Cây chuối hiện là cây chủ lực của ông trong xuất khẩu, vậy công tác quản lý quy trình trồng có gặp lỗ hổng gì?
– Theo quy trình, khi cây chuối trổ buồng thì cây con phải được 2 tháng tuổi để gối đầu. Nhưng giờ chúng tôi chưa làm được hoàn toàn. Một số nguyên nhân làm khó chỗ này như: Kỹ thuật, chế độ canh tác đất phèn, giống chuối, thị trường… Về mặt lý thuyết là ổn, nhưng từ lý thuyết đến thực hành còn khoảng cách nhất định. Chúng tui còn phải phấn đấu, điều chỉnh nhiều hơn nữa để lý thuyết và thực hành đồng bộ đi vào thực tế.
Vậy điều này có ảnh hưởng đến chất lượng của chuối không?
– Không, chỉ ảnh hưởng năng suất.
Quản lý chưa tốt, tại sao ông lại quyết định liên kết với nông dân ở Đồng Nai để trồng chuối?
– Tui đang tự chấm cho cây chuối thêm 1 điểm nữa là sự kết hợp với nông dân chồng chuối ở Đồng Nai. Tui nghĩ đang có sự bổ sung cho nhau. Người nông dân trồng chuối ở Đồng Nai đang thay đổi quy trình trồng chuối. Họ đang đi theo tui để sửa sang cây chuối cho đúng quy trình chất lượng, sản lượng. Là những người trực tiếp sản xuất nên tui biết cái nào bỏ, sửa hay bổ sung cho nhau…
Liên kết làm ăn giữa doanh nghiệp (DN) với nông dân đang gặp phải tình trạng “bẻ kèo”. Ông giải bài toàn này như thế nào?
– Tui thấy những nông dân ở Đồng Nai làm ăn với mình đều tốt. Vài anh bị đội giá thành sản xuất, nhưng mấy anh khác làm khá ngon. Họ cũng đã thử sử dụng phân bón vi sinh hoặc chế phẩm để xử lý bệnh đốm lá trên cây chuối. Điều này thể hiện câu chuyện niềm tin đã ăn sâu vào máu thịt mỗi người nông dân. Nghĩa là chúng tui thể hiện sự ân tình với bản chất khăng khít giữa nông dân với DN. Tui chơi với nông dân bằng cái máu của nông dân chứ không “lạng lách”. Tui thấy cũng dễ gần gũi chứ không khó khăn gì.
Nếu kéo một DN cùng làm ăn với nông dân, theo ông cần yếu tố nào?
– Tui nghĩ, nếu nhà nước muốn lôi kéo DN vào chơi với nông dân thì DN cần đảm bảo những tiêu chí: Quy trình kỹ thuật, giống má, vốn, thị trường… Trong đó, các yếu tố khác có thể có hoặc không, nhưng thị trường là bắt buộc.
Nếu vô chơi mà thị trường anh không ngon thì có DN cũng như không, và tình trạng bẻ kèo sẽ xảy ra hiển nhiên. Anh chơi với nông dân mà nói miệng làm sao được. Dám chơi thì không đổ thừa thị trường, mưa bão… rồi bỏ chạy, mặc nông dân. Người nông dân và DN phải thể hiện trách nhiệm trong từng điều khoản hợp đồng.
Giờ nông dân lại đang kêu rên sầu riêng bán cho Trung Quốc không được, ông nghĩ thế nào?
– Trung Quốc có mua sầu riêng đâu mà bán. Trước nay, chúng ta bán nông sản sang Trung Quốc chủ yếu bằng đường tiểu ngạch. Bây giờ không thể rồi, nên không còn kiểu hàng xấu bán sang đó nữa. Nông dân cần phải thay đổi quy trình sản xuất, nâng dần chất lượng mẫu mã, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Thị trường ngày càng khó, vậy muốn chơi thì chúng ta phải đáp ứng nhu cầu thị trường, nếu không sẽ ở lại. Và lúc này, Nhà nước phải đi khai thông chương trình thương mại cho nông sản Việt.
Vậy, hiện doanh nghiệp của ông sản xuất thế nào trong bối cảnh này?
– Tui thì khác, cái gì khó tui làm để không dội chợ, đụng hàng. Như chuối tui trồng VietGap, có mã vùng trồng, mã xuất khẩu, tiếp tục sẽ làm GlobalGAP. Tất cả các loại cây trái tui trồng, con bò tui nuôi cũng vậy, phải lên GlobalGAP để xuất khẩu được sang những thị trường “khó tính”.