Trồng nhãn ngon, trồng bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP rồi bón phân hữu cơ, cho "ăn" cá tanh, nông dân, doanh nghiệp tỉnh Hòa Bình bẻ quả ngon bán sang cả thị trường nước ngoài.
Trong những năm qua, người nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp của tỉnh Hòa Bình đã và đang chú trọng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung ứng dụng công nghệ cao; thay đổi tư duy sản xuất để phát triển những sản phẩm nông nghiệp sạch theo hướng hữu cơ, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Cây đặc sản cho quả ngon bán ra nước ngoài
Đất Mường non xanh, nước biếc vừa được một tổ chức chuyên xếp hạng về du lịch đưa vào danh sách là một trong những địa phương hấp dẫn nhất thế giới. Bên cạnh vẻ đẹp hùng vĩ mà thiên nhiên ban tặng, đất Mường giờ đây còn trở thành vựa sản xuất nông nghiệp của miền Bắc. Nhiều đặc sản của đất Mường đã được thị trường trong và ngoài nước đón nhận.
Hiện nay nhiều trang trại, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh đang chú trọng hơn đến sản xuất hữu cơ, đáp ứng các yêu cầu về an toàn thực phẩm đối với các mặt hàng nông sản. Sử dụng phân bón hữu cơ trong sản xuất, áp dụng các quy trình thực hành nông nghiệp tốt... là những lựa chọn thay thế hàng đầu, mang lại hiệu quả cao hơn mà không gây ảnh hưởng xấu đến môi trường.
Vựa nhãn Sơn Thủy, thuộc huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình giờ đây được biết đến là nơi xuất khẩu nhãn sang châu Âu. Đây là tin mừng với người nông dân, nhưng trong suốt những năm vừa qua, để có được sản phẩm đủ tiêu chuẩn xuất sang trời Âu, người nông dân cũng đã chủ động chăm sóc vườn nhãn theo tiêu chuẩn mà đối tác đưa ra.
Gia đình ông Bùi Văn Lực (ở xóm Khoang, xã Sơn Thủy, huyện Kim Bôi) là người đầu tiên của xã đưa cây nhãn Hưng Yên về trồng tại địa phương. Ngoài ra, vườn nhãn của ông cũng từng được chọn để lấy hàng xuất khẩu nhãn sang châu Âu.
Ông Lực chia sẻ: "Năm nay do nắng hạn, nên cây nhãn không đạt sản lượng như mọi năm. Gia đình tôi thu được khoảng 30 tấn, với giá bán trên 20.000 đồng/kg. Tôi thường ủ cá và đậu tương làm "thức ăn" cho vườn nhãn. Cá, đậu tương được ủ men vi sinh, sau một tháng trở thành phân hữu cơ. Nhờ bón loại phân này mà vườn nhãn xanh tốt quanh năm. Quả nhãn có chất lượng hảo hạng, đáp ứng các tiêu chuẩn để xuất sang châu Âu".
Trở lại một trong những vùng trồng bưởi lớn của tỉnh, sau khi được cấp mã số vùng trồng năm 2021, việc canh tác bưởi theo quy trình VietGAP, hữu cơ càng được người dân Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình chú trọng để hướng tới xuất khẩu.
Theo đó, các vùng trồng thường xuyên được giám sát quá trình canh tác, nhật ký đồng ruộng cũng như việc đảm bảo an toàn thực phẩm. Đến nay, toàn huyện Yên Thủy có khoảng trên 600ha trồng bưởi Diễn, trong đó bao gồm cả bưởi hữu cơ, VietGAP. Bắt đầu từ năm 2022, những quả bưởi Diễn đầu tiên đã được xuất khẩu sang một trong những thị trường khó tính của châu Âu.
Ông Bùi Huyên - Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thủy cho biết: Thời gian qua, đối với sản phẩm bưởi Diễn, UBND huyện đã triển khai các giải pháp nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm và tìm đầu ra ổn định cho các sản phẩm như: Xây dựng nhãn hiệu chứng nhận "bưởi Yên Thủy", hỗ trợ xây dựng và chuẩn hóa OCOP. Bưởi Diễn Yên Thủy vượt qua các yêu cầu, tiêu chuẩn khắt khe để xuất khẩu, giống như những viên gạch xanh xây mô hình nông nghiệp bền vững, phát triển gắn với bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và bảo vệ môi trường xanh, sạch, tạo cơ hội nâng cao giá trị nông sản và tăng thu nhập cho người dân.
Hướng tới nền nông nghiệp xanh và bền vững
Ở xã Quyết Chiến, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình có Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ V-ORGANIC là đơn vị phát triển sản xuất rau an toàn theo chuỗi liên kết. Với vùng sản xuất rộng gần 8ha, để giám sát chặt chẽ quá trình sản xuất, Hợp tác xã chia thành những diện tích nhỏ trồng các loại rau khác nhau. Toàn bộ diện tích được tưới bằng hệ thống tưới phun mưa tự động. Người lao động tại đây được hướng dẫn quy trình sản xuất an toàn, trang bị đầy đủ đồ bảo hộ, kiến thức về an toàn lao động…
Chị Cấn Thị Thùy Trang - Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ V-ORGANIC cho biết: "Trước thách thức biến đổi khí hậu ngày càng hiện hữu, lựa chọn Quyết Chiến làm nơi thực hiện ý tưởng của mình, chúng tôi đầu tư trồng các loại rau, củ theo tiêu chuẩn hữu cơ, an toàn. Quy trình sản xuất từ khâu làm đất, trồng, chăm sóc, thu hoạch rau đều có cán bộ kỹ thuật giám sát. Do đó, các loại rau do Hợp tác xã sản xuất tại đây đạt vi lượng tốt, độ ngọt, thơm hơn so với các vùng đất khác; giúp hợp tác xã giảm thiểu được một số chi phí, công sức, thời gian, đầu ra của sản phẩm cũng ổn định và mang lại giá trị kinh tế cao hơn".
Với sự phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, hữu cơ theo tiêu chuẩn GlobalGAP, VietGAP đã và đang nâng tầm ngành nông nghiệp tỉnh. Nông dân ngày càng có nhận thức cao về sản xuất an toàn, diện tích sản xuất đạt chuẩn VietGAP, hữu cơ của tỉnh tăng từng năm. Nhiều vùng chuyên canh, vùng sản xuất các cây trồng chủ lực đã được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu.
Trong quy hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nông nghiệp cũng tiếp tục được xác định là 1 trong 4 ngành quan trọng trong phương hướng phát triển kinh tế của tỉnh.
Nhiệm vụ trọng tâm đầu tiên để thực hiện quy hoạch là: Tạo dựng và phát triển các ngành sản phẩm động lực (ngành quan trọng) thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Trong đó, về lĩnh vực nông nghiệp có chế biến nông, lâm, thủy sản; nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp chất lượng cao.
Ông Nguyễn Huy Nhuận - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Hòa Bình cho biết: Năm 2024, ngành NNPTNT cùng các địa phương đã chủ động thực hiện các chương trình, đề án và kế hoạch hành động cơ cấu lại ngành nông nghiệp, đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, các chương trình mục tiêu phát triển ngành.
Cùng với đó, ngành đã tham mưu cho tỉnh thực hiện các chính sách thúc đẩy phát triển sản xuất, hầu hết các chỉ tiêu phát triển ngành năm 2024 đều đạt và vượt so với cùng kỳ và kế hoạch đề ra; giá trị sản xuất toàn ngành tăng khá. Mô hình liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản đảm bảo an toàn thực phẩm được triển khai đến các huyện/thành phố; công tác tiêu thụ sản phẩm có chuyển biến rõ rệt, một số sản phẩm trồng trọt chủ lực (bưởi, mía, chuối, nhãn…) và lâm sản đã được đẩy mạnh xuất khẩu.
Đẩy mạnh cấp mã số vùng trồng
Trong năm 2025, ngành NNPTNT Hòa Bình tiếp tục phấn đấu đạt mục tiêu cơ cấu lại ngành nông nghiệp đã ban hành;tiếp tục xây dựng nông nghiệp phát triển toàn diện, bền vững, sản xuất hàng hoá lớn, hiệu quả và có sức cạnh tranh cao trên thị trường; thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học trong sản xuất; tăng quy mô sản xuất theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt (GAP), nông nghiệp hữu cơ...
Để làm được điều này, ngành NNPTNT tiếp tục thực hiện hiệu quả cơ cấu lại lĩnh vực trồng trọt; thực hiện tái canh cây ăn quả có múi, phát triển các sản phẩm chủ lực gắn với cấp mã số vùng trồng. Tổ chức liên kết xây dựng cánh đồng lớn gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ hướng đến xuất khẩu sản phẩm ở những nơi có điều kiện. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản phẩm phù hợp với lợi thế và nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tiếp tục hỗ trợ tích tụ ruộng đất, dồn điền đổi thửa tạo cánh đồng lớn, thúc đẩy phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung. Khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học...
Nguồn: https://danviet.vn/cho-cay-dac-san-an-ca-tanh-ai-ngo-nong-dan-hoa-binh-be-qua-ban-duoc-ca-sang-nuoc-ngoai-20250121154806208.htm
Bình luận (0)