Như Thanh Niên đã thông tin, trong buổi thị sát đầu năm 2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã giao TP.HCM nhiệm vụ trong vòng 2 năm tăng tốc, bứt phá để hoàn thành đường Vành đai 3. Cùng với đó, lãnh đạo ngành giao thông TP.HCM đang quyết tâm khép kín tuyến Vành đai 2, khởi công Vành đai 4. Nếu thuận lợi, đến năm 2027, mạng lưới xương sống quan trọng nhất của giao thông TP.HCM sẽ hoàn thành, mở những con đường ngoại ô đột phá kinh tế toàn vùng.
Trong buổi làm việc chiều 22.2 tại UBND TP.HCM, Bộ GTVT và các địa phương cũng đã họp về phương án làm đường Vành đai 4 TP.HCM. Các tỉnh họp hội đồng vùng đề xuất cập nhật quy mô Vành đai 4 TP.HCM với chiều dài 207 km, mặt cắt ngang đầu tư giai đoạn 1 là 4 làn xe, giải phóng một lần là 8 làn xe. Đến nay, Bình Dương đã phê duyệt xong bồi thường giải phóng mặt bằng, hiện đang lập dự án xây lắp. Bà Rịa-Vũng Tàu cũng sẵn sàng để trình chủ trương đầu tư, chỉ còn băn khoăn về cơ chế và nguồn vốn. Nghiên cứu tiền khả thi của dự án phía Đồng Nai cơ bản cũng đã xong. Riêng đoạn đường vành đai thuộc địa phận Long An cũng đã có nhà đầu tư quan tâm nghiên cứu.
Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Trần Quang Lâm khẳng định: “Vành đai 4 TP.HCM là dự án trọng điểm quốc gia, đóng vai trò quan trọng đột phá hạ tầng liên vùng kinh tế trọng điểm phía nam. Quy hoạch phát triển TP.HCM gắn với các tỉnh trong vùng, có các đô thị vệ tinh và chủ trương phát triển không gian mở”.
Cần làm đến đâu dứt điểm đến đó
Đón nhận các thông tin phấn khởi về quyết tâm tăng tốc các dự án đường vành đai để nối liền mạch giao thông cho liên vùng kinh tế phía nam, bạn đọc (BĐ) Báo Thanh Niên đặt nhiều kỳ vọng vào nỗ lực thay đổi diện mạo hạ tầng giao thông của TP.HCM và các địa phương lân cận. BĐ Minh Nghĩa tin tưởng: “Khi hạ tầng đã đồng bộ sẽ giúp kinh tế vùng phát triển bền vững. Rất đáng để chờ đón một diện mạo hạ tầng mới trong thời gian ngắn trước mắt”.
Song song với các ý kiến kỳ vọng về sự đồng bộ hạ tầng giao thông, BĐ mtrangg7773 lưu ý đến tính hiệu quả khi TP.HCM triển khai tăng tốc các tuyến đường vành đai: “Phải chủ động thúc đẩy phát triển xây dựng các dự án trọng điểm quốc gia cho chiến lược phát triển giao thông, nhưng rất cần làm đến đâu phải dứt điểm đến đó, tránh tình trạng dàn trải, chậm trễ kéo dài khiến tính hiệu quả bị hạn chế. Thêm nữa là vấn đề thiết kế, thẩm định, thẩm duyệt… Mà những thách thức này không riêng gì TP.HCM gặp phải”.
Tán thành, BĐ Trường Lưu bày tỏ: “Cũng mong rằng các công trình đúng tiến độ, đúng chất lượng để không phụ lòng người dân. Sợ nhất là đường vành đai này chưa xong đã mở công trình đường vành đai mới mà lại trễ hạn, dời hạn… khiến nhìn đâu cũng thấy ngổn ngang”.
Giữ vững ‘mặt trận’ quy hoạch
Bên cạnh sự mong chờ về tiến độ hoàn thành, triển khai các dự án đường vành đai, nhiều BĐ cũng đồng thời đặt ra các lưu ý về tính nhất quán của khâu quy hoạch để các tuyến đường vành đai thực sự là huyết mạch giao thông kết nối vùng.
BĐ Khac Hung Dinh nhận xét: “Phải tính toán để tránh tình trạng đường tránh, đường vành đai chưa làm xong mà bạt ngàn dự án khu dân cư, khu đô thị lại chen nhau mọc lên như nấm. Hậu quả là vài năm sau các con đường vành đai ấy biến thành đường nội đô, vỡ trận vào mỗi giờ tan tầm. Cái này phải trông vào ông quy hoạch”. Tán thành, BĐ Thủy Loan đề nghị: “Nếu đã đồng bộ về mặt hạ tầng đường vành đai thì các địa phương cũng cần ngồi lại để thống nhất đồng bộ về mặt quy hoạch dọc tuyến đường. Có như vậy mới tránh được tình trạng đầu này thì thông thoáng mà đầu kia lại ùn tắc”.
Dự án trọng điểm, hy vọng sẽ luôn hoàn thành đúng tiến độ./.