Vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam vẫn trong xu hướng tích cực, nhưng cần hơn nữa các dự án trong các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ của tương lai.
Chế biến – chế tạo vẫn là lĩnh vực dẫn đầu về thu hút đầu tư nước ngoài. Ảnh: Đức Thanh |
Tăng lượng, tăng cả chất
Tiếp tục xu hướng tăng điểm, vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam vẫn khá tích cực. Quý đầu năm, theo số liệu vừa được Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố, đã có hơn 6,17 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong số này, vốn đăng ký mới đạt hơn 4,77 tỷ USD, tăng 57,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, vốn tăng thêm đạt 934,6 triệu USD, giảm 22,6%; còn vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần đạt hơn 466 triệu USD, giảm 61,7% so với cùng kỳ.
Như vậy, ngoài vốn đầu tư điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần giảm, thì vốn đầu tư đăng ký mới vẫn duy trì mức tăng so với cùng kỳ và tăng khá cao. Tương tự, vốn giải ngân đạt 4,63 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2023.
Không chỉ tăng về lượng, một thông tin được ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài nhấn mạnh, là trong quý đầu năm, nhiều dự án lớn trong các lĩnh vực năng lượng, bao gồm sản xuất pin, tế bào quang điện, thanh silic, các dự án sản xuất linh kiện, sản phẩm điện tử, sản phẩm nhiều giá trị gia tăng đã được đầu tư mới và mở rộng vốn.
Có thể kể hàng loạt dự án trong các lĩnh vực này được cấp chứng nhận đăng ký đầu tư trong 3 tháng đầu năm 2024. Chẳng hạn, dự án 120 triệu USD của Boviet Hải Dương, chuyên sản xuất tấm tế bào quang điện năng lượng mặt trời; dự án 454 triệu USD của Trina Solar Cell tại Thái Nguyên; hay dự án 275 triệu USD của Gokin Solar Hải Hà Việt Nam tại Quảng Ninh…
Đó là những thông tin tích cực. Tuy vậy, thực tế, điều mà dư luận đang trông chờ là, các dự án trong các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ của tương lai sẽ đổ bộ vào Việt Nam, sau khi nhiều “ông lớn” công nghệ nước ngoài không ngại ngần bày tỏ mối quan tâm đến thị trường Việt Nam từ năm ngoái. Có thể, thời gian chưa đủ dài để các “đại gia” này nghiên cứu và “xuống tay” dốc vốn.
Nhìn vào số liệu thống kê về tình hình thu hút đầu tư nước ngoài trong 3 tháng đầu năm, có thể thấy, vẫn vắng bóng các dự án quy mô lớn. Lớn nhất cho đến thời điểm này vẫn là dự án hơn 660 triệu USD ở Hà Nội, nhưng đây lại là dự án trong lĩnh vực bất động sản.
Thậm chí, báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài còn cho thấy, các dự án đầu tư trong lĩnh vực chế biến, chế tạo, dù vẫn dẫn đầu với 3,93 tỷ USD, nhưng lại giảm nhẹ 1,3% so với cùng kỳ năm trước.
Ở một góc độ khác, Cục Đầu tư nước ngoài cũng cho biết, quy mô bình quân dự án đầu tư mới trong tháng 3/2024 chỉ đạt hơn 4,9 triệu USD/dự án, thấp hơn so với mức 7,4 triệu USD/dự án trong tháng 2/2024 và mức 10,6 triệu USD/dự án trong tháng 1/2024. Khi bình quân quy mô vốn của dự án còn nhỏ, chưa thể sớm kỳ vọng những dự án đầu tư trong lĩnh vực công nghệ của tương lai đổ bộ.
Chờ dự án công nghệ của tương lai
Thông tin tích cực trong những ngày gần đây là, Công ty Công nghệ năng lượng mới Hainan Drinda (Trung Quốc) vừa ký biên bản ghi nhớ về việc đầu tư Dự án Nhà máy Sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời tại Khu công nghiệp Hoàng Mai II (Nghệ An), với quy mô vốn đầu tư trong giai đoạn I có thể ở mức 450 triệu USD.
– GS-TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài
Trong khi đó, ít ngày trước, Tập đoàn bán dẫn Lam Research (Hoa Kỳ) tới Việt Nam để tìm kiếm cơ hội đầu tư. Trong cuộc gặp với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, ông Karthik Rammohan, Phó chủ tịch cấp cao Tập đoàn Lam Research cho biết, Lam Research có định hướng mở rộng hoạt động, đa dạng hóa chuỗi cung ứng ở khu vực châu Á.
Kế hoạch hợp tác với Công ty Seojin (hiện có các nhà máy đặt tại Bắc Ninh và Bắc Giang) để phát triển nhà máy cùng chuỗi cung ứng ngành bán dẫn, với vốn đầu tư 1-2 tỷ USD trong giai đoạn I cũng đã được ông Karthik Rammohan chia sẻ. Thậm chí, sau giai đoạn I, Lam Research còn dự kiến đầu tư trực tiếp và tiếp tục mở rộng hoạt động tại Việt Nam.
Tương tự, Liên doanh Tập đoàn Hoa Điện – Công ty Minh Quang cũng đã chính thức đặt vấn đề đầu tư siêu dự án sản xuất hydro xanh, với vốn đầu tư khoảng 2,4 tỷ USD tại tỉnh Quảng Trị.
Đây đều là các dự án quy mô lớn và trong các lĩnh vực mà Việt Nam đang khuyến khích đầu tư. Nhiều tập đoàn lớn cũng đang quan tâm đến điểm đến Việt Nam. Thậm chí, GS-TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, khi công bố Báo cáo thường niên FDI 2023 mới đây, còn nhấn mạnh về một “cơ hội chưa từng có” của Việt Nam.
Đánh giá cao việc Việt Nam đặt mục tiêu thu hút đầu tư các dự án công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ của tương lai, như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI), hydro xanh…, song GS-TSKH Nguyễn Mại cho rằng, vấn đề lớn nhất là Việt Nam chưa có thể chế, chính sách, cơ chế tương xứng… Thậm chí, môi trường đầu tư, các vấn đề về thủ tục hành chính cũng còn nhiều vấn đề.
Chính vì vậy, để có thể thu hút FDI chất lượng hơn, hiệu quả hơn, GS-TSKH Nguyễn Mại đã nhấn mạnh 4 giải pháp cần thực hiện. Theo đó, ưu tiên hàng đầu vẫn là hoàn thiện thể chế, luật pháp. Đi kèm với đó, là thực thi thể chế, chính sách, gắn liền với phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm và đề cao trách nhiệm của người đứng đầu.
“Để thu hút đầu tư, phải nâng cao tiềm lực nội sinh, hiện đại hóa hạ tầng kinh tế – xã hội và tiếp tục cải cách nền hành chính quốc gia”, GS-TSKH Nguyễn Mại nói và cho biết, các nhà đầu tư nước ngoài đang rất quan tâm vấn đề cấp điện và những phản ứng chính sách đối với việc thực thi thuế tối thiểu toàn cầu của Việt Nam. Do vậy, cần sớm có đối sách liên quan vấn đề này.
Tại Diễn đàn Chuỗi sản xuất thông minh và chuỗi cung ứng toàn cầu Việt Nam 2024, vừa diễn ra tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cũng cho biết, sản xuất điện tử, chip bán dẫn, sản xuất thông minh là lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư hàng đầu của Việt Nam.
Theo Thứ trưởng Trần Duy Đông, cạnh tranh thu hút đầu tư trong các lĩnh vực điện tử, bán dẫn đang rất khốc liệt, nước nào nhanh nhạy, có những chính sách phù hợp, quyết liệt thì sẽ làm chủ và tranh thủ được làn sóng mới. Việt Nam cũng đang nỗ lực để tận dụng cơ hội này.
“Bên cạnh nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các ngành công nghệ cao, Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết giao Chính phủ xây dựng Nghị định về Quỹ hỗ trợ đầu tư, trong đó dự kiến sẽ có những hỗ trợ thích đáng đối với lĩnh vực công nghệ cao, điện tử, bán dẫn”, Thứ trưởng Trần Duy Đông nói.
Khi những chính sách này được ban hành, cùng với sự chuẩn bị sẵn sàng về đất đai, hạ tầng, năng lượng, nhân lực…, kỳ vọng các dự án trong lĩnh vực công nghệ tương lai sẽ đổ bộ vào Việt Nam.