết kiệm, vàng, cổ phiếu, bất động sản, thì nhà đầu tư nên gia tăng tỷ trọng tiền gửi ngân hàng, tiếp tục duy trì cổ phiếu. Riêng đối với vàng, theo ông Tuấn, nếu gia tăng tỷ lệ đầu tư trước khi cơn sốt vàng xảy ra như kiến nghị của AFA Capital thì rất tốt, còn đến thời điểm này, khi tất cả đều lao vào vàng, nhà đầu tư phải thận trọng, bởi giá vàng trên thế giới vẫn được hỗ trợ, đặc biệt là khả năng USD giảm. Tuy nhiên, thời gian gần đây, Ngân hàng Nhà nước tỏ rõ quyết tâm và nỗ lực bình ổn thị trường vàng. Giá vàng theo đó sẽ giảm xuống, tâm lý Fomo (tâm lý sợ bỏ lỡ) vào vàng sẽ giảm bớt.
TS. Lê Xuân Nghĩa cũng cho rằng, với kênh đầu tư bắt đầu có dấu hiệu Fomo, nhà đầu tư phải thận trọng. Còn bất động sản dù mới chỉ manh nha phục hồi, song lại là kênh đầu tư rất đáng chú ý, bởi bất động sản là ngành đi theo tăng trưởng, kinh tế đi lên thì bất động sản đi lên và ngược lại. “Nếu muốn đầu tư vào bất động sản thì nên mua lúc này vì thị trường sẽ đi lên sau 1-1,5 năm tới”, ông Nghĩa khuyến cáo.
Bà Thiều Thị Nhật Lệ, Tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ UOB Asset Management Việt Nam (UOBAM Việt Nam) nhận xét, trong bối cảnh thị trường bất động sản bắt đầu có dấu hiệu hồi phục, sự nhảy vọt của giá vàng trong thời gian qua, hay lãi suất có thể tăng nhẹ trong thời gian tới, các kênh đầu tư này có thể thu hút thêm dòng vốn từ nhà đầu tư. Tuy nhiên, với các yếu tố hỗ trợ từ kinh tế vĩ mô cho sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán trong trung và dài hạn, cùng với nhu cầu đầu tư gia tăng của nhà đầu tư trong nước, thị trường chứng khoán tiếp tục là kênh hấp dẫn mà nhà đầu tư khó có thể bỏ qua.
Tương tự, theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, với lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng 5-6%/năm vẫn đảm bảo cho nhà đầu tư không quá thiệt thòi. Ngoài ra, bất động sản và chứng khoán cũng là những kênh đầu tư đáng chú ý. Từ đầu năm đến nay, thị trường chứng khoán đã phục hồi và vẫn đang có nhiều dấu hiệu tích cực (giá trị giao dịch bình quân trong 6 tháng đầu năm đạt 24.598 tỷ đồng, tăng 39,9% so với bình quân năm trước). Trong khi đó, thị trường bất động sản cũng hồi phục ở nhiều phân khúc, nhất là bất động sản khu công nghiệp, chung cư có mức giá phù hợp.
Nguồn: https://baodautu.vn/chon-kenh-dau-tu-nao-hieu-qua-d220669.html