Đi đâu về, cứ đến đầu con dốc Tranh là lòng lại nao nao, như thấy bóng dáng chợ quê thân thương rồi.
Chợ Việt An, cái tên thật yên bình, ủ trong tên gọi giấc mơ ngàn đời của người dân quê xứ: an lành. Theo lời các cụ già, cái chợ đã có chừng hơn hai trăm tuổi rồi. Và có lẽ, hơn hai trăm năm qua, từ khi có làng Việt An, giấc mơ ấy cũng theo người quê tôi mà đi cùng năm tháng.
Phải vì cái tên Việt An luôn nhắc nhở người quê chăng mà những cuộc bán mua nơi đây ít khi lợn cợn mặc cả eo sèo. Chợ chỉ họp vào ban sáng, trao đi nhận lại con cá, mớ rau, chiều về các hàng đóng cửa, các mẹ các chị cũng tất tả ra đồng.
Chợ quê lành tính đến vắng luôn cái nết “kẻ chợ” mà các nơi ca cẩm. Họ không kênh kiệu phân chia ranh giới nhà quê/ kẻ chợ. Người các thôn ra vẫn thường nghe những chào hỏi thân thiện: Chao, lâu kinh mới thấy, mần chi mà cả tháng ni lặn mất tăm? Ngồi xuống uống ly nước đã. Răng, nhà mình khỏe hết không? Rồi lúa rồi mùa rồi heo gà được mất cứ theo chuyện mà râm ran rỉ rả…
Chợ quê lành tính nên tránh được cái tiếng “nhiều khế ế chanh/ nhiều cô gái đẹp cho anh chàng ràng”. Người quê thuộc nết ăn nết ở của từng cô cậu: con gái ông Giáo thiệt hiền, con trai bà Hường chịu khó… nên con gái nhà ai có nết lẳng lơ, anh con trai nào có tính buôn của lạ đều phải dị mặt mà xấu hổ.
Đã từ bao giờ cái góc chợ Việt An đã thành góc thương góc nhớ quê nhà, ai đi mô xa có dịp về thăm quê đều không quên dành ra trong quỹ thời gian ít ỏi của mình ghé thăm quán chè ông Nuôi, thăm quán cà phê con Xíu… và nhất là hít thở cái mùi ngai ngái, đón cái tiếng ồn ã, lọc lấy cái sinh khí tấp nập hiếm hoi ở một vùng quê vắng vẻ mà ôn lại thuở thiếu thời.
Thuở xưa chợ quê vẫn ưu ái dành cho mấy cô cậu học sinh vừa đỗ vào cao đẳng, đại học nhiều ngưỡng mộ. Với vùng quê yên ả này, những sinh viên mới đặt chân đến cổng trường đại học là cả một tin yêu, tự hào: con cái nhà ai mà giỏi giang, nhà mô thật có phước…
Hơn hai thế kỷ và bao nhiêu sự bể dâu, mà cái nết nhà quê vẫn lành đến thế, nép mình ở một góc quê, không mấy bận tâm giá đất giá vàng, trầm mặc đắp đổi mà không đánh đổi, phải chăng là triết lý đại ẩn đã thấm vào máu thịt thành ứng xử bao đời?
Mẹ xưa hay hát: “Trai khôn tìm vợ chợ đông/Gái khôn tìm chồng giữa chốn ba quân…” phải chăng là nhắn nhủ cái nết người nết đất thường hiển lộ rõ nhất ở nơi tụ hội? Và ai có dịp đi ngang huyện Hiệp Đức, để tâm nhìn vào chợ Việt An, sẽ cảm được cái nết quê tôi thân thiện lành tính gọi mời…
Bần thần giữa chốn quê, sau một cuộc bôn ba, lại một cuộc trở về, tôi – thằng trai khôn đã nhúng mình qua bao nếp chợ đời, chợt ao ước mình bé nhỏ, lại được như xưa, chị dấm dúi cho mấy đồng, lại hân hoan xuống chợ…