Đó là những phiên chợ diễn ra vào những ngày cuối năm âm lịch ở nhiều miền quê Việt Nam từ hàng trăm năm nay và đã trở thành một nét “văn hóa Tết” của người Việt.
Chợ quê thường chỉ họp một buổi trong ngày: chợ mai (họp buổi sáng) hoặc chợ hôm (họp buổi chiều), nhưng vào dịp Tết, do nhu cầu mua bán tăng cao nên những phiên chợ Tết ở miền quê thường diễn ra cả ngày.
Khác với các phiên chợ thường ngày, hàng hóa trong phiên chợ Tết không chỉ là sản vật vườn nhà do những người dân quê nuôi trồng, thu hoạch rồi đem ra chợ để mua bán, trao đổi. Chợ quê ngày Tết còn có những sản phẩm đến từ các làng nghề lân cận hay các mặt hàng được sản xuất đa phần ở chốn thị thành như: rượu trà, mứt bánh, đồ tế tự… Phiên chợ Tết còn có những thứ hàng hóa chỉ xuất hiện một lần trong năm như: tranh Tết, câu đối, đại tự Hán – Nôm viết tay hoặc in trên giấy đỏ, hàng mã dùng để cúng lễ, các vật phẩm để bày biện, trang hoàng nhà cửa. Đặc biệt là rất nhiều hoa, quả đặc trưng của mùa xuân như mai, đào, quất…
Người đi chợ Tết không chỉ để bán buôn, mua sắm, mà còn đi để ngắm, để chơi, để được đắm mình trong không khí sôi động, rộn ràng “chào Xuân, đón Tết” sau một năm làm lụng vất vả. Vậy nên, trong phiên chợ Tết không chỉ có những người trưởng thành lo chuyện bán mua, mà có những đứa trẻ theo chân cha mẹ để xem người, xem cảnh, để tận thấy những thứ hàng quà mà chúng luôn ao ước: bộ áo quần mới để mặc Tết, những món đồ chơi xinh xắn ngộ nghĩnh bày bán trên những mẹt hàng trước cổng chợ, những thứ quà bánh ngon lành từng ghi dấu trong tâm trí trẻ thơ, và để được tận hưởng không khí Tết đang đến rất gần với làng quê bình dị.
Chợ Tết quê còn đón những bậc cao niên, những người đi chợ không vì mục đích mua bán, mà để gặp gỡ, trò chuyện với những người đồng hương, đồng niên… đang đi tìm “một thời đã qua” còn lưu dấu trong những phiên chợ, để sẻ chia những chuyện vui buồn trong năm qua.
Từ bao đời nay phiên chợ Tết ở các miền quê không chỉ là hoạt động kinh tế bình thường mà còn là một sinh hoạt văn hóa, là sợi dây vô hình kết nối tình làng nghĩa xóm, là khoảng không gian và thời gian đặc biệt để mọi người cảm nhận sự giao hòa của đất trời, của vạn vật trước thềm xuân.
Cũng vì lẽ đó mà hình ảnh của phiên chợ Tết miền quê đã đi vào nhiều tác phẩm thơ ca, trong đó phải kể tới bài thơ Chợ Tết của Đoàn Văn Cừ in trong tập Thi nhân Việt Nam (của Hoài Thanh – Hoài Chân, Nhà xuất bản Hoa Tiên, 1967). Đây như một bức tranh xuân được vẽ bằng những vần thơ:
Dải mây trắng đỏ dần trên đỉnh núi
Sương hồng lam ôm ấp nóc nhà tranh
Trên con đường viền trắng mép đồi xanh
Người các ấp tưng bừng ra chợ Tết
…
Những thằng cu áo đỏ chạy lon xon
Vài cụ già chống gậy bước lom khom
Cô yếm thắm che môi cười lặng lẽ
Thằng em bé nép đầu bên yếm mẹ
Hai người thôn gánh lợn chạy đi đầu
Con bò vàng ngộ nghĩnh đuổi theo sau
…
Một thầy khóa gò lưng trên cánh phản,
Tay mài nghiên hí hoáy viết thơ xuân
Cụ đồ nho dừng lại vuốt râu cằm
Miệng nhẩm đọc vài hàng câu đối đỏ
Bà cụ lão bán hàng bên miếu cổ
Nước thời gian gội tóc trắng phau phau
Chú hoa man đầu chít chiếc khăn nâu
Ngồi xếp lại đống vàng trên mặt chiếu
…
Ngày nay, dù cuộc sống đang diễn ra có phần gấp gáp, hiện đại với nhiều biến biến chuyển không ngừng, khiến nhiều nét xưa đang bị mai một, thì những phiên chợ Tết ở các miền quê vẫn đang tồn tại. Cho dù những phiên chợ đó không còn nguyên vẹn như phiên Chợ Tết của thi sĩ Đoàn Văn Cừ, nhưng chúng vẫn đầy ắp những giá trị văn hóa và nhân văn, giống như những thước phim quay chậm lưu giữ cho người Việt đương đại những nét đẹp của Tết xưa ở làng quê.
Source link