Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) được Quốc hội bàn thảo tại 3 kỳ họp thứ 4, 5, 6, vào cuối tháng 11/2023 với 453/459 đại biểu có mặt tán thành, Quốc hội thống nhất lùi thời gian thông qua dự án Luật Đất đai sửa đổi từ kỳ họp thứ 6 sang kỳ họp gần nhất.
Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho hay, dự án Luật Đất đai sửa đổi có tính chất đặc biệt quan trọng, tác động rất lớn đến các hoạt động kinh tế – xã hội, đời sống của người dân, cũng như sự phát triển của đất nước.
Quốc hội quyết định điều chỉnh thời điểm trình xem xét, thông qua dự án Luật Đất đai sửa đổi sang kỳ họp gần nhất để các cơ quan có thêm thời gian nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý, rà soát kỹ lưỡng và hoàn thiện dự thảo luật, bảo đảm chất lượng tốt nhất trước khi trình Quốc hội thông qua.
Trao đổi với Người Đưa Tin, ĐBQH Phạm Văn Hòa – Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đại biểu đoàn Đồng Tháp cho biết, dự án Luật Đất đai sửa đổi, Quốc hội đã cho ý kiến lần thứ 3 và còn nhiều ý kiến khác nhau. Bởi, đây là dự án Luật rất quan trọng liên quan mật thiết đến đời sống của người dân.
Trong khi đó, Luật Đất đai năm 2013 đã bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế, do đó rất cần thiết phải sửa đổi Luật một cách toàn diện, mang một ý nghĩa tầm vóc của quốc gia, đặc biệt mang lại quyền lợi cho người dân nhiều hơn.
“Do đó, tôi cho rằng việc sửa đổi Luật đã có sự vào cuộc quyết liệt rồi thì cần quyết liệt hơn nữa của các ngành có liên quan, tiếp thu, giải trình các ý kiến của người dân, các ĐBQH phù hợp với tình hình thực tiễn”, ông Hòa nói và cho rằng khi Luật Đất đai (sửa đổi) được thông qua có ý nghĩa rất quan trọng đó là sẽ thay đổi toàn diện trong quản lý đất đai của Nhà nước và sở hữu đất đai của toàn dân.
Theo ông Hòa, qua ghi nhận ý kiến của cử tri và người dân, cử tri và nhân dân đều mong muốn Luật Đất đai được thông qua tại kỳ họp bất thường tới đây, khi có hiệu lực thi hành thì sẽ tổ chức thực hiện cho tốt.
Bên cạnh đó, ông Hòa cũng cho rằng với việc sửa đổi Luật Đất đai vẫn cần lưu ý một số vấn đề, cụ thể theo ông Hòa điều cốt lõi vẫn là vấn đề thu hồi đất phục vụ kinh tế – xã hội và quốc phòng an ninh, cũng như thu hồi đất phục vụ cho mục đích thương mại có chênh lệch địa tô.
“Đây là những vấn đề thời gian qua người dân rất quan tâm, làm sao thu hồi đất, đền bù đất, tái định cư cho người dân một cách đảm bảo công bằng, giá trị đất thu hồi tương đương hoặc bằng so với giá trị thực tiễn của thị trường”, ông Hòa nói đây là điểm cần quan tâm.
Ngoài ra, nếu thu hồi đất có chênh lệch địa tô cần tính toán hài hòa lợi ích của người dân và doanh nghiệp. Đặc biệt, đưa quyền lợi của người dân lên trên hết.
Một điểm đại biểu đoàn Đồng Tháp cũng rất quan tâm đó chính là vấn đề tái định cư, ông cho rằng trước khi thu hồi đất phải có khu tái định cư.
“Khu tái định cư phải hoàn chỉnh, chỗ ở mới phải tương đương hoặc bằng chỗ ở cũ”, đây là vấn đề cần được quy định rõ ràng.
Hay như vấn đề chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp đối với những người không trực tiếp canh tác; vấn đề thừa kế; tách thửa; đền bù, giải phóng mặt bằng… cũng nhận được sự quan tâm.
Do đó, đại biểu rất kỳ vọng Quốc hội sẽ đồng thuận, thống nhất cao để thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) tại kỳ họp bất thường tới đây. Khi Luật có hiệu lực thi hành thì phải áp dụng theo luật mới, mang lại quyền lợi thiết thực cho người dân.
Trước đó, ngày 18/12, tại Phiên họp 28 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đã báo cáo về việc chuẩn bị Kỳ họp bất thường lần thứ 5 của Quốc hội.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, trên cơ sở xem xét chất lượng chuẩn bị, nếu hồ sơ tài liệu đủ điều kiện, bảo đảm tiến độ, chất lượng, đề nghị trình Quốc hội tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5 những nội dung sau: Xem xét thông qua dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) nếu đủ điều kiện;
Xem xét thông qua Dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia;
Xem xét, thông qua Nghị quyết về việc bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 – 2025 từ nguồn dự phòng chung tương ứng với nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách Trung ương năm 2022 cho các nhiệm vụ, dự án đầu tư công và bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn cho Tập đoàn điện lực Việt Nam từ nguồn dự phòng của Kế hoạch đầu tư công trung hạn (nếu có).
Về hình thức họp, Quốc hội họp tập trung tại Nhà Quốc hội. Dự kiến Quốc hội họp 3 ngày, khai mạc vào ngày 15/1/2024 và chia thành 2 đợt. Đợt 1 là 2,5 ngày (từ 15 đến sáng 17/1); đợt 2 diễn ra trong nửa ngày (chiều 19/1) để thông qua các luật, Nghị quyết và bế mạc kỳ họp.
Tại buổi làm việc với Ủy ban Kinh tế và Bộ Tài nguyên – Môi trường về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) mới đây, báo cáo của Ủy ban Kinh tế cho biết, đến hết ngày 18/12/2023, dự thảo luật đã rà soát kỹ lưỡng được 232/265 điều. Sau rà soát, còn 35 nhóm điều, khoản được các cơ quan đã thống nhất tiếp tục sửa đổi, bổ sung.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu 3 nội dung tiếp tục báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ làm rõ hơn cơ sở, có ý kiến chính thức và thiết kế phương án cụ thể gồm:
Thứ nhất, về đối tượng được sử dụng đất quốc phòng an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế;
Thứ hai, về quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp quân đội, công an khi sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế;
Thứ ba, về nội dung phương pháp định giá đất và trường hợp, điều kiện áp dụng từng phương pháp.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, trong 27 nội dung lớn còn ý kiến khác nhau thì đến nay đã có 22 nội dung đã đạt được thống nhất. Chỉ còn thảo luận về 3 nội dung lớn và một số vấn đề khác. Chủ tịch Quốc hội cho rằng, đã có cơ sở để có thể tiến tới trình Quốc hội thông qua dự án Luật Đất đai (sửa đổi) trong kỳ họp bất thường tháng 1 tới đây.