Theo tờ The Wall Street Journal, khi cuộc xung đột ở Ukraine dần bước sang năm thứ 3, Nga đang ở thế tấn công. Trong khi đó, Ukraine lại thiếu đạn dược do nguồn viện trợ bổ sung từ Mỹ vẫn bị đang bị quốc hội nước này chặn lại.
Ukraine nỗ lực cầm chân Nga
Khi đạn pháo sắp hết, lực lượng của Kyiv ở tiền tuyến đang ứng biến và sử dụng phương tiện bay không người lái FPV mang theo chất nổ với hy vọng “cầm chân” quân Nga, để chờ viện trợ từ đồng minh.
Ông Mykhailo Fedorov, Bộ trưởng Chuyển đổi Kỹ thuật số của Ukraine, xác nhận nước này đang tăng mức sử dụng FPV vì “thiếu đạn”.
Theo phân tích từ các chuyên gia, mỗi chiếc FPV chỉ có giá vài trăm USD. Con số này thấp hơn nhiều so với chi phí cho mỗi quả đạn pháo. Ngoài ra, việc sản xuất FPV cũng dễ dàng hơn. Đã có nhiều nhà tài trợ đặt hàng mẫu phương tiện này và giao chúng cho binh sĩ trên tiền tuyến.
Loại phương tiện này được các quân nhân điều khiển từ xa. Chúng được cho là có khả năng nhắm mục tiêu chính xác hơn nhiều so với pháo binh, cho phép người điều khiển bám sát phương tiện hoặc đang di chuyển, nhắm trúng các mục tiêu ẩn náu trong boongke và chiến hào.
UAV tự sát lấn át tên lửa chống tăng trong xung đột Ukraine?
Trong khi pháo binh thường cần nhiều phát bắn để trúng mục tiêu thì FPV hầu như đều nhắm chính xác.
Hơn nữa, dù nhiều người Ukraine không đặt quá nhiều kỳ vọng vào FPV, các binh sĩ chiến đấu xung quanh làng Robotyne (tỉnh Zaporizhzhia) cho biết các thiết bị này đang làm thay đổi chiến tuyến. Vì xe bọc thép cỡ lớn thường có chi phí đắt đỏ, dễ phát hiện nên cả hai bên đều hạn chế sử dụng ở tiền tuyến và thay vào đó bắt đầu dựa vào xe tải, thậm chí là xe máy.
Điểm yếu của FPV
Dù vậy, trong quá trình chiến đấu, FPV đã bộc lộ một số điểm yếu.
Theo đó, mặc dù FPV có giá thành thấp, vẫn có giới hạn về số lượng có thể sử dụng. Lý do vì lực lượng điều khiển của Ukraine còn hạn chế, cộng thêm việc Nga thường xuyên gây nhiễu hệ thống radar, khiến việc triển khai gặp khó khăn.
Hơn nữa, quân nhân với tên gọi Tulayne, chỉ huy đội điều khiển FPV của Ukraine, nói với The Wall Street Journal rằng việc thiếu pháo binh yểm trợ cũng là một bất lợi.
Mặc dù FPV có hiệu quả chống lại bộ binh và xe cộ, loại phương tiện này không thể bay xa và nhanh như pháo binh. Đôi khi, khi chúng đến đích thì mục tiêu đã biến mất. FPV cũng không thể mang đủ chất nổ để phá hủy các công sự mà đạn pháo có thể bắn xuyên qua.
Theo những người lính trong khu vực, kết quả là vùng xám (vùng giữa các chiến hào mà không bên nào kiểm soát) đã ngày càng rộng hơn. Điều này khiến việc tiến quân trở nên khó khăn hơn.
Để khắc phục một số điểm yếu, ngoài việc tìm kiếm nguồn tài trợ vũ khí từ nước ngoài, Ukraine đang tăng cường sản xuất FPV. Các nỗ lực mới bao gồm chế tạo một số loại có khả năng mang theo đạn dược lớn hơn. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vào cuối tháng 12.2023 cũng đặt mục tiêu sản xuất 1 triệu máy bay không người lái vào năm tới.
Binh sĩ Ukraine thừa nhận UAV Nga vượt trội cả số lượng lẫn chất lượng
Trong khi đó, Nga cũng được cho là đang cố gắng tận dụng tối đa lợi thế về tài nguyên và xây dựng đội quân FPV của riêng mình. “Trong vài tuần qua, việc sử dụng máy bay không người lái FPV của họ đã tăng gấp 3 hoặc 4 lần. Pháo binh của họ đang hoạt động tốt. Họ có lợi thế về trinh sát trên không”, chỉ huy Tulayne nói.
Hơn nữa, Moscow có một kho dự trữ lớn pháo dã chiến tự hành kéo với nhiều cỡ nòng khác nhau, theo tờ Eurasian Times.
Mặc dù ông Tulayne cho biết Nga chưa giành thêm diện tích lãnh thổ nào tại vùng Robotyne mà trung đội của ông đang hoạt động, The Wall Street Journal nhận định Moscow đang kiểm soát nhiều khu vực xung quanh đó.