Sáng nay (8/6), tiếp tục chương trình làm việc, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên.
Đối mặt hình phạt nặng nề thì trẻ rất dễ bị tổn thương
Phát biểu tại phiên thảo luận, Chánh án Tòa án nhân dân (TAND) Nguyễn Hòa Bình cho biết, thế giới quan niệm trẻ em chưa phát triển đầy đủ tâm, sinh lý, kiến thức pháp luật, chính vì thế khả năng kiểm soát hành vi kém hơn người trưởng thành, thường bốc đồng, thậm chí manh động.
“Ở lớp, chỉ cãi nhau cái là đánh nhau, đua xe gây rối trật tự, hay vào siêu thị bốc cái này, cái kia ăn, nhưng không biết mình đang phạm tội. Đó là do kinh nghiệm cuộc sống, não bộ phát triển chưa đầy đủ”, ông Bình nói.
Ông Nguyễn Hòa Bình cho biết, trẻ chưa thành niên kiến thức pháp luật không có trong khi phạm tội thì đối mặt với hệ thống tư pháp (luật lệ, các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử) nặng nề thì rất dễ tổn thương.
“Cho nên đặt ra câu chuyện phải có Luật Tư pháp người chưa thành niên độc lập”, ông Bình nói.
Ông Bình cho biết, một số cơ quan băn khoăn: “Chúng ta nhân văn quá với các cháu thì có phải thả tội phạm ra đường không? Nhưng nhiều nước nghiên cứu cho thấy, nếu cho các cháu phạm tội ăn cắp, đánh nhau mà đưa vào trại luôn thì chỉ làm chai sạn với nhà tù”.
“Nhiều nước áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng với tinh thần cứu các cháu ra khỏi nhà tù thì tỉ lệ tái phạm tội là giảm 85%”, ông Bình nói thêm.
Vì thế ông Bình cho rằng, cần phải tích hợp các đạo luật khác nhau vào các đạo luật chuyên biệt, điều này vừa nghiêm khắc, vừa nhân văn.
“Chính vì vậy dự thảo luật này được xây dựng trên kinh nghiệm của nhiều nước và khuyến cáo của Liên hợp quốc. Chính sách nhân văn chúng tôi tiếp thu tinh thần của các nước để đưa vào đạo luật này. Ví dụ như không tuyên tử hình, chung thân, mức án của các cháu ít hơn nhiều so cùng tội danh với người trưởng thành, thời hạn điều tra ngắn hơn với người lớn”, ông Bình nói.
Ông Bình cho biết, nếu quá trình điều tra dài như người lớn thì đặt các cháu vào tình trạng tâm lý căng thẳng. Cho nên thời hạn tố tụng phải rút ngắn lại, cùng với đó giam giữ phải có trại giam riêng, không giam chung với người lớn.
“Trại giam người lớn thì có tội phạm chuyên nghiệp, đôi khi nó lại đào tạo đứa trẻ phạm tội chuyên nghiệp hơn”, ông Bình nói.
Ông Bình cũng cho biết, các quyền của người chưa thành niên cũng phải đảm bảo như quyền chơi, tiếp cận thông tin, học tập. “Chúng tôi cũng đặt ra tình huống nếu trại giam không tổ chức được lớp học thì phải học trực tuyến với bên cạnh trại giam để đảm bảo quyền học tập của các cháu”, ông Bình nói.
Kiểm soát tại nhà bằng thiết bị điện tử thay bằng bắt giam
Nói về những nội dung Ủy ban Tư pháp băn khoăn, có quan điểm khác với của Tòa án tối cao, ông Nguyễn Hòa Bình cho biết: “Chúng tôi yêu cầu vụ án có trẻ em thì phải tách vụ án ra để giải quyết độc lập. Tại sao chúng ta phải tách? Nếu không tách thì thời hạn điều tra phải theo người lớn. Đặt các cháu vào thời hạn tạm giam, hay là tình trạng khởi tố phải kéo dài”, ông Bình nói.
Thứ hai là cán bộ điều tra, truy tố, xét xử theo yêu cầu của dự thảo luật này phải có hiểu biết về trẻ chưa thành niên (tâm lý, sinh lý). Và phải tiến hành hoạt động xét hỏi trong môi trường thân thiện. “Nếu gộp chung với người lớn thì không thực hiện được”, ông Bình nói.
Ông Bình cũng cho biết, nếu xét xử chung với người lớn thì phải công khai quá trình phạm tội cùng với bản án người lớn. Trong khi đó, yêu cầu của dự thảo luật là không được công khai.
“Tại sao thế giới họ cấm công khai hành vi tội phạm của các cháu? Bởi vì người ta nghĩ đến phần đời rất dài của các cháu. Nếu như tất cả hành vi phạm tội của các cháu được công khai trên mạng, trên truyền thông thì xã hội kỳ thị, mặc cảm từ đó phần đời còn lại để tái hòa nhập là mong manh. Cho nên thông tin hành vi phạm tội phải được bảo mật. Nhưng khi xét xử với người lớn thì bản án phải công khai, khi tuyên án phải công khai”, ông Bình nói.
Chánh án TAND Tối cao cũng cho biết, trong dự thảo Luật cũng cấm tiếp xúc nạn nhân, người làm chứng với bị can, bị cáo.
“Có đối tượng phạm tội chuyên nghiệp, ra tòa nhìn thấy các cháu chỉ cần “trừng mắt” cái là các cháu bị ảnh hưởng tâm lý dẫn đến lời khai có thể sẽ không chính xác. Cho nên tất cả các nước, Liên Hợp Quốc người ta yêu cầu phải tách”, ông Bình nói.
Theo Chánh án TAND Tối cao, có ý kiến quan ngại rằng, nếu tách thì các cháu phải ra tòa hai lần, lần thứ nhất ra tòa với tư cách là bị can, bị cáo, lần thứ hai ra tòa với tư cách là người làm chứng. “Việc này chúng ta hoàn toàn có thể khắc phục được”, ông Bình nói.
Ông Nguyễn Hòa Bình dẫn chứng, thứ nhất lời khai của các cháu trước tòa ở phiên tòa độc lập thì được xem là lời khai đã được thẩm định công khai và được sử dụng trước tòa đối với người lớn. Không cần thiết phải ra tòa lần nữa.
Thứ hai, cơ quan điều tra hoàn toàn có thể lấy lời khai của các cháu và công bố lời khai trước tòa.
Thứ ba, công nghệ thông tin hiện nay cho phép tham dự phiên tòa không cần đến phiên tòa bằng hình thức trực tuyến.
Tiếp đến ông Bình cũng cho biết, hiện nay các cháu phạm tội ngay lập tức bắt tạm giam đưa trong trại. Nhưng dự thảo luật cho phép, kiểm soát tại nhà bằng các biện pháp xử lý chuyển hưởng.
“Hạn chế tối đa để các cháu không phải vào trại. Khi vào trại thì tâm lý rất nặng nề, phần đời còn lại thì khó khăn. Nếu bị giam chung với người lớn nữa thì không biết điều gì xảy ra? Roi vọt, trại giam sẽ làm cho các cháu trở nên chai sạn đối với hình phạt mà thôi. Cho nên thế giới chỉ áp dụng biện pháp trừng phạt đưa vào nhà tù khi không còn giải pháp nào khác”, ông Bình nói.
Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/cho-cac-chau-pham-toi-vao-trai-giam-luon-chi-lam-chai-san-voi-nha-tu-a667472.html