(VLO) Theo Cục BVTV (Bộ Nông nghiệp-PTNT), trong danh mục thuốc BVTV được sử dụng trong năm 2023 có thêm 303 loại hóa chất mới được phép nhập và sử dụng ở Việt Nam.
Cùng với đó, là những ý kiến đáng chú ý của lãnh đạo Cục BVTV, cụ thể là “Trung Quốc xài nhiều (thuốc BVTV- PV) gấp 6 lần Việt Nam”, hoặc “tổng số thuốc BVTV sinh học trong danh mục vừa được ban hành là 39 loại (chiếm 9,94%).
Đây là tỷ lệ mình cũng thấy hài lòng”. Những câu phát biểu giống “thuốc an thần” cho những ai quá lo lắng về ảnh hưởng của hóa chất lên đồng ruộng nước ta.
Có lẽ, con số này cũng làm… hài lòng các doanh nghiệp nhập và phân phối thuốc BVTV. Nhưng nếu ai thực sự gần gũi, quan tâm đến thực trạng sử dụng hóa chất trên đồng ruộng và hướng đến nền nông nghiệp sạch hơn, an toàn hơn thì chắc hẳn không… hài lòng.
Tiếp tục tăng thêm 303 loại thuốc sẽ tràn vào đồng ruộng Việt Nam, để đưa con số thuốc lên gần 4.400 hóa chất; nhưng không có loại thuốc cũ nào bị loại trừ.
Thay vào đó, Cục BVTV chỉ “khuyên” các doanh nghiệp nên giảm một số loại thuốc BVTV. Trong công tác quản lý nhà nước, đặc biệt ở lĩnh vực kinh doanh mặt hàng có liên quan rất lớn đến sức khỏe con người và môi trường thì chỉ có thể bằng luật định và những chứng cứ, những thực nghiệm khoa học và khảo sát có tính toàn diện, tổng thể, không thể dùng những từ ngữ kiểu… tình cảm như thế được. Không thể “khuyên” doanh nghiệp tự giác từ bỏ “con gà đẻ trứng vàng” được.
Còn vấn đề vô cùng quan trọng nữa, là những phát biểu của lãnh đạo Cục BVTV chỉ là theo danh mục nhập khẩu chính ngạch, trong khi thị trường tràn lan các loại thuốc BVTV nhập lậu, đường tiểu ngạch thì chưa thể nói là có sự quản lý chặt chẽ được.
Chỉ cần đến một tiệm nhỏ ở nông thôn có thể mua gói thuốc nhỏ xíu, giá chỉ 10.000đ, pha bình thuốc quơ sơ cái cỏ cây cháy rụi. Đó là thực tế!
Mà ngay những loại thuốc trong danh mục nhập thì hồ sơ gởi về Cục BVTV xét duyệt là có cả hồ sơ thí nghiệm do chính các doanh nghiệp thực hiện.
Không ai dám bảo đảm rằng tính công khai, minh bạch của những bộ hồ sơ trình xét duyệt. Thiết nghĩ, để đánh giá một loại hóa chất vào thị trường nội địa, không chỉ nằm ở khâu đầu vào ở các phòng thí nghiệm; mà cần hội đồng khoa học liên ngành đánh giá và cả những điều tra xã hội học khi những tác động của hóa chất lên đất đai, môi trường và sức khỏe con người, trong đó có cả người trực tiếp sử dụng là nông dân và cả những người bị ảnh hưởng thụ động là đối tượng tiêu dùng của toàn xã hội.
Chưa có một công trình khoa học nào, chưa có một cuộc điều tra xã hội học nào đánh giá rằng bao nhiêu bệnh thông thường và bệnh mạn tính, bệnh nan y hiện nay là có sự ảnh hưởng từ gần 4.400 loại thuốc BVTV trong danh mục được kinh doanh trên thị trường Việt Nam.
NGỌC TRẢNG