Ghi nhận tại khu tái định cư Khe Mừ, xã Thanh Thủy (huyện Thanh Chương, Nghệ An), một số hạng mục trong khu đã hư hỏng, nhà văn hóa, trường mầm non xuống cấp, xuất hiện nhiều vết nứt kéo dài. Khu vực này trở thành nơi chăn thả, nuôi nhốt trâu bò của người dân.
Hơn một năm trước, VietNamNet đã có bài phản ánh về dự án này nhưng đến nay người dân vẫn chưa thể vào sinh sống.
Mòn mỏi chờ lên bờ
Trao đổi với PV, ông Trần Văn Tâm (SN 1970, trú tại xã Thanh Hà, huyện Thanh Chương) cho biết, gia đình thuộc diện tái định cư nhưng đến nay vẫn chưa có phản hồi từ địa phương. Ông phải thuê căn nhà trên bờ để sống tạm.
Vợ chồng ông Trương Văn Cường (SN 1962) và bà Nguyễn Thị Năm (SN 1963), trú thôn Minh Đức, xã Võ Liệt cũng có hàng chục năm lênh đênh trên sông nước. Hai vợ chồng có 3 con trai, 2 con gái, trong đó 2 người con đã lập gia đình.
“Dự án có từ lúc các con tôi đang tuổi ăn học, đến nay đã trưởng thành lập gia đình, đi làm ăn xa. Cuộc sống chài lưới, mưu sinh trên sông nước vất vả đủ bề. Chúng tôi không thể sống mãi trên con thuyền cũ, nhất là đến mùa mưa bão, gia đình đành dựng tạm căn nhà bên bờ sông Lam”, bà Năm kể.
Một số người dân địa phương cho biết, mấy năm qua, chính quyền địa phương tổ chức cho người dân đến khu tái định cư tham quan. Nhiều người đã hy vọng, ao ước sớm được lên bờ sinh sống ổn định lâu dài.
Thực tế, một số hộ dân làm nghề chài lưới thuộc dự án này đã lên bờ, dựng nhà tạm sát sông Lam để ở nhiều năm qua.
Còn nhiều vướng mắc
Dự án trên được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt từ năm 2009, do Chi cục Phát triển Nông thôn Nghệ An làm chủ đầu tư, số vốn ban đầu là 79 tỷ đồng, sau các lần điều chỉnh quy hoạch, nguồn vốn nâng lên gần 84 tỷ đồng.
Quy mô dự án gồm 2 khu định cư, tại xã Thanh Thủy và xã Thanh Lâm (huyện Thanh Chương), đưa 165 hộ vạn chài lên sinh sống, bao gồm 120 hộ ở khu tái định cư Khe Mừ và 45 hộ ở khu tái định cư Triều Dương (xã Thanh Lâm). Hiện tại, các hộ ở Triều Dương đã được vào sinh sống.
Ông Lê Văn Lương – Chi Cục trưởng Chi cục Phát triển Nông thôn Nghệ An cho biết, khu tái định cư Khe Mừ được bàn giao cho UBND xã Thanh Thủy bảo vệ từ tháng 8/2023. Đến nay, điểm này còn vướng hạng mục chia lô đất sản xuất cho người dân.
“Một số hạng mục khác như xây bờ rào, sân chơi chúng tôi sẽ hoàn thành vào cuối năm nay”, ông Lương nói.
Ông Lê Đình Thanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương khẳng định, chủ đầu tư mới xây dựng được một số hạng mục như nhà văn hóa, nhà mẫu giáo, đường giao thông, hệ thống điện. Các hạng mục trên mới bàn giao cho UBND xã bảo vệ, chưa đủ điều kiện để dân vào ở.
“Mục đích của dự án là đưa người dân vào ở nhưng chưa làm được. Muốn cho người dân vào ở thì phải có đất trồng trọt và chăn nuôi”, ông Thanh nói.
Ông Thanh cũng chỉ ra vướng mắc hiện nay của dự án là hơn 200ha đất lâm nghiệp chưa thể chuyển đổi sang đất nông nghiệp để chia cho các hộ dân.
“Chúng tôi đang thống kê, điều chỉnh quy hoạch để trình UBND tỉnh Nghệ An xin chuyển đổi đất rừng sang đất sản xuất. Việc chuyển đổi 200ha đất rừng phải thông qua HĐND tỉnh họp và thông qua”, ông Thanh nêu.
Dự kiến, vào đầu tháng 10/2024, UBND huyện Thanh Chương sẽ có văn bản trình UBND tỉnh Nghệ An để xin chuyển đổi diện tích đất rừng nêu trên. Tuy nhiên, thời gian bao giờ mới hoàn thành thì lãnh đạo huyện Thanh Chương chưa rõ.
Gần đây nhất, ông Nguyễn Văn Đệ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã có văn bản chỉ đạo các sở, ban ngành, địa phương liên quan tháo gỡ khó khăn, sớm giao đất theo lộ trình của dự án tái định cư Khe Mừ.
Ngược dòng nước, 38 hộ dân miền Tây từ bỏ quê hương mang theo giấc mộng đổi đời đến lòng hồ thủy điện mưu sinh. Sau 10 năm, giấc mơ ngày đầu mờ phai theo năm tháng. Bây giờ, họ chỉ mong được lên bờ lập nghiệp.
Nguồn: https://vietnamnet.vn/cho-chuyen-doi-200ha-dat-rung-15-nam-dan-van-chai-chua-the-dinh-cu-2326553.html