Dù còn một số người vẫn giữ thói quen nói thách, phần lớn tiểu thương đều chọn bán đúng giá để tránh bị xử lý, chưa kể bị khách hàng quay lưng.
Bên cạnh nhiều tiểu thương vẫn giữ thói quen nói thách, cân gian…, gây ức chế cho khách mua, phần lớn tiểu thương tại các chợ trên địa bàn TP.HCM chọn cách minh bạch giá cả, bán hàng đúng giá để duy trì hoạt động kinh doanh trước sức ép cạnh tranh với chợ mạng.
Nhiều chuyên gia khẳng định chợ truyền thống vẫn có sức hút riêng nhờ cách bán trực tiếp, khách được “sờ tận tay, nhìn tận mắt” sản phẩm. Nếu cải thiện thái độ kinh doanh, từ bỏ thói quen “nói thách”, “hét giá trên trời”, chợ truyền thống vẫn sẽ là điểm đến với nhiều khách hàng, dù vẫn phải cạnh tranh với chợ mạng.
Chợ truyền thống thay đổi để giữ khách
Ngày 10-12, bước vào chợ Phú Nhuận (quận Phú Nhuận), ngay lối ra vào là các gian hàng đồ thủy tinh, nhựa, vật dụng gia đình được bày bán phong phú. Cầm trên tay hũ thủy tinh 1 lít chuyên để đựng gia vị, chúng tôi hỏi giá cả và được chủ cửa hàng báo giá 75.000 đồng.
“Em muốn có loại thủy tinh trong suốt, mỏng hơn cũng có. Giá 120.000 đồng/hũ. Thủy tinh càng dày giá càng rẻ. Không tin cứ lên trên mạng xem giá. Ở đây giá sao bán vậy” – chị Lê Thị Xuân, chủ cửa hàng này, nói.
Trao đổi với chúng tôi, chị Xuân cho rằng các chợ truyền thống đều đang trong giai đoạn ế ẩm, nên nhiều tiểu thương chọn cách bán đúng giá với hy vọng khách ghé mua, vì cần chi phí duy trì sạp, chi phí cho ban quản lý chợ, kho bãi…
“Thời nào rồi mà còn nói thách. Bỏ công chạy xe ra chợ mua hàng mà gặp nói thách, khách lên chợ mạng đặt mua, giá công khai, không sướng hơn sao? Nên thay vì nói thách, hét giá, bây giờ đa số người bán tìm cách bán đúng giá để khách ghé mua nữa”, chị Xuân nói thêm.
Đi sâu vào bên trong chợ, từ quầy hàng thịt, rau, chả… hay các loại thực phẩm chế biến khác, dù không được niêm yết giá nhưng giá bán sản phẩm của hầu hết các sạp đều không chênh nhau. Một cân thịt ba chỉ được bán ở quầy đầu chợ với giá 140.000 đồng/kg, quầy cuối chợ cũng giá đó.
“Đầu chợ giá bán sao, cuối chợ giá bán như vậy. Chả lụa, sườn, thịt đùi… công khai giá bán hết. Tôi mà bán cao hơn, người ta không ghé mua nữa hoặc khách báo lên đường dây nóng sẽ có người đến kiểm tra. Hơn nữa, phải bán đúng giá nếu còn muốn khách quay lại” – ông Lê Anh Tuấn, chủ cửa hàng thịt tại chợ này, nói.
Tại chợ Tân Định (quận 1), được mệnh danh là khu chợ nhà giàu vì khách mua phần lớn đều có thu nhập cao, các loại thực phẩm, đồ tươi sống ở đây có mức giá cao hơn ở các chợ khác.
Tuy nhiên, các tiểu thương khẳng định không có chuyện nói thách mà “giá con cá, bó rau có cả tiền phí quản lý chợ ở vị trí trung tâm thành phố”.
“Sáng tôi bán ở chợ Tân Định, chiều về tôi bán ở chợ trên quận Gò Vấp. Cũng 1kg tôm sú biển, nếu ở chợ Tân Định là 450.000 đồng/kg, nhưng về Gò Vấp tôi chỉ bán 350.000 – 370.000 đồng/kg.
Người ở nơi khác ghé đến đây mua, không hiểu sẽ nói là nói thách. Nhưng không phải vậy, vì nó gồm nhiều chi phí, ở đây thì phải chấp nhận” – chị Hồ Thị Thoa, tiểu thương bán hải sản, cho biết.
Tiểu thương phải thích nghi với xu hướng buôn bán mới
Với những mặt hàng thời trang, may mặc… từng được nhiều tiểu thương “hét giá” cũng có sự thay đổi do lo ngại khách mua sẽ rời bỏ để chuyển sang chợ mạng.
Tại một quầy chuyên bán quần áo thể thao ở Saigon Square (quận 1), khi chúng tôi đề nghị được giảm 50.000 đồng so với giá được báo là 250.000 đồng/bộ quần áo thể thao hàng Việt, anh Phạm Văn Tới kiên quyết không bán với lý do đã kêu đúng giá.
“Tôi không nói thách đâu. Ở đây có nhiều “tai mắt” cho ban quản lý, cho cơ quan chức năng. Nói thách là một lát sẽ có người xuống kiểm tra. Mà bán buôn đang ế ẩm, cuối năm nhưng vẫn không có động lực lấy hàng mới nên nói đúng giá để còn xả kho”, anh Tới cho hay.
Một số tiểu thương thừa nhận trước đây hầu hết tiểu thương chợ này đều “nói thách”, “hét giá” cao, gây bức xúc cho người tiêu dùng, làm xấu hình ảnh chợ. Do đó ban quản lý chợ đã vào cuộc, kiểm soát và xử lý nghiêm.
Dù còn một số người vẫn giữ thói quen nói thách, phần lớn tiểu thương đều chọn bán đúng giá để tránh bị xử lý, chưa kể bị khách hàng quay lưng.
Tại một gian hàng giày ở chợ này, khi được giới thiệu hai đôi giày với mức giá 1,2 triệu đồng/đôi và 600.000 đồng/đôi, vị khách nước ngoài lấy điện thoại, gõ tên giày và giá. Sau đó chụp màn hình tra Google dịch ra tiếng Việt.
Giá bán online ở các trang thương mại có mức 680.000 đồng/đôi, trang khác có 600.000 đồng/đôi. Do đó, vị khách đã đồng ý mua hàng vì giá bán… như trên mạng.
Chủ cửa hàng bán kính mắt ở một chợ nằm tại quận 1 cho rằng xu hướng buôn bán đã thay đổi, người bán cũng phải thay đổi, thích nghi.
“Giờ đâu phải lúc nói thách vì khách đâu còn ra chợ nhiều như trước. Giờ là cách tìm nguồn hàng chất lượng, mẫu mã đa dạng, giá cả cạnh tranh để công khai mức giá bán sao cho thấp hơn trên mạng để hút khách”, vị này nói.
Đại diện ban quản lý chợ này cho biết theo quy định, người kinh doanh ở chợ phải đăng ký, niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết. Tuy nhiên nhiều sạp lớn bán cả hàng trăm, thậm chí hàng nghìn sản phẩm, việc niêm yết trên mỗi mặt hàng sẽ rất kỳ công, khó khăn nên ban quản lý không yêu cầu gắt gao việc niêm yết giá.
“Nhưng chúng tôi kiểm soát chặt việc bán giá đúng. Đây là thời của “chợ online”, các trang bán hàng cạnh tranh nhau từng giá một, công khai nên khách có thể thoải mái so sánh lựa chọn. Do đó tiểu thương tại các chợ truyền thống cũng phải thay đổi, nếu không sẽ bị khách hàng quay lưng”, vị này khẳng định.
Chợ du lịch ế khách
Thông tin từ chợ Bến Thành, quận 1 cho biết dù đang vào cao điểm mua sắm, tham quan nhưng hiện nay mỗi ngày chợ chỉ đón khoảng 3.000 lượt khách, giảm khoảng 1.000 lượt so với cùng kỳ năm ngoái và bằng phân nửa, thậm chí chỉ bằng 1/3 so với các năm ổn định trước dịch COVID-19.
Lượng khách vào chợ giảm, cũng chủ yếu tham quan chứ ít mua sắm. Tình trạng này khiến nhiều tiểu thương không mặn mà kinh doanh, dẫn đến hơn 1.500 sạp theo thiết kế nhưng chỉ có khoảng 1.200 sạp mở cửa bán.
Nguồn: https://tuoitre.vn/chon-ban-dung-gia-de-giu-khach-20241212235429789.htm