Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) thường niên năm 2024: Chờ đợi các giải pháp cụ thể
Không có lấn cấn nào về sự tiên phong của doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong thực hiện chiến lược xanh, nhưng cộng đồng doanh nghiệp vẫn gửi đi thông điệp rất trông đợi các giải pháp cụ thể, mạnh mẽ từ Chính phủ.
Hội nghị Thủ tướng Chính phủ gặp mặt cộng đồng doanh nghiệp FDI và Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên tổ chức tại Hà Nội ngày 19/3. Ảnh: Đức Thanh |
Lời tâm huyết từ doanh nghiệp “đầu tư lâu dài” tại Việt Nam
“Intel đã có mặt ở Việt Nam 17 năm nay, sẽ tiếp tục phát triển ở Việt Nam. Chúng tôi muốn nhìn thấy sự duy trì năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong thu hút FDI”. Ông Phùng Việt Thắng, Giám đốc quốc gia Intel Việt Nam phát biểu tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ gặp mặt cộng đồng doanh nghiệp FDI và Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên, diễn ra vào ngày hôm qua (19/3).
Không dừng lại ở thông điệp mang tính cam kết, lãnh đạo Intel còn gửi 3 kiến nghị rất cụ thể mà ông Thắng gọi là “rất quan trọng để Việt Nam không bỏ lỡ nhịp phát triển”. Đó là, đầu tư vào nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn, chip, trí tuệ nhân tạo (AI); phát triển của trung tâm dữ liệu thế hệ mới; các biện pháp cụ thể về thuế.
“Chính phủ đã có những đề án rất quyết tâm để xây dựng nguồn nhân lực, có những thảo luận về thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam. Tuy nhiên, chúng tôi muốn nhìn thấy các quy định cụ thể”, ông Thắng nhấn mạnh.
Cùng có mặt và phát biểu tại phần khuyến nghị nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, lãnh đạo Samsung Việt Nam, Bosch Việt Nam gửi tới người đứng đầu Chính phủ cũng như lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương những kiến nghị tương đồng và cả những khó khăn tương đồng.
Thậm chí, ông Choi Joo Ho, Tổng giám đốc Samsung Việt Nam thẳng thắn, để tăng cường lòng tin của doanh nghiệp FDI, đề nghị Chính phủ thực hiện các cam kết với doanh nghiệp về cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, theo dõi sát sao việc thực hiện chính sách một cách nhất quán và giảm thiểu những điều không chắc chắn về pháp lý.
“Hiện tại, nhiều thủ tục hành chính phải mất tới 2-3 năm để giải quyết”, ông Choi Joo Ho chia sẻ, với quan điểm rõ ràng rằng, “Samsung là nhà đầu tư dài hạn tại Việt Nam, muốn đóng góp, phát triển kinh tế Việt Nam”.
Đây là lần đầu tiên trong khung khổ VBF có sự tham gia độc lập của các doanh nghiệp FDI, bên cạnh các hiệp hội doanh nghiệp và các nhóm công tác của VBF. Song, thông điệp mà các doanh nghiệp này gửi tới người đứng đầu Chính phủ trong phần Hội nghị Thủ tướng Chính phủ gặp cộng đồng doanh nghiệp FDI không nằm ngoài mối quan tâm chung của khu vực doanh nghiệp FDI.
Thay mặt Chính phủ, tại Diễn đàn VBF, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính mong muốn và tin tưởng rằng, Diễn đàn sẽ tiếp tục là một kênh đối thoại chính sách quan trọng, hiệu quả giữa Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước trong thời gian tới, tiếp tục đóng góp quan trọng vào sự nghiệp đổi mới, hội nhập và phát triển của Việt Nam.
Ưu tiên chuyển đổi số
Điểm lại các vấn đề mà các hiệp hội doanh nghiệp gửi tới VBF, những lo ngại về thủ tục phức tạp, thiếu thống nhất dường như vẫn chiếm chi phối.
Đại diện các thành viên liên kết của VBF (gồm Hiệp hội Doanh nghiệp Singapore tại Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp Australia tại Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp Thụy Sĩ, Hiệp hội Thương mại Đài Loan tại Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp Thái Lan tại Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp Hà Nội, Hiệp hội Doanh nghiệp Ấn Độ tại Việt Nam và Hiệp hội Doanh nghiệp Hồng Kông tại Việt Nam), ông Seck Yee Chung, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Singapore tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam có thể thúc đẩy đáng kể đầu tư nước ngoài bằng cách đơn giản hóa và hợp lý hóa các thủ tục cấp và gia hạn giấy phép kinh doanh, chứng chỉ và giấy phép khác.
“Điều này đặc biệt quan trọng đối với các nhà đầu tư nước ngoài vốn thường e ngại các quy trình quan liêu phức tạp. Cho đến nay, thủ tục cấp phép và thời gian để doanh nghiệp FDI xin giấy phép kinh doanh cho các lĩnh vực bao gồm hoạt động bán lẻ, cho thuê thiết bị và thương mại điện tử từ Bộ Công thương vẫn còn rất nặng nề và mất thời gian. Thông thường, các doanh nghiệp phải nhiều lần nộp giấy tờ và các vòng giải thích, làm rõ với Bộ Công thương và Sở Công thương. Việc này có thể mất tới 12 tháng”, ông Seck Yee Chung báo cáo ví dụ điển hình.
Đây là lý do, các hiệp hội đã gửi tới những kiến nghị rất cụ thể, để kỳ vọng có các giải pháp xử lý cụ thể, rõ ràng tương ứng, đảm bảo thực hiện hiệu quả. Cụ thể, nhóm liên kết với VBF đề xuất mở rộng cổng thông tin trực tuyến và nộp hồ sơ điện tử, với mong muốn cho phép nhiều ứng dụng và thủ tục của chính phủ được hoàn thành trực tuyến hơn, giúp quá trình này nhanh hơn và thuận tiện hơn.
Cùng với đó, doanh nghiệp mong muốn các cơ quan chấp nhận chữ ký điện tử, chấp nhận thông tin liên lạc qua email, giảm sự phụ thuộc vào giấy tờ.
Thực tế, một số thủ tục, như đăng ký công ty, đã được thực hiện trực tuyến, nhưng ông Seck Yee Chung cho biết, nhiều quy trình liên quan đến đầu tư nước ngoài vẫn yêu cầu gặp mặt trực tiếp và nộp hồ sơ trực tiếp. Số hồ sơ này bao gồm cả đăng ký đầu tư, phê duyệt M&A, đăng ký khoản vay nước ngoài, thành lập văn phòng đại diện và xin giấy phép kinh doanh bán lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài.
“Bằng cách cung cấp các lựa chọn trực tuyến cho các thủ tục này, Việt Nam có thể thu hút thêm vốn và đối tác nước ngoài”, ông Seck Yee Chung chuyển tải kỳ vọng của các doanh nghiệp.
Coi trọng đầu tư nguồn nhân lực
Những băn khoăn về chất lượng nguồn nhân lực cũng nổi lên khá rõ, nhất là trong nhu cầu phát triển xanh của nền kinh tế Việt Nam. Kết quả khảo sát ESG do VBF thực hiện, báo cáo tại Diễn đàn cho thấy, việc tiếp tục đầu tư phát triển lực lượng lao động có ý nghĩa rất quan trọng.
“Nâng cao kỹ năng, đào tạo lại lực lượng lao động Việt Nam sẽ không chỉ tăng năng suất tổng thể, mà còn định vị Việt Nam là điểm đến hấp dẫn hơn đối với các doanh nghiệp FDI đang tìm kiếm nguồn lao động có tay nghề và khả năng thích ứng”, ông Stuart Livesey, Giám đốc quốc gia Copenhagen Offshore Partners Vietnam nhận định.
Song, các doanh nghiệp cũng cho biết, thực hiện đòi hỏi này không đơn giản, khi theo khảo sát, chỉ có 15% doanh nghiệp nước ngoài coi chất lượng lao động là một yếu tố hấp dẫn, chủ yếu ở Hà Nội, TP.HCM.
Trước đó, gửi tới VBF, Nhóm Nguồn nhân lực cũng đã có những báo cáo chi tiết, với rất nhiều vướng mắc đang làm khó kế hoạch phát triển nguồn nhân lực công nghiệp trình độ cao.
“Việc chuyển giao kỹ năng quốc tế phải có sự tham gia của các chuyên gia nước ngoài đến Việt Nam để chuyển giao công nghệ cao và các kỹ năng khác. Chúng tôi hoàn toàn đồng ý và tôn trọng quan điểm thận trọng của Việt Nam khi quản lý quá trình này để đảm bảo chỉ những chuyên gia nước ngoài phù hợp nhất mới được cấp giấy phép lao động. Tuy nhiên, như vẫn thường thấy trong vấn đề giấy phép lao động, việc giải thích rõ ràng và cụ thể hơn sẽ mang lại lợi ích cho cả cộng đồng đầu tư nước ngoài và các mục tiêu phát triển của Việt Nam”, ông Colin Blackwell, Trưởng nhóm Nguồn nhân lực lý giải về những gạch đầu dòng khá dài liên quan đến gánh nặng hành chính mà các doanh nghiệp và chuyên gia nước ngoài đang đối mặt.
Khó khăn này không chỉ thấy ở nhóm các doanh nghiệp sản xuất. Trong phần phát biểu của mình, ông Denzel Eades, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Anh cũng chia sẻ quan điểm về những thách thức mà Việt Nam đang đối mặt trong chiến lược thu hút nhân tài toàn cầu đến Việt Nam.
“Trước sự cạnh tranh mạnh mẽ trong khu vực, Việt Nam cần tiếp tục giảm bớt gánh nặng cho nhân tài và những du khách khác (như khách du lịch) và đẩy nhanh tiến độ về quy trình ứng dụng kỹ thuật số và sử dụng công nghệ tại các sân bay”, ông Denzel Eades nhấn mạnh.
Mục tiêu chính của các kiến nghị rất chi tiết này, như ông Denzel Eades chia sẻ, là để Việt Nam tận dụng các điều ước quốc tế để đơn giản hóa và lược bỏ quy định giấy tờ nước ngoài cần hợp pháp hóa để sử dụng, như hơn 100 quốc gia khác đã làm.
Quan trọng hơn, ông Dominik Meichle, Tổng giám đốc Bosch Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp đặt nhiều chờ đợi vào cuộc đối thoại mà họ tin rằng, sẽ mang lại lợi ích cho các bên.
“Nhiều công việc chúng tôi đang triển khai theo nhu cầu phát triển xanh, tuần hoàn của Chính phủ, nhưng đang gặp vướng thủ tục, nên việc có hướng dẫn cụ thể, cơ chế rõ ràng sẽ thúc đẩy thực hiện”, ông Dominik Meichle chia sẻ.
Với tiềm năng, vị thế địa kinh tế trong chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam đang đứng trước cơ hội rất lớn trong tăng trưởng xanh để có thể chuyển mình, bắt kịp, tiến cùng, vượt lên, đi tắt đón đầu và tạo đà cho một bước nhảy vọt về phát triển kinh tế, xã hội và môi trường. Định hướng tăng trưởng xanh chính là chìa khóa đảm bảo cho việc thực hiện thành công các mục tiêu trong Chiến lược Phát triển kinh tế – xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030; tạo cơ hội để Việt Nam tiếp tục đà đổi mới, đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, đề cao chất lượng, hiệu quả và tính bền vững ở quy mô toàn bộ nền kinh tế cũng như ở cấp độ doanh nghiệp.
Việc lựa chọn chủ đề “Doanh nghiệp FDI tiên phong thực hiện Chiến lược Tăng trưởng xanh” cho hội nghị lần này đã thể hiện mạnh mẽ quyết tâm của Chính phủ cũng như khẳng định vai trò đặc biệt quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp FDI trong triển khai tăng trưởng xanh nhằm hiện thực hóa các mục tiêu chiến lược về giảm cường độ phát thải khí nhà kính; xanh hóa các ngành kinh tế; thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi xanh trên nguyên tắc bao trùm, bình đẳng, đồng lợi ích, nâng cao năng lực chống chịu và không để ai bị bỏ lại phía sau.
– Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư