Kỳ nghỉ hè là khoảng thời gian quý giá được bọn trẻ mong chờ bao ngày để được vui chơi thoải mái và nghỉ ngơi sau những ngày tháng học hành miệt mài. Tuy nhiên, trẻ mải chơi có thể quên mất lời dặn dò của cha mẹ và rơi vào mối nguy mất an toàn, hại sức khỏe.
Phụ huynh hãy để mắt đến con nhỏ
Tai nạn thương tích mỗi dịp hè là nỗi lo chung của toàn xã hội, đặc biệt là thảm cảnh đuối nước cứ lặp đi lặp lại nhan nhản nhân lên nỗi đau trong nhiều tổ ấm.
Tiếng trống bế giảng năm học chưa kịp vang lên mà tin dữ vì những mái đầu xanh bỏ mình dưới con nước dữ đã liên tục dội đến.
Nghỉ lễ, nghỉ cuối tuần, trời nóng, từng nhóm trẻ rủ rê nhau đi biển, lội suối, tắm ao rồi mấy bạn nhỏ bị sóng đánh trôi, bị bước hụt chân, bị rơi vào dòng nước xoáy… Bàn tay níu của người lạ đã chẳng thể cứu được tất cả. Thế là có những đứa con mãi mãi không về, nhuộm trắng mái đầu mẹ cha.
Mùa hè đến, hàng loạt trung tâm vui chơi, khu du lịch sinh thái trải nghiệm, khu liên hợp thể thao, các hồ bơi, bãi biển… rộn ràng mở cửa. Đưa con đi chơi, nhiều phụ huynh còn hết sức hồn nhiên, vô lo vô tư trước vô số nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe, thậm chí là tính mạng bủa vây quanh con trẻ.
Tôi chứng kiến nhiều phụ huynh đưa con đi bơi rồi thả trẻ tự do lao mình xuống mặt nước, còn mình thì thản nhiên ngồi bấm điện thoại. Biển đông nghịt người, hồ bơi rộng thênh thang, sông suối trơn trượt thế nào cũng chẳng quan tâm. Trong khi con trẻ còn ham vui, thiếu kiến thức và hao hụt kỹ năng nên chẳng thể ngăn bước chân trẻ lê la đến nơi nước sâu, cản trẻ dừng lại trước các trò chơi mạo hiểm.
Tôi chứng kiến không ít phụ huynh đưa con đến nơi công cộng và bỏ mặc trẻ tự chơi và tự loay hoay gỡ rối. Bóng to, bóng nhỏ con cứ mặc sức ném lung tung, trúng vào ai cũng mặc kệ. Những mảnh ghép logo to đùng con quăng tứ tung vào người lạ. Sách trên giá trong nhà sách xộc xệch theo bàn tay rút vội, quăng đại nghịch ngợm của trẻ…
Chúng ta không thể theo sát bên con, cầm tay chỉ việc con chơi, với tay can thiệp tất tần tật vào mọi chướng ngại vật con gặp phải khiến trẻ bị tước mất sức đề kháng và thiếu hụt kỹ năng sống. Tuy nhiên, chúng ta hoàn toàn không thể để mặc trẻ tự do, tự chơi và tự lo sự an toàn của chính mình.
Nguy cơ trẻ đi lạc, bị bắt nạt, bị tai nạn thương tích… chỉ có thể phòng tránh được nếu mẹ cha để tâm để ý vào việc nhắc nhở con vui chơi nhớ tuân thủ quy định chung; tránh xa các trò mạo hiểm, không hợp lứa tuổi. Đặc biệt, phụ huynh hãy bỏ điện thoại xuống và dõi theo bước chân trẻ từ xa, nhất là khi con xuống nước bơi lội chơi đùa, để tránh tối đa nguy cơ tai nạn thương tích!
Học sinh và những mối nguy hiểm chực chờ vào mùa mưa
Bên cạnh đó, nhà trường và gia đình nên thường xuyên dạy học sinh những điều cần tránh những mối nguy hiểm có thể gặp để học sinh biết bảo vệ mình trong mùa này.
Tai nạn giao thông
Đây là một nỗi lo lớn khi chính phụ huynh chưa phải là tấm gương cho con trẻ. Không ít phụ huynh chở học sinh không đội mũ bảo hiểm. Những cơn mưa bất chợt cũng dễ gây nguy hiểm khi học sinh chạy xe máy, xe đạp phóng nhanh. Thậm chí, phụ huynh cũng không đội mũ bảo hiểm. Chưa kể, có phụ huynh chở con vượt đèn đỏ hay dắt con leo qua dải phân cách để “nhanh một chút”…
Bên cạnh đó, học sinh cần phải đề phòng những mối nguy hiểm lơ lửng trên đầu bao gồm: dây điện, dây cáp lòng thòng có nguy cơ rò rỉ điện. Những tuyến đường có cây to, sum suê cành lá, nhất là cây gốc trồi lên, cành to phủ lòng đường dễ bị ngã đổ. Đó là mối nguy chực chờ không của riêng ai, nhất là học sinh. Do đó, học sinh nên hạn chế ra ngoài lúc trời mưa giông để phòng tránh mối nguy hiểm này.
Đuối nước
Mưa to, dòng nước chảy mạnh rất dễ ngã. Chỉ cần sơ suất, học sinh rất dễ bị cuốn theo dòng chảy, nguy hiểm dễ xảy ra đối với những học sinh không biết bơi, học sinh bậc tiểu học. Đường sá nhiều nơi xuống cấp tạo thành những mương, hố nguy hiểm. Bên cạnh đó, hố ga hỏng nắp là mối nguy chực chờ trong mùa mưa. Cơ quan chức năng còn lơ là trong việc kiểm tra, thay nắp mới nên những cái chết thương tâm đã xảy ra từ miệng cống, miệng hố ga.
Sốc nhiệt, sét đánh
Tình trạng sốc nhiệt rất dễ xảy ra trong những ngày nắng nóng và mối nguy bị sét đánh vào mùa mưa cũng không ngoại lệ. Mối nguy hiểm rình rập đối với học sinh khi thời tiết quá nắng nóng và mưa to gió lớn.
Để hạn chế những nguy hiểm cho học sinh, người lớn (nhà trường và gia đình) cần dạy những kỹ năng cơ bản cho học sinh, quan tâm học sinh bằng những hành động thiết thực, là tấm gương thực sự để học sinh soi vào.