HÀ TĨNH Việc sử dụng hỗn hợp từ trứng gà, sữa tươi phun cho cây lúa nhằm cung cấp dưỡng chất, giúp hạt chắc mẩy, hạn chế mầm bệnh gây hại, cho chất lượng gạo thơm ngon.
Đây được xem là giải pháp kỹ thuật mới lần đầu tiên được áp dụng trong sản xuất lúa ở Hà Tĩnh.
Huyện Cẩm Xuyên là địa phương có diện tích trồng lúa lớn nhất của tỉnh Hà Tĩnh. Những năm gần đây, huyện đã chú trọng ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để từng bước xây dựng thương hiệu gạo Cẩm Xuyên, truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Mỗi ha lúa mỗi lần phun cần 4 quả trứng gà, 4 bịch sữa tươi, 160 lít nước vôi, trộn rồi khuấy đều và phun cho lúa. Để đảm bảo độ đồng đều của dung dịch khi tiếp xúc với cây lúa cũng như tiết giảm thời gian, chi phí và công lao động, công ty đã áp dụng công nghệ phun bằng máy bay không người lái.
Từ những kết quả đạt được ở những vụ sản xuất trước, vụ xuân 2024, huyện Cẩm Xuyên tiếp tục mở rộng diện tích sản xuất lúa theo hướng hữu cơ theo chuỗi liên kết với doanh nghiệp. Chuỗi liên kết được triển khai tại các xã Cẩm Bình, Yên Hòa, Nam Phúc Thăng, Cẩm Quang, Cẩm Thành và thị trấn Cẩm Xuyên với tổng quy mô gần 86ha.
Toàn bộ diện tích sản xuất được áp dụng cấy máy – mạ khay và tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn hữu hữu cơ, “nói không” với phân bón vô cơ và thuốc BVTV hóa học.
Hiện nay, lúa đang bước vào giai đoạn đứng cái – làm đòng. Nhằm giúp cây lúa có đủ dinh dưỡng, phát triển khỏe mạnh và cho chất lượng gạo thơm ngon, UBND huyện Cẩm Xuyên đã phối hợp với doanh nghiệp liên kết là Công ty Cổ phần Hòa Lạc IEC thực hiện thí điểm sử dụng hỗn hợp dinh dưỡng được phối trộn từ trứng gà, sữa tươi với nước vôi phun trên diện tích 0,5ha lúa hữu cơ bằng thiết bị máy bay không người lái tại thôn Bình Quang, xã Cẩm Bình (Cẩm Xuyên).
Ông Dương Ngọc Hoàng – Giám đốc Công ty Cổ phần Hòa Lạc IEC cho biết: Hỗn hợp được phối trộn từ trứng gà, sữa tươi và nước vôi được xem là chế phẩm giàu dinh dưỡng nhằm cung cấp dưỡng chất cho cây lúa, chống lem lép hạt, giúp hạt lúa chắc mẩy, tăng độ đồng đều cho hạt lúa, hạn chế mầm bệnh xuất hiện và cho chất lượng hạt gạo thơm ngon hơn. Giải pháp này đã được triển khai thành công trên ở một số mô hình tại An Giang, Kiên Giang, Quảng Trị… Tại Hà Tĩnh, đây là lần đầu tiên mô hình được áp dụng.
Về công thức chăm sóc ruộng lúa bằng hỗn hợp này, ông Dương Ngọc Hoàng chia sẻ: Cả quá trình phát triển của cây lúa, tính từ khi cấy đến khi thu hoạch sẽ tổ chức phun 2 đợt dưỡng chất, đợt 1 khi lúa được 45 ngày tuổi, đợt 2 sau đó khoảng 2 tuần (khi lúa đã trổ bông được 10 ngày).
Ông Nguyễn Văn Thành – Bí thư Huyện ủy huyện Cẩm Xuyên cho biết, sản xuất nông nghiệp hữu cơ nói chung và sản xuất lúa hữu cơ nói riêng đang là xu hướng tất yếu nhằm tạo ra sản phẩm lúa gạo chất lượng, có giá trị kinh tế cao, đảm bảo an toàn cho con người cũng như hệ sinh thái đồng ruộng.
Hiện nay, huyện Cẩm Xuyên đang xây dựng thương hiệu lúa gạo hữu cơ. Để sắp tới đạt được chứng nhận hữu cơ, huyện đã đẩy mạnh áp dụng tiến bộ dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất từ khâu làm đất, công nghệ mạ khay – máy cấy, xử lý phòng trừ sâu bệnh bằng chế phẩm sinh học, phun bằng thiết bị máy bay không người lái…
Với giải pháp sử dụng hỗn hợp từ trứng gà, sữa tươi, nước vôi để bón cho cây lúa thì đây là lần đầu tiên huyện mạnh dạn đưa vào áp dụng trên diện tích 5ha. Trước mắt biện pháp này cho thấy an toàn với con người cũng như với sản phẩm tạo ra, thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, để có đánh giá cụ thể về hiệu quả, sau đợt phun thí điểm, huyện sẽ tiếp tục theo dõi, nếu đạt được kết quả cao như mong muốn mới khuyến cáo để nhân rộng trong những mùa vụ tiếp theo.